Óc Eo-Ba Thê chính thức được công nhận di tích quốc gia đặc biệt

Quần thể di tích trên sườn núi Ba Thê và cánh đồng Óc Eo chứng minh sự tồn tại của vương quốc thịnh trị Phù Nam tại Nam bộ từ thế kỷ thứ 1-7.
Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thê cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Ngày 27/6, tại thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang đã diễn ra Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo-Ba Thê là di tích quốc gia đặc biệt.

Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang phát biểu khẳng định, đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng và là cơ hội tốt để Di tích Óc Eo-Ba Thê được quy hoạch, đầu tư đồng bộ, hợp lý, hiệu quả, hướng đến việc xây dựng một Khu du lịch Di tích văn hóa thu hút đông đảo người dân đến tham quan, nghiên cứu.

An Giang là vùng đất có nhiều di tích lịch sử văn hóa với những công trình kiến trúc nghệ thuật, những danh lam thắng cảnh và đặc biệt là những di chỉ khảo cổ ghi đậm dấu ấn lịch sử tồn tại lâu đời của vùng đất này. Từ những hiện vật phát hiện được ở quần thể di tích phân bố trên sườn núi Ba Thê và cánh đồng Óc Eo , chứng minh sự tồn tại của vương quốc Phù Nam - một vương quốc thịnh trị, có tầm ảnh hưởng bao trùm cả vùng Nam bộ từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 7.

Vương quốc Phù Nam có một nền thương nghiệp phát triển mạnh mẽ trong nội địa và cả vùng Đông Nam Á. Xã hội phát triển nhiều ngành nghề thủ công như nghề gốm, luyện đồng, luyện sắt, luyện thiếc, nghề kim hoàn. Nghệ thuật tạc tượng điêu luyện, gồm hai nhóm tượng Ấn Độ giáo và Phật giáo.

Văn hóa Óc Eo hình thành và phát triển mạnh ở khu vực đồng bằng Nam bộ, niên đại từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ 7. Nhà khảo cổ người Pháp Louis Malleret qua nghiên cứu không ảnh đã xác định được dấu vết của thành phố cổ Óc Eo.

Qua khai quật khảo cổ, Louis Malleret cũng đã xác định được vòng thành cổ và nhận định, đây là một đô thị cổ, hay còn gọi là thị cảng Óc Eo. Tên gọi Óc Eo được ông Louis Malleret đặt theo tên địa điểm gò Óc Eo ở huyện Thoại Sơn (An Giang), khi di tích này được phát hiện và công bố năm 1942.

Từ năm 1944 đến nay, nhiều di tích ở khu vực này đã được khai quật như Giồng Cát, Giồng Xoài, Gò Óc Eo, Gò Cây Thị, Gò Da, Gò Út Trạnh, Nam Linh Sơn, Gò Cây Me, Gò Tư Trâm, Gò Út Nhanh, di chỉ đá nổi …

Ngoài phân bố trên địa bàn huyện Thoại Sơn , di tích khảo cổ văn hóa Óc Eo còn được phát hiện trên địa bàn các huyện Tri Tôn và Tịnh Biên và một số huyện, thị trong tỉnh. Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học Xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng An Giang, Khoa Khảo cổ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh và Trường Viễn Đông Bác Cổ tiến hành nhiều đợt khảo sát, nghiên cứu khai quật, đã phát hiện và bổ sung nhiều hiện vật quý giá.

Các di vật, di chỉ của nền văn hóa Óc Eo được khai quật hết sức phong phú về loại hình và đa dạng về chất liệu. Nhiều loại hình của nền văn hóa Óc Eo như tôn giáo, cư trú, kiến trúc, mộ táng, đặc biệt là các di tích kênh đào cổ, đường nước cổ, lung cổ… đã dần thấy được rõ nét hơn về diện mạo của nền văn hoá Óc Eo và vương quốc Phù Nam.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu đó, di tích Óc Eo đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là khu di tích quốc gia với 3 cụm di tích gồm Di tích kiến trúc nghệ thuật Hai Bia đá và tượng Phật bốn tay được xếp hạng năm 1988, cùng hai di tích khảo cổ Nam Linh Sơn tự và Gò Cây Thị được xếp hạng năm 2002.

Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đã quyết định thành lập Ban Quản lý di tích Óc Eo nhằm tiếp tục gìn giữ bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa Óc Eo. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân tại địa phương về việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa của di tích./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục