Nút thắt hạt nhân Triều Tiên, thế tiến thoái lưỡng nan của Trung Quốc

Trang mạng eurasiareview.com đưa tin, quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên thường được mô tả là thân thiết như “răng với môi.”
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu tại Bình Nhưỡng ngày 26/7 vừa qua. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu tại Bình Nhưỡng ngày 26/7 vừa qua. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Trang mạng eurasiareview.com đưa tin, quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên thường được mô tả là thân thiết như “răng với môi.”

Ngoài việc có chung một ý thức hệ, Trung Quốc còn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Triều Tiên duy trì nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên ngày càng siết chặt do Bình Nhưỡng tiếp tục có những tiến bộ về hạt nhân và tên lửa.

Trung Quốc đảm bảo rằng nền kinh tế của quốc gia láng giềng vẫn hoạt động, thậm chí nước này còn đứng như một bước tường thành ngăn chặn những chỉ trích quốc tế về các hoạt động của Triều Tiên.

Trong khi đó, Triều Tiên - đặc biệt là với khả năng hạt nhân của mình - có ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc, không chỉ là công cụ làm phức tạp thêm các lo ngại an ninh của Mỹ, mà còn là vùng đệm hiệu quả chống lại những yếu tố thù địch trong khu vực. Do đó, để đảm bảo lợi ích của mình, Trung Quốc vẫn đầu tư khá nhiều vào sự ổn định của Triều Tiên.

Ưu tiên của Bắc Kinh là giúp Bình Nhưỡng ổn định về mặt chính trị nội bộ, phát triển về mặt kinh tế. Qua đó, Triều Tiên phải là một quốc gia giải quyết hiệu quả các vấn đề trong nước để tránh bất kỳ sự bất ổn kinh tế-xã hội nào tràn qua biên giới, nhưng lại lắng nghe Trung Quốc về các vấn đề khác.

Mặc dù Trung Quốc muốn Triều Tiên ổn định, song nước này lại thích một trạng thái bất ổn được quản lý trong khu vực, với quyền kiểm soát sự bất ổn đó nằm trong tay của chính họ.

Khi tạo ra một Triều Tiên có vũ khí hạt nhân, Trung Quốc hy vọng có thể điều chỉnh năng lực của Triều Tiên sao cho có thể gây lo ngại cho các quốc gia khác, nhưng vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc.

Bắc Kinh muốn Triều Tiên gây mất tập trung cho Washington nhưng không khiến nước này quá lo lắng đến nỗi phải cân nhắc các hành động quân sự trong khu vực. Điều đáng chú ý là khi Bình Nhưỡng tiến hành 2 vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006 và 2009, Trung Quốc lúc đó khá im lặng.

Tuy nhiên, 4 vụ thử tiếp theo đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt của Trung Quốc cũng như việc Bắc Kinh ủng hộ các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc. Trung Quốc có thể cảm thấy tài sản chiến lược của mình biến thành một nguy cơ khi một Triều Tiên được trang bị hạt nhân thể hiện khá rõ quyết tâm của chính mình.

[Trung Quốc sẽ làm tan băng trên bán đảo Triều Tiên?]

Trong suốt thập kỷ qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tiếp tục duy trì các chương trình hạt nhân và tên lửa nhằm giúp đất nước tự cường và độc lập hơn. Học thuyết hạt nhân của ông báo hiệu nguy cơ “bên miệng hố chiến tranh.” Đây trở thành một vấn đề đáng lo ngại của Trung Quốc.

Một nhà lãnh đạo liều lĩnh, khi đối mặt với một cuộc khủng hoảng, ông ta lo sợ bị lật đổ hoặc mất khả năng hạt nhân sau một cuộc tấn công phủ đầu nên có thể nghĩ tới việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Cuộc giao tranh sau đó sẽ dẫn đến một thảm họa nhân đạo và sinh thái ở sân sau của Trung Quốc, hậu quả mà Trung Quốc khó có thể tránh khỏi. Do đó, một Triều Tiên quá độc lập về hạt nhân sẽ là một vấn đề đối với Trung Quốc. Bắc Kinh lo sợ rằng một đất nước như vậy có thể trở thành một gánh nặng đè lên đầu và cản trở khát vọng bá chủ của Trung Quốc.

Trong bối cảnh này, điều thú vị là mặc dù có Hiệp ước Hữu nghị Hợp tác và Tương trợ lẫn nhau năm 1961, Trung Quốc đã bổ sung các điều kiện để nước này can thiệp trong trường hợp xảy ra xung đột.

Sự trung lập của Trung Quốc trong trường hợp xảy ra cuộc xung đột do Triều Tiên khởi xướng là một trong số đó. Hiệp ước này sắp được gia hạn vào năm 2021 và sẽ rất đáng xem cách Trung Quốc đàm phán về vấn đề này.

Trung Quốc cam đoan rằng việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên là điều không thể và Trung Quốc cũng không muốn điều đó. Điều Bắc Kinh cũng không phản đối là việc Bình Nhưỡng chấp nhận tạm dừng chương trình hạt nhân để đổi lấy việc gỡ bỏ một số cấm vận kinh tế.

Theo quan điểm của Bắc Kinh, đây sẽ là vấn đề cùng có lợi ít nhất theo 3 cách. Thứ nhất, nó sẽ ngăn chặn sự phát triển hạt nhân hơn nữa của Triều Tiên; thứ hai, nó có thể mở đường để giải quyết các hoạt động triển khai phòng thủ tên lửa ở Hàn Quốc và Nhật Bản được coi là mối đe dọa đối với khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc; và thứ ba, cho phép Bắc Kinh mở rộng quan hệ kinh tế với Bình Nhưỡng theo hướng tăng cường sự phụ thuộc lẫn nhau.

Việc Triều Tiên mở rộng năng lực hạt nhân một cách không giới hạn không mang lại lợi ích cho Trung Quốc. Tuy nhiên, việc kiềm chế Triều Tiên mở rộng năng lực hạt nhân nằm ngoài khả năng của Trung Quốc, nếu nhìn vào bản chất của ban lãnh đạo Bình Nhưỡng hiện nay.

Cơ hội như vậy có thể xuất hiện trong trường hợp Kim Jong-un không còn đủ sức khỏe (giống như nhiều lời đồn thổi) dẫn đến việc một nhân vật khác thay ông lên lãnh đạo Triều Tiên và Trung Quốc có thể chi phối được người đó. Tuy nhiên, nếu không xảy ra trường hợp như vậy, Trung Quốc sẽ tìm đến Mỹ để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Ông chủ Nhà Trắng năm 2021 có thể tìm thấy sự hội tụ lợi ích lớn hơn với Trung Quốc trong việc tháo gỡ nút thắt hạt nhân Triều Tiên vốn tồn tại suốt thời gian qua./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục