Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023 với nhiều điểm khả quan trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang nhiều biến động. Theo đó, lợi nhuận trước thuế và tổng tài sản đều ghi nhận tăng trưởng tích cực, đặc biệt là nỗ lực tăng cường quản trị rủi ro, tập trung số hóa.
Các chỉ số tăng trưởng tích cực
Trong quý 1, OCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 983 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Tổng thu thuần đạt 2.090 tỷ đồng, trong đó thu thuần trong lãi được xem như hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng đạt 1.751 tỷ đồng, chiếm 84% trong cấu trúc tổng thu thuần hoạt động của ngân hàng. Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) duy trì hiệu quả ở mức 3,9%, tăng so với cùng kỳ.
Chi phí hoạt động được kiểm soát chặt chẽ trong bối cảnh tổng thu thuần tiếp tục tăng so với cùng kỳ với hệ số chi phí hoạt động trên doanh thu ở mức 37%.
Đến hết quý 1, tổng tài sản của OCB tiếp tục tăng trưởng khả quan khi đạt hơn 199.141 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ. Ngoài ra, trong bối cảnh lãi suất biến động mạnh, hoạt động tín dụng và huy động của ngân hàng không ngừng tăng trưởng. Trong đó, hoạt động cho vay khách hàng đạt gần 121.914 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy ngân hàng vẫn luôn tập trung vào hoạt động cho vay cốt lõi. Bên cạnh đó, tổng huy động thị trường 1 đạt 143.752 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Riêng tiền gửi khách hàng ghi nhận kết quả khả quan khi tăng trưởng 7,2% so với cùng kỳ, tương đương đạt 105.564 tỷ đồng.
[Ngân hàng đầu tiên áp dụng nền tảng quản lý vốn theo Basel II nâng cao]
Các tỷ lệ an toàn vốn (CAR), tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) và tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức hợp lý, đảm bảo đáp ứng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
OCB đã và đang triển khai 7 chương trình áp dụng ưu đãi lãi suất cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, lĩnh vực xuất nhập khẩu, một số ngành được ưu tiên phát triển, các sản phẩm vay tiêu dùng, mua nhà ở phục vụ đời sống.
Trong thời gian tới, cùng với sự đồng hành của Ngân hàng Nhà nước trong cơ chế hỗ trợ đối với các khoản cho vay trung dài hạn, OCB sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát các ngành, lĩnh vực, phân khúc khách hàng phù hợp với tiềm năng phát triển kinh tế để xây dựng các chương trình, các gói cho vay ưu đãi lãi suất cũng như theo sát kế hoạch kinh doanh, phát triển tín dụng đã đề ra.
Dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện triển khai, ban hành các chương trình hỗ trợ lãi suất, tại điều kiện thuận lợi để khách hàng tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất kinh doanh với tổng doanh số giải ngân tham gia dự kiến khoảng 25.000 tỷ đồng, mức ưu đãi từ 1%-2% để hỗ trợ khách hàng.
Chú trọng số hóa, quản trị rủi ro chặt chẽ
Vào đầu tháng Ba vừa qua, OCB chính thức giới thiệu ngân hàng số thế hệ mới Liobank dành cho khách hàng trẻ sành công nghệ với hàng loạt tính năng vượt trội. Nền tảng này được kỳ vọng sẽ dẫn đầu xu hướng ngân hàng số, chinh phục những khách hàng có lối sống năng động, yêu công nghệ, chuộng sự tinh gọn và thường xuyên sử dụng thẻ tín dụng cho chi tiêu hằng ngày.
Không chỉ tập trung vào số hóa, nhà băng này luôn chủ động ứng phó và kịp thời thực hiện các biện pháp quản lý rủi ro chặt chẽ, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Mới đây, OCB đã công bố hoàn thành triển khai và áp dụng nền tảng tính vốn điện toán đám mây theo Basel II nâng cao (phương pháp tiếp cận nội bộ - IRB).
Qua đó, OCB trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam hoàn thành tất cả các yêu cầu tiên tiến của Basel trong chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế. Việc hoàn thành và áp dụng nền tảng quản lý vốn theo các yêu cầu của Basel II nâng cao không những giúp OCB nâng cao năng lực quản trị rủi ro tín dụng của ngân hàng mà còn đảm bảo việc đo lường rủi ro và tỷ lệ an toàn vốn chính xác, từ đó hỗ trợ hiệu quả các quyết định kinh doanh. Đặc biệt, khẳng định mạnh mẽ mục tiêu dài hạn của OCB trong việc củng cố nền tảng quản trị rủi ro vững chắc, hướng đến sự minh bạch, nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường.
Với dự đoán năm 2023 sẽ là một năm thách thức, đòi hỏi tổ chức tín dụng phải có khả năng chống chịu trước những biến động kinh tế vĩ mô khó lường. Theo đó, bên cạnh việc áp dụng tiêu chuẩn Basel II nâng cao và Basel III, OCB tiếp tục tiến tới nghiên cứu triển khai các chuẩn mực quốc tế khác như IFRS 9 để đảm bảo hoạt động quản trị rủi ro liên tục được nâng cao, giúp ngân hàng phát triển hiệu quả và bền vững.
Ngoài ra, ngân hàng cũng nghiêm túc tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước, duy trì mức xếp hạng tín nhiệm cao của Moody’s và các tổ chức khác.
Đại diện OCB cho biết: “Trong bối cảnh hiện nay, OCB luôn nỗ lực củng cố nền tảng quản trị rủi ro vững chắc, tăng cường sức mạnh trước các biến động kinh tế vĩ mô khó lường. Ngoài ra, chúng tôi cũng chú trọng đầu tư vào con người và số hóa, nhờ đó ngân hàng sẽ có có đủ nguồn lực để nắm bắt thời cơ khi nền kinh tế ổn định hơn”./.