Ngày 23/3, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã kêu gọi các quốc gia trên thế giới cùng nhau phối hợp hành động để phòng tránh một cuộc suy thoái toàn cầu trước những tác động tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19.
Tổng Thư ký OECD Angel Gurria cho rằng sự phối hợp này phải có quy mô lớn hơn cả Kế hoạch Marshall - sáng kiến do Mỹ khởi xướng về viêc tái thiết châu Âu sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Ông Gurria khẳng định, chỉ có những nỗ lực phối hợp từ tất cả các quốc gia mới có thể giúp thế giới đối phó với đại dịch, xoa dịu những tác động từ cú sốc kinh tế và mở đường hướng tới sự phục hồi.
Hiện nhiều quốc gia đã đưa ra các gói kích thích khổng lồ để giảm thiểu những tác động kinh tế tiêu cực, vốn được đánh giá là còn nghiêm trọng hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008. Tuy nhiên cho đến nay, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) vẫn chưa có kế hoạch hành động chung nào.
Theo Tổng Thư ký OECD, các chính phủ cần giải quyết những vấn đề như trợ giúp tiền mặt trực tiếp cho những người kinh doanh tự do - đối tượng mà ở nhiều nước không nhận được sự hỗ trợ dành cho những người làm việc toàn thời gian và làm việc có lương. Ông Gurria cũng kêu gọi chính phủ các nước mở rộng hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ và du lịch.
Cùng ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa công bố một gói kích thích kích thích kinh tế mở rộng, với mục tiêu thúc đẩy thị trường và giúp đỡ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Gói kích thích này bao gồm kế hoạch tăng cường mua trái phiếu chính phủ và một chương trình cho vay trực tiếp dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) - đối tượng bị ảnh hưởng lớn từ sự đình trệ của nền kinh tế Mỹ./.