Ô nhiễm không khí ‘còn xấu,’ người dân cần đeo khẩu trang khi ra đường

Dự báo tình hình ô nhiễm không khí tại Hà Nội sẽ còn diễn biến xấu, người dân cần hạn chế ra ngoài vào buổi sáng sớm và buổi đêm, đeo khẩu trang chống bụi đảm bảo tiêu chuẩn khi ra đường.
Ô nhiễm không khí ở miền Bắc có xu hướng "xấu." (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Trong nhiều ngày qua và hôm nay, 12/12, không khí ở Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc liên tiếp bị ô nhiễm nặng. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại nhiều điểm đều ở mức “xấu” và “rất xấu,” được cơ quan quản lý cảnh báo có hại cho sức khỏe con người.

Theo đại diện Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện tượng ô nhiễm không khí tại khu vực miền Bắc tăng cao vào ban đêm và sáng sớm trong những ngày gần đây, là do có sự kết hợp của các yếu tố như: lặng gió, nghịch nhiệt, đối lưu khí quyển thấp làm cho các chất ô nhiễm không thể phát tán lên cao hoặc đi xa.

Dự báo, trong những ngày tới, tình hình thời tiết ở khu vực phía Bắc vẫn duy trì trạng thái ngày nắng, trời ấm dần. Tuy nhiên, sáng sớm có lớp sương mù dày, lặng gió khiến bụi từ các nguồn thải giao thông, xây dựng, các khu công nghiệp… không thể khuếch tán lên cao, nên hiện tượng ô nhiễm không khí có thể vẫn còn xảy ra.

[Bộ TN-MT hiến kế ‘làm sạch’ môi trường không khí tại các thành phố lớn]

Phân tích về quy luật diễn biến chất lượng không khí trong trong các tháng mùa Đông năm 2020, đại diện Tổng cục Môi trường cho biết bắt đầu từ nửa cuối tháng 10 trở về đây, chất lượng không khí ở Hà Nội và một số đô thị phía Bắc có diễn biến xấu hơn so với các tháng trước, đặc biệt trong đầu tháng 11 và đầu tháng 12.

Kết quả đo trong tháng 11 và đầu tháng 12 tại các trạm quan trắc không khí tự động liên tục ở một số đô thị miền Bắc, miền Trung và miền Nam, cho thấy giá trị thông số bụi mịn PM2.5 trung bình 24 giờ tại Hà Nội đều cao hơn các đô thị khác.

Thậm chí, tại Thủ đô Hà Nội đã có 11/41 ngày giá trị thông số bụi mịn PM2.5 trung bình 24 giờ vượt quá giới hạn so với Quy chuẩn Việt Nam.

Xe ôtô cũ nát nhả khói trên đường phố Hà Nội vẫn còn phổ biến. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Đánh giá chất lượng không khí theo chỉ số AQI ngày cũng cho thấy khá nhiều ngày có chất lượng không khí Hà Nội ở mức kém, tập trung nhiều trong khoảng một tuần vừa qua, trong đó có một số thời điểm chỉ số AQI tới ngưỡng rất xấu - "màu tím."

Xét cụ thể tại các khu vực trong nội thành Hà Nội từ đầu tháng 11 đến nay, giá trị thông số bụi mịn PM2.5 trung bình 24 giờ tại nhiều trạm quan trắc không khí tự động khá cao, tập trung thành những đợt ô nhiễm (diễn ra trong khoảng 2-3 ngày). Những đợt ô nhiễm này xảy ra trong nửa đầu tháng 11 và đầu tháng 12/2020.

Trong những ngày qua, hầu hết các trạm quan trắc không khí tự động ở Hà Nội đều cho thấy giá trị thông số bụi mịn PM2.5 trung bình 24 giờ vượt quá giới hạn so với Quy chuẩn Việt Nam, trong đó điểm ô nhiễm thường ở mức "rất xấu" là khu vực Hàng Đậu.

Kết quả tính toán chỉ số AQI ngày tại các trạm của Hà Nội cũng cho thấy trong đầu tháng 12, tại một số trạm, chỉ số AQI đã ở mức “xấu,” đây là ngưỡng “màu đỏ” - những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Theo phân tích của một số nhà nghiên cứu giải thích cho hiện tượng ô nhiễm không khí tăng cao vào ban đêm và sáng sớm tại khu vực miền Bắc, đặc biệt ở các quận nội thành Hà Nội, là do sự kết hợp của các yếu tố như lặng gió, nghịch nhiệt, đối lưu khí quyển thấp làm cho các chất ô nhiễm (chủ yếu bụi đường, khói xe do phương tiện giao thông đi lại nhiều, bụi từ hoạt động xây dựng, khí thải từ các khu - cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề) không thể phát tán lên cao hoặc đi xa.

Trước thực trạng ô nhiễm không khí được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến xấu, đại diện Tổng cục Môi trường khuyến cáo người dân cần thường xuyên cập nhật thông tin về chất lượng không khí trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Môi trường tại www.vea.gov.vn, hoặc qua ứng dụng VNAir trên điện thoại di động để thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động như: hạn chế ra ngoài vào buổi sáng sớm và buổi đêm, đóng các cửa chính, cửa sổ vào những thời điểm ô nhiễm tăng cao và đeo khẩu trang chống bụi đảm bảo tiêu chuẩn khi ra đường./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục