Ô nhiễm môi trường vẫn phức tạp, ''gánh nặng'' dồn sang năm 2020

Ô nhiễm môi trường vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là ô nhiễm không khí. Thực tế này đòi hỏi năm 2020 cần có những hành động quyết liệt, kiểm soát chặt chẽ nguồn xả thải, xử lý nghiêm các vi phạm.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn ảnh: Vietnam+)

Theo thông tin từ Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong năm 2019, ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp. Ô nhiễm không khí đang ngày trở nên nghiêm trọng, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng “xấu” hơn với sự gia tăng các nguồn thải gây ô nhiễm.

Đáng chú ý, chỉ số chất lượng không khí (AQI) có thời điểm vượt ngưỡng an toàn, nguy hại tới sức khỏe người dân, nhất là bụi mịn PM2.5. Thực tế này đòi hỏi trong năm 2020, Tổng cục Môi trường cần có những hành động quyết liệt, nhất là kiểm soát chặt chẽ nguồn xả thải, xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Ô nhiễm môi trường đáng báo động

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020 diễn ra chiều ngày 25/12, đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho biết nhìn chung trong năm qua, công tác quản lý, bảo vệ môi trường đã được kiểm soát chặt chẽ và có những chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động. Các dự án lớn tiềm ẩn nguy cơ cao về môi trường được kiểm soát chặt chẽ, hoạt động an toàn.

Qua nhiều hoạt động đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đến nay đã có 407/439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QD-TTg, đạt tỷ lệ 92,7% (tăng 3 cơ sở so với năm 2018), 289/435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QD-TTg cơ bản hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để.

Đối với các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng thuộc khu vực công ích, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành cơ chế hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách nhà nước để xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích nhằm dành nguồn lực để ưu tiên xử lý ô nhiễm. Qua đó thúc đẩy tiến độ xử lý đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích.

[Gần 10 năm triển khai Luật Khoáng sản: Tài nguyên vẫn bị ''chảy máu'']

Ngoài ra, Tổng cục Môi trường cũng đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh các hoạt động khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin tại các “điểm nóng” về ô nhiễm như sân bay Biên Hòa, thúc đẩy hợp tác quốc tế, đặc biệt là đối với Hoa Kỳ.

Mặc dù vậy, đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường cũng thẳng thắn nhìn nhận trong năm 2019, ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp, ô nhiễm không khí đang trở nên nghiêm trọng hơn. Đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, ô nhiễm có xu hướng gia tăng tại một số thời điểm trong ngày và một số ngày trong năm, nhất là khi có sự kết hợp giữa các yếu tố khí tượng, hiện tượng thời tiết sương mù với sự gia tăng của các nguồn phát thải.

Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, lượng chất thải được thải ra môi trường đang ngày càng tăng. Trong khi đó, công tác quản lý rác thải sinh hoạt hiện nay còn nhiều hạn chế, phần lớn được xử lý theo hình thức chôn lấp. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được giảm thiểu hoặc tái chế tại các cơ sở xử lý chưa cao.

Cùng với chất thải rắn và ô nhiễm không khí, nước thải cũng là điều đáng lo. Báo cáo của Tổng cục Môi trường cho thấy nước thải đô thị phát sinh ngày càng lớn, hầu hết chưa qua xử lý, mà xả ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước mặt trong các đô thị, khu dân cư; hạ tầng thu gom, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu.

Đáng chú ý, vẫn còn nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để, nhiều cơ sở công nghiệp nằm xen lẫn trong khu dân cư chậm được di dời. Chất lượng và tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng tiếp tục suy giảm.

Còn tư tưởng thu hút đầu tư bằng mọi giá

Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, nguyên nhân dẫn đến những tồn tại nêu trên chưa được xử lý triệt để là do vẫn còn tư tưởng ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư bằn mọi giá, xem nhẹ yêu cầu bảo vệ môi trường.

Quan điểm không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế chưa được thực hiện triệt để. Ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của người dân và doanh nghiệp còn nhiều hạn chế; việc thực thi công tác bảo vệ môi trường hiệu quả chưa cao.

