OECD: Cuộc khủng hoảng người di cư năm 2017 tạm lắng dịu

Cuộc khủng hoảng người di cư trong năm 2017 đã lắng dịu hơn, theo đó số người chạy trốn khỏi chiến tranh và xung đột để tìm kiếm cuộc sống ổn định hơn tại nước khác đã có chiều hướng giảm.
Người di cư tại khu vực biên giới Hy Lạp-Macedonia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), cuộc khủng hoảng người di cư trong năm 2017 đã lắng dịu hơn, theo đó số người chạy trốn khỏi chiến tranh và xung đột để tìm kiếm cuộc sống ổn định hơn tại nước khác đã có chiều hướng giảm.

Trong báo cáo xu hướng di cư quốc tế công bố ngày 20/6, OECD cho hay số đơn xin tị nạn mà các nước thuộc tổ chức này tiếp nhận trong năm ngoái đã giảm 25%, từ mức kỷ lục 1,64 triệu người của năm 2016.

Trong khi đó, xu hướng xin tị nạn tại các nước Liên minh châu Âu (EU) cũng đã giảm 50%. OECD cho rằng sự sụt giảm trong khối EU phần lớn là do số đơn xin tị nạn tại Đức giảm tới 73%, xuống còn 198.000 đơn.

[Chìa khóa để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu]

Đức - điểm đến hàng đầu của những người tị nạn trong nhóm nước phát triển - đã ghi nhận số người xin tị nạn cao kỷ lục hồi năm 2016 xuất phát từ việc nhiều đơn tị nạn tồn đọng từ năm trước đó. Tiếp sau Đức, Italy nhận được 127.000 đơn xin tị nạn trong khi đó con số này ở Thổ Nhĩ Kỳ là 124.000 đơn, và Pháp là 91.000 đơn.

Đi ngược lại xu hướng này, báo cáo của OECD chỉ rõ Mỹ đứng đầu danh sách các nước tiếp nhận đơn xin tị nạn. Theo đó, số người xin tị nạn vào Mỹ tăng 26%, lên tới 330.000 người. 40% trong số này là đơn xin tị nạn từ người dân các nước Trung Mỹ và Nam Mỹ như El Salvador, Guatemala và Venezuela.

Báo cáo trên công bố trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump đang đối mặt với làn sóng chỉ trích mạnh mẽ xuất phát từ chủ trương chia tách trẻ em trong gia đình nhập cư bất hợp pháp khỏi cha mẹ chúng tại biên giới giữa Mỹ và Mexico./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục