Việc trùng tu di tích lịch sử Ô Quan Chưởng ở phường Đồng Xuân, Hoàn Kiếm, Hà Nội vừa được hoàn thành. Người dân xung quanh hồ hởi chiêm ngưỡng gương mặt sạch sẽ và vững chãi của cửa ô sau khi di tích này được gột sạch rêu và những cây gây hại, bồi đắp kẽ hở... "Ô Quan Chưởng sau khi tu bổ sạch sẽ và vững chãi hơn. Ngày trước, nhìn những cái kẽ của di tích bị nứt ra vì có cây mọc tôi cũng lo sẽ có ngày tường bị vỡ. Giờ thì đi qua cũng yên tâm hơn rồi," một người dân sống ở Ô Quan Chưởng nhận xét. Tuy nhiên, sự hồ hởi này của người dân nhanh chóng lắng xuống, bởi, chỉ sau chưa đầy một tuần cửa ô đã lại bị những nét vẽ, viết nguệch ngoạc làm ảnh hưởng đến vẻ tôn nghiêm của một di tích. Trước sự việc này, khi được hỏi, không ít người dân ở quanh đây đã tỏ thái độ thờ ơ. Sự vật lộn mưu sinh hàng ngày khiến chẳng mấy ai để ý xem di tích có bị xâm hại hay không. Thậm chí, có người còn cho rằng, nếu nhìn thấy ai đó viết bậy thì họ cũng mặc kệ bởi không phận sự mà can thiệp vào biết đâu lại chịu tai vạ. Cũng có người lại nghĩ đơn giản, đó chỉ là trò nghịch của trẻ con nên chẳng có gì đáng nói… “Mấy chữ này chỉ của trẻ con thôi, nó viết lúc nào tôi không nhìn thấy, mà có thấy cũng chả nói làm gì, không phải việc của mình, nhắc nó lại chửi cho,” một người dân ở Hàng Chiếu cho hay. Những thái độ thờ ơ với Ô Quan Chưởng đã khiến cho di tích này vừa được trùng tu đã lại bị bôi nhọ. Bà Nga, Phó Chủ tịch phường Đồng Xuân cho biết, quận Hoàn Kiếm có cho một người bảo vệ di tích Ô Quan Chưởng, tuy vậy, đây là địa bàn có sự họp chợ 24/24 giờ với nhiều khách thập phương qua lại nên việc bảo vệ cũng có khó khăn. Có lẽ đây không chỉ là nỗi niềm riêng của Ô Quan Chưởng. Trước đây, Con đường gốm sứ với bao công sức và tiền của đầu tư đến khi hoàn thiện ai nhìn cũng trầm trồ nhưng chẳng mấy ai coi việc bảo vệ nó là chuyện của mình. Do vậy, đã có lúc cả một đoạn đê dài từ cửa khẩu rẽ vào chợ Long Biên đến An Dương, con đường bị cháy xém ở dưới chân nham nhở do một số người thiếu ý thức dùng củi, rác đốt. Hay tại Tháp Bút, Hồ Gươm, một biểu tượng tôn vinh tri thức của người Việt cũng bị viết bậy lên… Trao đổi với phóng viên Vietnam+, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cho rằng việc ghi tên hay vẽ bậy lên các di tích là cách ứng xử không văn hóa và rất cá nhân. “Những nét chữ nguệch ngoạc trên Ô Quan Chưởng cũng như ở Tháp Bút là điều đáng tiếc. Dù đó chỉ là hành động của một số ít người nhưng nó đã hiện diện thì cũng đã bêu xấu người Hà Nội,” nhà Hà Nội học than thở. Theo ông Nguyễn Vinh Phúc, nguyên nhân của điều đáng tiếc trên là do mặt bằng dân trí chưa được cao, người dân còn thiếu tinh thần vì cộng đồng. Ông Phúc chỉ ra, để bảo vệ những di tích và các công trình có giá trị, cần thiết hơn hết là ý thức tự giác và tinh thần cộng đồng của chính những người dân. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, muốn có được sự giác ngộ của người dân thì chính quyền địa phương ở những địa bàn có di tích… nên họp bàn với dân và vận động họ đề cao ý thức vì cộng đồng. Việc huy động dư luận xã hội vào bảo vệ các di tích cũng là điều rất cần thiết bởi dư luận xã hội sẽ giúp kiểm soát hành vi sai trái của cá nhân. Trong mỗi gia đình, ông bà, cha mẹ cũng cần khuyên bảo và phân tích cho con cháu hiểu giá trị của những di tích để cùng chung tay giữ gìn. “Chúng ta đang thực hiện chủ trương của thành phố là toàn dân đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa thì chính đây là cách thể hiện việc chúng ta xây dựng khu dân cư văn hóa,” ông Phúc nhận xét./.
Ô Quan Chưởng là cửa ô duy nhất còn lại của thành Thăng Long cũ. Cửa ô này được xây dựng từ năm 1749, đến năm 1817 đã xây lại và giữ nguyên kiểu cách đến ngày nay. Dự án trùng tu Ô Quan Chưởng được khởi công từ tháng 8/2009, với nguồn kinh phí 74.500 USD, do Quỹ Bảo tồn văn hóa của Đại sứ quán Hoa Kỳ tài trợ. Dự án đã hoàn thành vào ngày 4/1/2011. Ô Quan Chưởng sau khi được trùng tu nhìn có vẻ hơi mới nên gặp phải sự phản ứng của những người hoài cổ. Tuy nhiên, theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, việc tu bổ này là cần thiết. Những cây mọc ở kẽ của Ô Quan Chưởng nhìn có vẻ như thơ mộng nhưng lớn lên rễ cây sẽ làm nứt và vỡ tường… Do đó, việc chặt, nạo những cây gây hại, bồi đắp kẽ hở, chát lại để cửa ô vững chắc là việc làm hợp lý. “Cái gì tôn tạo và sửa chữa cũng sẽ khác cái cũ, nhưng rồi một thời gian nó cũng lại cũ. Việc trùng tu Ô Quan Chưởng không làm mất đi nét cổ của cửa ô,” nhà Hà Nội học khẳng định. |
Thiên Linh (Vietnam+)