Ô nhiễm không khí đang ngày diễn biến phức tạp. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Bên cạnh đó, hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ môi trường còn chồng chéo, bất cập, chưa theo kịp những diễn biến nhanh của các vấn đề môi trường và yêu cầu hội nhập quốc tế. Trong khi đó, việc tổ chức thực hiện còn yếu kém, nhất là cấp địa phương, cơ sở, kể cả cấp độ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và quản trị môi trường ở các khu kinh tế, khu công nghiệp, làng nghề.

Các dự án thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường vẫn còn xu hướng đầu tư vào Việt Nam. Năng lực phòng ngừa, ứng phó với các sự cố môi trường của các doanh nghiệp ở một số địa phương còn nhiều bất cập.

Về phần mình, Tổng cục Môi trường cũng thẳng thắn nhìn nhận mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song hoạt động của đơn vị vẫn còn một số hạn chế như: Công tác xây dựng đề án, văn bản pháp luật vẫn còn chậm tiến độ so với yêu cầu của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường.

[Ô nhiễm không khí: Nhận diện nguyên nhân để giải quyết triệt để]

Nguyên nhân được Tổng cục Môi trường chỉ ra là do một số đơn vị trực thuộc được giao chủ trì xây dựng chưa tốt sự quan tâm đúng mức về ưu tiên nguồn lực để thực hiện tốt nhiệm vụ; việc bố trí nguồn lực cho công tác xây dựng văn bản chưa thật sự hợp lý, nguồn lực còn bị phân tán, chưa bảo đảm tính ưu tiên, thống nhất.

“Trong năm có một số sự cố, vụ việc ô nhiễm môi trường phát sinh cũng như nhiều nhiệm vụ đột xuất được giao đòi hỏi Tổng cục phải bố trí thời gian, nhân lực và phối hợp với nhiều bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan để giải quyết. Điều đó dẫn đến tiến độ xử lý một số văn bản bị quá thời hạn,” báo cáo nêu rõ.

Kiên quyết xử lý mạnh các hành vi gây ô nhiễm

Qua thực tế trên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh bước sang năm 2020, Tổng cục Môi trường sẽ có những hành động quyết liệt, những giải pháp mang tính đột phá để đạt được các mục tiêu đề ra.

Đó là kết hợp công tác bảo vệ môi trường hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội; kiểm soát chặt chẽ nguồn xả thải; giảm thiểu rác thải nhựa; thu gom, tái chế chất thải rắn; xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường; khuyến khích, thúc đẩy ngành công nghiệp môi trường; từng bước xây dựng nền kinh tế tuần hoàn...

Về phần mình, Tổng cục Môi trường cũng đề ra mục tiêu trong năm 2020 sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; rà soát, điều chỉnh, xây dựng mới các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm về công tác quản lý môi trường, hệ thống pháp luật, tiêu chuẩn môi trường của các nước phát triển trên thế giời.

[Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi: Siết quản lý các nguồn thải khí bụi]

Song song với đó, các cơ quan chức năng sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường; tăng cường cơ chế giám sát về bảo vệ môi trường đối với các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây sự cố, ô nhiễm môi trường cao, bảo đảm không để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng, các dự án vận hành an toàn.

Đặc biệt, Tổng cục Môi trường sẽ đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn, nhất là thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; trong đó tập trung rà soát, đánh giá tình hình, kết quả thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường không khí và kế hoạch hành động quốc gia quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025.

Tăng cường quan trắc, giám sát chặt chẽ diễn biến chất lượng không khí trong các đô thị lớn, kết nối số liệu quan trắc Trung ương và địa phương để cung cấp thông tin kịp thời cho người dân và có các giải pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả.

Ngoài ra, Tổng cục Môi trường hướng tới việc kiểm soát chặt chẽ về môi trường đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, rà soát kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung; yêu cầu các đối tượng có quy mô xả thải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động liên tục, truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục