‘Ô nhiễm không khí do bụi PM2.5 trong nhà cao hơn bên ngoài 2-3 lần’

Theo một số nghiên cứu, ô nhiễm không khí do bụi mịn PM2.5 ở trong nhà nhiều lúc còn cao gấp 2-3 lần so với không khí ngoài trời. Trong khi 80% thời gian trong ngày, người dân sinh sống trong nhà.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội, tại các đô thị lớn của Việt Nam hiện nay tình trạng ô nhiễm không khí vẫn đang diễn biến rất "xấu." Điều đáng nói là ô nhiễm không khí do bụi mịn PM2.5 ở trong nhà thường cao gấp khoảng từ 2-3 lần so với không khí ngoài trời.

Vì thế, việc cải thiện cũng như đảm bảo chất lượng không khí trong nhà theo "tiêu chuẩn xanh" là rất cần thiết, bởi thực tế hơn 80% thời gian chúng ta ở trong nhà.

Hiểm họa ô nhiễm bụi mịn PM2.5

Thông tin tại Hội thảo “Giải pháp thiết kế, lắp đặt, sử dụng trang thiết bị công trình để đảm bảo điều kiện chất lượng không khí trong nhà” do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 2/11, ông Dũng nhấn mạnh ô nhiễm không khí do bụi mịn PM2.5 tại các đô thị Việt Nam, chủ yếu đến từ các hoạt động giao thông, xây dựng...

Bên cạnh đó, do phải chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới với mùa đông quá lạnh và mùa hè quá nóng nên đa phần các tòa nhà dân dụng tại các đô thị được thiết kế kín gió nhằm tối đa hóa khả năng tiết kiệm năng lượng của máy điều hòa. Tuy nhiên, trong bối cảnh ô nhiễm không khí do bụi mịn PM2.5 tại các đô thị hiện nay thì đây cũng là nguyên nhân khiến không khí trong nhà bị ô nhiễm hơn, do khả năng lưu thông kém.

Chung quan điểm, Giáo sư, tiến sĩ khoa học Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch danh dự Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam (VACEE) cũng cho rằng chất lượng không khí trong nhà, ảnh hưởng đến sức khỏe con người là vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay.

Theo báo cáo của Trung tâm An toàn sức khỏe dân cư Canada năm 1998, hoạt động sống của con người diễn ra ở trong nhà chiếm tới 86,9% trong khi ở ngoài nhà chỉ chiếm 7,6% và trên phương tiện giao thông chiếm khoảng 5,5%. Vì vậy, chất lượng không khí trong nhà có tác động rất lớn tới sức khỏe của con người.

Dẫn báo cáo của Liên minh Toàn cầu về sức khỏe và ô nhiễm năm 2019, ông Đăng cho biết tổng số người chết do ô nhiễm môi trường ở Việt Nam năm 2017 là 71.365 người. Trong đó số người chết do ô nhiễm không khí là 70,4%; chết do ô nhiễm nước là 4,4%; chết do ô nhiễm chì là 11,5% và chết do ô nhiễm nghề nghiệp là 12,6%.

[Bộ TN-MT: Năm 2025 phải cảnh báo, dự báo được ô nhiễm môi trường]

Thống kê của của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho thấy trong số 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất ở Việt Nam thì 6 bệnh liên quan đến đường hô hấp có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí và chất lượng không khí. Trong khi đó, phần lớn hoạt động của con người được diễn ra trong các tòa nhà; chất lượng không khí trong nhà chính là một trong các yếu tố ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.

Từ thực tế đáng lo ngại nêu trên, vị chuyên gia Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam cho rằng trong bối cảnh ô nhiễm không khí hiện nay, việc ban hành tiêu chuẩn chất lượng không khí trong nhà tại Việt Nam là rất cấp thiết. Thực tế, nhiều nước trên thế giới đã ban hành Luật Chất lượng không khí trong nhà từ 20-30 năm về trước.

Ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cũng nêu lên thực tế, lâu nay, Việt Nam mới chỉ quan tâm đến điều hòa không khí, còn vấn đề về thông gió, đặc biệt là cấp gió tươi trong trao đổi không khí, có nhiều công trình chưa tuân thủ.

Qua kiểm toán năng lượng ở gần 300 công trình của 2 Dự án do Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) thực hiện năm 2014-2017 và Dự án của EECB thực hiện năm 2016-2021, cũng như một số dự án khác về công trình nhà tại Việt Nam cho thấy vấn đề về thông gió trong các công trình ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, không đảm bảo lượng trao đổi khí tươi và điều kiện vệ sinh cho công trình.

"Tiêu chuẩn xanh" cho nhà ở

Ông Thịnh cho biết Bộ Xây dựng đã giao Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam nghiên cứu xây dựng dự thảo “Tiêu chuẩn về nhà ở và nhà công cộng - Các thông số chất lượng không khí trong nhà.”

Trên cơ sở đó, ngày 29/8/2022, tiêu chuẩn này đã được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tại quyết định số 1686/QĐ-BKHCN. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng trong thiết kế, thi công, quản lý vận hành các công trình bảo đảm các điều kiện tiện nghi, sức khỏe cho người sử dụng.

Theo ông Thịnh, tiêu chuẩn trên không chỉ quy định giới hạn các thông số chất lượng không khí trong nhà như bụi mịn, vi khuẩn, virus, thông gió tòa nhà, hay đóng vai trò trong việc đánh giá hệ thống thiết bị thông gió - điều hòa không khí của tòa nhà, mà là còn là cơ sở để đo lường chất lượng môi trường trong nhà đối với các công trình xanh.

Đặc biệt, tiêu chuẩn này có ý nghĩa rất quan trọng để tạo cơ sở pháp lý trong việc thiết kế, vận hành và quản lý công trình nhằm tạo lập một môi trường sống trong nhà có chất lượng cao, đảm bảo sức khỏe và hiệu quả làm việc cho người dân Việt Nam.

Với ý nghĩa đó, đại diện Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường kỳ vọng cùng với việc ban hành Tiêu chuẩn TCVN 13521:2022 cộng với các quy định liên quan đến vấn đề nhãn sinh thái trong quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT... Việt Nam sẽ có thêm các đơn vị nghiên cứu, tư vấn, chứng nhận, thử nghiệm các chỉ tiêu liên quan đến chất lượng không khí trong nhà.

Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng cam kết sẽ có các hoạt động phổ biến, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức; sau một vài năm áp dụng Tiêu chuẩn TCVN 13521:2022 có thể nghiên cứu đưa vào các quy chuẩn để mang tính bắt buộc áp dụng cao hơn.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe các báo cáo khoa học liên quan đến thực trạng chất lượng không khí trong nhà dân dụng ở Việt Nam; chất lượng không khí cho cuộc sống con người; một số giải pháp công nghệ kỹ thuật trong thiết kế và vận hành công trình để kiểm soát chất lượng không khí trong nhà; tầm nhìn của doanh nghiệp về định hướng tương lai của tiêu chuẩn chất lượng không khí trong nhà./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục