Ô nhiễm không khí - "sát nhân" thầm lặng tại các thành phố châu Phi

Các giải pháp xanh có thể cứu sống 125.000 người và giảm thiệt hại kinh tế 20 tỷ USD, cũng như giảm khoảng 20% lượng khí thải ở những thành phố của châu Phi vào năm 2040.
Khói mù ô nhiễm bao phủ bầu trời tại Cairo, Ai Cập, ngày 8/1/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo một báo cáo nghiên cứu do Quỹ Không khí sạch (Clean Air Fund), một tổ chức phi chính phủ của Anh công bố ngày 27/10, tình trạng ô nhiễm không khí tại các thành phố phát triển nhanh của châu Phi đang là "kẻ sát nhân" nghiêm trọng hơn nhiều so với suy nghĩ của nhiều người.

Tuy nhiên, các giải pháp xanh có thể cứu sống hàng chục nghìn người và giúp ngăn chặn những thiệt hại lên tới hàng tỷ USD do tình trạng ô nhiễm này gây ra.

Báo cáo cho biết nhiều thành phố ở châu Phi đã không quan tâm tới tình trạng nhiễm không khí.

[Biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí có thể giết chết hàng tỷ người]

Nghiên cứu được thực hiện với 4 thành phố đang phát triển nhanh chóng tại Lục địa Đen là Accra, Cairo, Johannesburg và Lagos, tập trung vào các yếu tố như sức khỏe, môi trường và chi phí kinh tế, đồng thời so sánh kết quả của việc "vận hành như bình thường" tại những thành phố này đến năm 2040 với kết quả của việc những thành phố trên thực hiện kịch bản môi trường xanh - áp dụng các biện pháp làm sạch không khí như nâng cấp các phương tiện giao thông công cộng, đưa vào sử dụng bếp nấu ăn sạch và áp dụng công nghệ công nghiệp.

Kết quả cho thấy việc thực hiện kịch bản trên có thể cứu sống 125.000 người và giảm thiệt hại kinh tế 20 tỷ USD, cũng như giảm khoảng 20% lượng khí thải ở những thành phố này vào năm 2040, trong khi việc "vận hành như bình thường" sẽ gây thiệt hại về tài chính cho những thành phố trên gấp hơn 6 lần so với kịch bản môi trường xanh.

Giám đốc phụ trách về Ghana tại quỹ trên Desmond Appiah, nêu rõ: "Ô nhiễm không khí (ở các thành phố châu Phi) đang ở mức cao và đang gia tăng, nó tăng lên khá nhanh. Nó là một kẻ giết người thầm lặng."

Dân số châu Phi chủ yếu sinh sống ở các vùng nông thôn và gần đây châu lục này mới bị tụt lại so với các lục địa khác về tỷ lệ người dân di tản đến các thành phố.

Nghiên cứu trước đó được công bố trên tạp chí The Lancet Planetary Health cho thấy khí thải độc hại, đặc biệt là khí thải từ ngành công nghiệp và giao thông vận tải, cũng như từ các loại bếp nấu bằng củi, đã làm khoảng 1,1 triệu người chết yểu vào năm 2019./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục