OECD hoan nghênh sự ủng hộ của G20 với kế hoạch đánh thuế công nghệ

Tổng Thư ký OECD cho biết kế hoạch mà OECD đưa ra tại Mỹ lần này là một cách tiếp cận thống nhất được phát triển từ ba đề xuất đang được thảo luận về thuế đánh vào các tập đoàn công nghệ.
(Nguồn: business-standard.com)

Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Angel Gurria ngày 18/10 hoan nghênh sự ủng hộ của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) với kế hoạch đánh thuế các tập đoàn công nghệ mà OECD đề xuất và tin rằng các nước sẵn sàng cho việc đạt một thỏa thuận.

Trả lời phỏng vấn bên lề các hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới tại Washington, ông Gurria cho rằng sự ủng hộ của G20 là rất quan trọng, và kế hoạch mà OECD đưa ra tại Washington lần này là một cách tiếp cận thống nhất được phát triển từ ba đề xuất đang được thảo luận về thuế đánh vào các tập đoàn công nghệ. Theo ông, tổ chức này dự kiến sẽ đi đến nhất trí về các nội dung của kế hoạch vào giữa năm tới.

Ông cho biết các cuộc đàm phán luôn phức tạp, với nhiều nội dung mang tính kỹ thuật. Tuy nhiên, ông tin rằng các nước đã sẵn sàng xúc tiến kế hoạch đánh thuế và sẽ có sự linh hoạt trong quá trình đàm phán nhằm đạt thỏa thuận.

[Tổng thống Đức chỉ trích hành vi trốn thuế của các công ty kỹ thuật số]

Tại cuộc họp vừa kết thúc tại Washington, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 đã ủng hộ đề xuất xây dựng các quy định về thuế trên toàn cầu đối với các tập đoàn công nghệ dựa trên doanh thu ngay cả ở những nước mà các tập đoàn này không có sự hiện diện hữu hình.

Trong một thông cáo báo chí, G20 hoan nghênh đề xuất mà OECD đưa ra đầu tháng này.

Đề xuất trên nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán trên toàn cầu để buộc các tập đoàn đa quốc gia lớn với khả năng sinh lời cao, trong đó có các tập đoàn công nghệ, phải đóng thuế ở bất kể nơi nào họ đang có hoạt động kinh doanh đáng kể và có lợi nhuận.

Các tập đoàn công nghệ thông tin lớn của Mỹ như Google và Facebook đã vấp phải sự chỉ trích khi không đóng một số tiền thuế công bằng do có thể chuyển lợi nhuận đến các thiên đường thuế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục