OCOP tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp của Hà Giang

Hà Giang đã đánh giá, phân hạng được 120 sản phẩm, trong đó có 118 sản phẩm trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp tỉnh đạt từ 3 đến 4 sao, hai sản phẩm OCOP cấp quốc gia đạt 5 sao.
OCOP tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp của Hà Giang ảnh 1Người dân xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) thu hái chè shan tuyết. (Ảnh: Nguyễn Chiến/TTXVN)

Sau 2 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, Hà Giang đã đánh giá, phân hạng được 120 sản phẩm, trong đó có 118 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt từ 3 đến 4 sao, hai sản phẩm OCOP cấp quốc gia đạt 5 sao.

Hà Giang là tỉnh có nhiều tiểu vùng khí hậu, có điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm thế mạnh như: cam sành, chè shan tuyết, mật ong bạc hà, gạo Già Dui, dược liệu,…

Trước đây, khi chưa có chương trình OCOP, những sản phẩm này chưa được các địa phương chú trọng, sản xuất nhỏ lẻ, chưa xây dựng được thương hiệu, nhãn mác và thị trường tiêu thụ.

Huyện Quản Bạ (Hà Giang) là một trong những địa phương đi đầu trong việc triển khai chương trình OCOP.

Năm 2019, toàn huyện có 16 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt từ 3-4 sao. Năm 2020, huyện Quản Bạ tiếp tục tham gia dự thi với 19 sản phẩm.

[Mỗi xã một sản phẩm: Tạo hiệu ứng lan tỏa ở các địa phương]

Hợp tác xã cộng đồng Nặm Đăm, huyện Quản Bạ được thành lập từ năm 2014 với mục đích ban đầu phát triển các sản phẩm dược liệu.

Khi chương trình OCOP được triển khai, nhiều sản phẩm của Hợp tác xã đã được nghiên cứu sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm và mở rộng thị trường, trong đó có hai sản phẩm được tỉnh cấp chứng nhận OCOP đạt 3 sao.

Anh Lý Tà Dèn, Giám đốc Hợp tác xã cộng đồng Nặm Đăm, cho biết khi mới thành lập, tôn chỉ của Hợp tác xã chỉ mong muốn lưu giữ giống dược liệu quý của người dân bản địa. Khi chương trình OCOP được triển khai, nhiều sản phẩm đã được sản xuất một cách bài bản, được người tiêu dùng ưa chuộng.

“Chúng tôi có hai sản phẩm được tỉnh chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, đó là sản phẩm Cao Atiso và Trà gừng cao nguyên đá. Hiện, nhiều sản phẩm đang tham gia dự thi sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Từ khi tham gia chương trình OCOP, nhiều sản phẩm của chúng tôi đã được hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu, quảng bá thương hiệu… Qua đó, giá trị của các sản phẩm được nâng cao hơn nhiều so với trước kia. Đặc biệt, sản phẩm khi được chứng nhận OCOP đã có đầu ra ổn định,” anh Dèn chia sẻ.

Ông Phạm Ngọc Pha, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quản Bạ, cho biết thực hiện chương trình OCOP, huyện đã lựa chọn các sản phẩm có thế mạnh của địa phương, tập trung hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện các sản phẩm theo chuỗi giá trị, từ đó mới tổ chức thực hiện. Các sản phẩm chứng nhận OCOP được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, mức độ tiêu thụ cũng như thu nhập ngày càng cao hơn.

Ông Đỗ Tấn Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh cho biết, chương trình OCOP đã mang lại tư duy mới cho các chủ thể sản xuất, các doanh nghiệp và hợp tác xã, từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất quy mô, theo quy trình kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Do đó, chất lượng các sản phẩm ngày càng được nâng lên rõ rệt.

“Từ năm 2018 đến nay, với trách nhiệm của ngành, chúng tôi đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho tất cả cán bộ, lãnh đạo quản lý, các chủ thể sản xuất hàng hóa, doanh nghiệp, hợp tác xã hiểu về Chương trình OCOP. Qua sự đánh giá của Hội đồng, những sản phẩm chưa được chứng nhận, cấp sao, chúng tôi đều có những nội dung hướng dẫn rất rõ ràng về các tiêu chuẩn, chỉ ra vì sao chưa đạt chất lượng, mẫu mã, vi phạm kích thước bao bì, an toàn thực phẩm như thế nào. Từ đó, các chủ thể sản xuất căn cứ vào những góp ý của Hội đồng để hoàn thiện sản phẩm của mình, tiếp tục tham gia dự thi trong thời gian tiếp theo,” ông Sơn chia sẻ.

Hà Giang hiện có 4 sản phẩm gồm: cam, dầu lạc, chè shan tuyết và mật ong bạc hà đang được tiêu thụ trong hệ thống siêu thị Vinmart.

Ngoài ra, một số đặc sản của tỉnh đang được người tiêu dùng ưa chuộng như: Cam sành, chè shan tuyết, mật ong bạc hà, thịt bò vàng vùng cao, gạo Già Dui, các loại dược liệu…

Nhiều sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận chỉ dẫn địa lý.

Các sản phẩm OCOP đã và đang tạo ra một diện mạo mới trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn, không ngừng gia tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ, góp phần nâng cao đời sống của người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục