Ô nhiễm Asen trong nước đang trở nên cấp thiết

Nghiên cứu của UNICEF Việt Nam đã chỉ ra rằng tỷ lệ mắc ung thư da của người dân tại nơi có nước nhiễm Asen lớn hơn bình thường.
Thông tin đưa ra tại hội thảo “Asen và ảnh hưởng lên sức khỏe con người” cho thấy, ô nhiễm Asen trong nước ăn uống đang là vấn đề cấp thiết tại Việt Nam.

Nghiên cứu của UNICEF Việt Nam đã chỉ ra rằng tỷ lệ mắc ung thư da của người dân địa phương có nước nhiễm Asen lớn hơn bình thường và có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.

Ngày 29/6, hội thảo “Asen và ảnh hưởng lên sức khỏe con người” đã được Bộ Y tế phối hợp với Viện nghiên cứu Chulabhorn Thái Lan tổ chức tại Hà Nội.

Hội thảo là dịp để chuyên gia đến từ Hoa Kỳ, Thái Lan, Hàn Quốc và Việt Nam thảo luận các bằng chứng khoa học trên thế giới về ảnh hưởng của Asen đến sức khỏe con người, triển khai tiếp các nội dung của dự án về phòng chống ô nhiễm Asen trong nguồn nước, bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em Việt Nam, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong khu vực và quốc tế.

Phát biểu tại hội thảo, giáo sư-tiến sỹ, công chúa Thái Lan Chulabhorn – Chủ tịch Viện nghiên cứu Chulabhorn Thái Lan cho rằng hội nghị sẽ thảo luận các biện pháp để đạt được mục tiêu giảm thiểu tác hại của phơi nhiễm Asen, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở những nơi nguồn nước  bị ảnh hưởng của Asen.

Theo bà Chulabhorn, trên thế giới hiện nay có hàng triệu người đang bị phơi nhiễm Asen. Asen là nguy cơ đứng thứ hai nằm trong nước uống có mức độ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người, nó có thể gây ra nguy cơ ung thư từ 0,1-0,3%.

Ở Việt Nam, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng ô nhiễm Asen trong nước ngầm đã được tìm thấy tại nhiều nơi ở miền Bắc, miền Nam.

Tại miền Bắc, ô nhiễm Asen trong nước ngầm tại nhiều khu vực như Hà Nam, Hà Tây (cũ) và một số khu vực ở Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Dương.

Tỉnh Hà Nam là địa phương có nguồn nước bị ảnh hưởng ô nhiễm Asen nhiều nhất.

Báo cáo của UNICEF Việt Nam cho thấy mức độ ô nhiễm Asen ở Hà Nam là nghiêm trọng, với 62% xét nghiệm nước giếng khoan ở Hà Nam có nồng độ Asen trên 0,05mg/lít. Trong khi theo tiêu chuẩn chất lượng nước sinh hoạt của Việt Nam hiện nay, mức Asen đối với nước ăn uống là 0,01mg/lít.

Nước bị nhiễm Asen vô cơ có nguy cơ cao đối với sức khỏe, đe dọa rất lớn đối với sức khỏe cộng đồng, nhất là đối tượng phụ nữ có thai.

Asen có thể qua nhau thai vào bào thai gây ra nhiều tổn thương lâu dài, gây ra nhiều nguy cơ không mong muốn vào vòng đời của trẻ và có thể gây sảy thai sớm.

Tại hội thảo, tiến sỹ Nguyễn Duy Bảo, Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) cho biết, theo kết quả của đề tài "Nghiên cứu ảnh hưởng của ô nhiễm Asen trong nguồn nước ăn uống, sinh hoạt tới sức khỏe, bệnh tật của cộng đồng dân cư vùng đồng bằng sông Hồng và biện pháp khắc phục" cho thấy tỷ lệ bệnh nhiễm độc Asen mãn tính (mức độ nhẹ) trong cộng đồng dân cư sử dụng nước ô nhiễm Asen để ăn uống tại đây là 1,6%.

Qua kiểm tra tình hình sức khỏe của 3.700 người dân sử dụng nguồn nước ngầm có ô nhiễm Asen trên 0,05 mg/L để ăn uống và sinh hoạt tại 8 tỉnh đồng bằng sông Hồng cho thấy một số biểu hiện bệnh lý liên quan đến Asen như bị suy nhược thần kinh chiếm 64,7%; rối loạn vận mạch chiếm 32,8%; bệnh lý về thai sản chiếm 32,7%; rụng tóc (25,6%), rối loạn cảm giác (19%)...

Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị các bệnh do Asen gây ra nên các giải pháp khắc phục chủ yếu vẫn dựa trên các biện pháp dự phòng.

Như vậy, hội thảo là dịp để các tổ chức quốc tế và các nhà khoa học ủng hộ, giúp đỡ, tài trợ cho Việt Nam thực hiện nhiều dự án, chương trình bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng có hiệu quả/.

Asen có rất nhiều tự nhiên ở lớp vỏ trái đất, nước và môi trường xung quanh. Asen không bị phá hủy trong môi trường nhưng có thể thay đổi dạng của chúng.

Asen có thể nhiễm vào nước với mức độ đáng kể qua nhiều con đường khác nhau và cuối cùng vào cơ thể người qua thực phẩm và nước uống.


Asen là một chất gây ung thư và phơi nhiễm lâu dài với nước bị nhiễm Asen có thể gặp những tác hại lâu dài đối với sức khỏe và có thể tử vong như: loét da, hoại tử và nhiều dạng ung thư khác như ung thư da, ung thư đường tiêu hóa, tiết niệu và gan.
Thùy Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục