NXB Giáo dục phản hồi vụ Thánh Gióng “nhảy xuống Hồ Tây tắm”

Chiều nay, 17/3, Nhà xuất bản Giáo dục đã chính thức có thông tin phản hồi về đoạn trích trong sách lớp 5 với chi tiết Thánh Gióng đánh giặc xong "nhảy xuống Hồ Tây tắm."
NXB Giáo dục phản hồi vụ Thánh Gióng “nhảy xuống Hồ Tây tắm” ảnh 1Nội dung đoạn trích trong sách lớp 5. (Ảnh: Dantri)

Chiều nay, 17/3, Nhà xuất bản Giáo dục đã chính thức có thông tin phản hồi về đoạn trích trong sách lớp 5 (ở cả hai cuốn "Tiếng Việt 5", tập 2, và sách "Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5", tập 2A.)

Cụ thể, trong bài về “Liên kết câu bằng từ ngữ thay thế” có câu hỏi: “Những từ in đậm trong đoạn văn dưới đây dùng để chỉ nhân vật nào và việc dùng nhiều từ ngữ thay thế cho nhau như vậy có tác dụng gì?

Nghe chuyện Phù Đổng Thiên Vương, tôi thường tưởng tượng đến một trang nam nhi, sức vóc khác người, nhưng tâm hồn còn thô sơ và giản dị như tâm hồn tất cả mọi người thời xưa. Tráng sĩ ấy gặp lúc Quốc gia lâm nguy đã xông pha ra trận, đem sức khỏe mà đánh tan giặc, nhưng bị thương nặng. Tuy thế người trai làng Phù Đổng vẫn còn ăn một bữa cơm rồi nhảy xuống Hồ Tây tắm, xong mới ôm vết thương lên ngựa đi tìm một rừng cây âm u nào, giấu kín nỗi đau của mình mà chết.”

Đoạn trích được lấy từ tác phẩm “Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích” của nhà văn Nguyễn Đình Thi.

Theo truyền thuyết Thánh Gióng, Thánh Gióng sau khi đánh tan giặc Ân và đuổi giặc đến chân núi Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội) đã quay về hướng quê nhà, quỳ lạy, rồi cưỡi ngựa lên đỉnh núi, bay về trời.

Nhiều ý kiến cho rằng nội dung Thánh Gióng “vẫn còn ăn một bữa cơm rồi nhảy xuống Hồ Tây tắm, xong mới ôm vết thương lên ngựa đi tìm một rừng cây âm u nào, giấu kín nỗi đau của mình mà chết” là không đúng với truyền thuyết.

Về vấn đề này, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và giáo sư Nguyễn Minh Thuyết (chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt 5) cho biết, đoạn văn trong bài tập trích từ bài viết nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Đình Thi – “Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích” (Nguyễn Đình Thi toàn tập, tập IV, Nhà xuất bản Văn học, 2009, tr. 148).

Theo Nhà xuất bản Giáo dục, mục tiêu của bài tập là rèn luyện cho học sinh kỹ năng liên kết các câu trong đoạn, qua đó học hỏi cách sử dụng từ ngữ linh hoạt của nhà văn. 

Đoạn văn được trích thể hiện trí tưởng tượng phong phú và độc đáo của nhà văn. Ngay ở câu mở đoạn, Nguyễn Đình Thi đã nói rõ là ông tưởng tượng ra một kết cục khác của câu chuyện: “Nghe truyện Phù Đổng Thiên Vương, tôi thường tưởng tượng đến một trang nam nhi...”.

Tuy vậy, phần lớn các chi tiết trong đoạn văn đều là chi tiết có trong các truyền thuyết về Thánh Gióng.

Theo cuốn Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc, Nhà xuất bản Thế Giới, Hà Nội, 2010 (tr.153-154) thì truyền thuyết dân gian trong vùng và bản thần tích Phù Đổng Thiên Vương hiện lưu trong đền Gióng ở làng Xuân Tảo (làng Cáo), xã Xuân Đỉnh, huyện Nam Từ Liêm, Hà Nội, kể rằng: “Vào ngày đầu tháng Tư âm lịch, trên đường đi đánh giặc Ân về, Thánh Gióng đã dừng chân, buộc ngựa vào cây đa đầu làng, ngồi nghỉ trên một phiến đá, sau đó nhảy xuống hồ tắm mát, rồi quay lên tắm lại bằng nước giếng của làng ở chân gò Con Phượng. Dân làng bảo nhau mang cơm, cà ra dâng Thánh ăn trưa. Lúc vội vàng phi ngựa lên đỉnh Sóc Sơn để bay về trời, Đức Thánh bỏ quên thanh roi sắt bên phiến đá. Để ghi nhớ công ơn Thánh Gióng, dân làng cùng nhau lập miếu thờ.”

"Như vậy, chỉ có khác biệt giữa truyền thuyết với bài viết của nhà văn Nguyễn Đình Thi là theo truyền thuyết Thánh Gióng bay về trời, còn Nguyễn Đình Thi cho là tráng sĩ đã hy sinh trên đất mẹ," Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Nguyễn Văn Tùng cho biết.

Cũng theo ông Tùng, đoạn văn của Nguyễn Đình Thi có thể gợi cho học sinh những suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn khổ câu chuyện dân gian các em vẫn nghe, từ đó kích thích trí tưởng tượng và tiềm năng sáng tạo của các em - một trong những nội dung nằm trong mục tiêu giáo dục của môn Ngữ văn, kể từ cấp Tiểu học./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục