Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thời gian gần đây, môi trường biển có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn do các độc chất trong chất thải từ một số hoạt động trên đất liền, đặc biệt là các khu công nghiệp ven biển.
Theo thống kê, có từ 70% đến 80% lượng rác thải trên biển bắt nguồn từ đất liền do các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, cơ sở công nghiệp, khu dân cư xả nước thải, chất thải rắn không qua xử lý ra các sông ở ven biển, hoặc xả thẳng ra biển.
Ngoài ra, do ảnh hưởng từ khu vực cửa sông và sự tiếp nhận chất thải của các hoạt động phát triển kinh tế ven biển, một số vùng biển có hàm lượng chất rắn lơ lửng cao. Điển hình như tại khu vực âu thuyền Thọ Quang tại thành phố Đà Nẵng.
[Công bố 6 vấn đề nổi cộm “ám ảnh” các khu đô thị của Việt Nam]
Báo cáo Môi trường quốc gia năm 2016 vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố cũng chỉ rõ, hàm lượng dầu mỡ khoáng trong nước biển đang có xu hướng gia tăng, phổ biến ở khu vực cảng biển, do hoạt động của các tàu thuyền làm rò rỉ nhiên liệu dầu mỡ.
Đơn cử như tỉnh Quảng Ninh, theo thông tin từ Trung tâm quan trắc và Phân tích môi trường tỉnh, tại khu vực vịnh Cửa Lục - cầu Bãi Cháy, hàm lượng dầu có xu hướng tăng trong giai đoạn 2011 - 2015, đạt giá trị từ 0,012 mg/l đến 0,826 mg/l.
Riêng khu vực ven bờ bến chợ Hạ Long 1 và khu vực ven bờ, hàm lượng dầu mỡ khoáng tuy có xu hướng giảm trong năm 2013, 2014, tuy nhiên vẫn vượt ngưỡng cho phép trong tất cả các đợt quan trắc.
"Ngoài ra, môi trường biển còn có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn do các độc chất trong chất thải từ hoạt động của các khu công nghiệp ven biển. Điển hình là sự cố ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung xảy ra trong tháng 4/2016," báo cáo nêu rõ./.
[Cần giám sát việc nhận chìm vật liệu nạo vét xuống biển Bình Thuận]