“Nút thắt cổ chai” của lệnh trừng phạt Nga trên thị trường năng lượng

Có thể nói, cho đến nay, chính sách năng lượng của nhóm G7 đã được vạch ra rất chi tiết ở Mỹ và châu Âu, tuy nhiên, thành công của những chính sách này vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Một cơ sở lọc dầu của Nga. (Nguồn: The Moscow Times/TTXVN)

Kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, chính sách năng lượng của Mỹ đã theo đuổi hai mục tiêu lớn trái ngược nhau.

Chính sách đầu tiên là giữ nguồn cung dầu toàn cầu đủ cao để giá vẫn ở mức chấp nhận được, đồng thời duy trì sự ủng hộ của công chúng đối với các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ. Thứ hai là bóp nghẹt nguồn thu của Nga bằng cách ngăn chặn dòng USD mà nước này kiếm được.

Tuy nhiên, tờ The Economist cho rằng hai mục tiêu này dù đang tạo thành một vòng tròn nhưng khó có thể được thực hiện. Nguyên nhân là do với nguồn cung tăng cao trong khi sản lượng mới khan hiếm, việc loại bỏ bất kỳ loại dầu nào ra khỏi thị trường sẽ dẫn đến một môi trường giá cao trên toàn cầu.

Mặc dù vậy, phương Tây đã cố gắng thách thức định luật vật lý bằng cách tạo ra một loạt các biện pháp can thiệp vào thị trường dầu mỏ.

Chưa bao giờ thị trường dầu mỏ đối mặt nhiều thách thức cùng một lúc như vậy

Những biện pháp đã được triển khai cho đến bây giờ, thường là từng phần và liên quan đến những thỏa hiệp không thoải mái. Ngày 26/11, Mỹ đã cấp phép cho Chevron, một công ty dầu mỏ lớn của nước này, tăng cường sản xuất tại Venezuela - quốc gia mà trước đó Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt.

Mỹ cũng đã xuất một lượng lớn dầu thô từ Kho dự trữ chiến lược; dự trữ của Mỹ hiện đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1984. Tuy nhiên, nỗ lực thuyết phục các quốc gia vùng Vịnh bơm thêm dầu vào thị trường của Mỹ đã không hiệu quả.

Trong cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden với Thái tử Saudi Arabia Mohammad bin Salman Al Saud tại Riyadh vào tháng 7/2022, Saudi Arabia và các đồng minh trong Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã tuyên bố thay vì tăng thì tổ chức này sẽ cắt giảm sản lượng.

[6 quốc gia EU vạch giới hạn đỏ về giá trần khí đốt của Nga]

Vào ngày 4/12 tới, các nước sản xuất dầu mỏ lại nhóm họp, nhưng có vẻ cuộc họp này sẽ không giúp cải thiện tình hình.

Tuy nhiên, chiến dịch được xây dựng cẩn thận nhất của phương Tây để qua mặt Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn chưa bắt đầu. Vào tháng 6/2022, Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo rằng đến ngày 5/12, EU sẽ cấm nhập khẩu dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga.

Năm ngoái, EU nhập khẩu từ Nga khoảng 2 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương khoảng 40% tổng xuất khẩu dầu thô của Nga.

Sau đó, EU cho biết sẽ cấm các nhà cung cấp dịch vụ hàng hải, tàu chở dầu và bảo hiểm của châu Âu giúp đỡ những người mua ngoài EU vận chuyển các thùng dầu của Nga. Đây là một công cụ mạnh mẽ do các công ty này thống trị thị trường vận tải toàn cầu.

Mỹ sớm nhận ra rằng hai biện pháp này có khả năng dẫn đến sự siết chặt nguồn cung dầu toàn cầu và do đó, phương Tây kiên quyết đưa ra một điều khoản, đó là nếu ai đồng ý trả mức giá trần tối đa do Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đặt ra đối với dầu của Nga, những người mua ngoài phương Tây có thể tiếp tục mua hàng.

Khi đề cập “giới hạn giá” này, một số nước dẫn đầu là Ba Lan và các nước vùng Baltic, muốn đặt mức trần thấp để gây tổn hại cho nền tài chính của Nga. Tuy nhiên những quốc gia khác, lo lắng về ngành công nghiệp vận chuyển của họ hoặc sự trả đũa từ Nga, muốn giữ giá ở ngưỡng gần với mức thị trường.

Do vậy, các chuyên gia cho rằng dù kết quả có ra sao thì có một điều chắc chắn đó là chưa bao giờ thị trường dầu mỏ toàn cầu lại đối mặt với nhiều thách thức cùng một lúc như vậy.

Ba “nút thắt cổ chai”

Trong kịch bản lạc quan, gói trừng phạt mà châu Âu đề xuất có thể dung hòa hai mục tiêu trái ngược nhau của phương Tây. Lệnh cấm vận sẽ đảm bảo rằng châu Âu có thể hạn chế nguồn thu từ dầu mỏ của Nga.

Ngoài ra giới hạn giá, theo một quan chức của Bộ Tài chính Mỹ, sẽ đóng vai trò như một “chiếc van xả,” giữ cho thị trường toàn cầu cân bằng bằng cách cho phép các nước đang phát triển mua dầu của Nga với giá chiết khấu.

Tuy nhiên, một kịch bản ít màu hồng hơn có thể chứng kiến các biện pháp trừng phạt tạo ra xung đột không mong muốn. Ở đây có ba nút thắt cổ chai nổi bật: sự khan hiếm tàu chở dầu, lỗ hổng bảo hiểm và tâm lý lo ngại rủi ro trên toàn cầu.

Bắt đầu với các tàu chở dầu. Cộng hòa Cyprus, Hy Lạp và Malta có quy mô vận chuyển lớn và đã báo hiệu rằng họ sẽ không tham gia vận chuyển. Điều này có thể tạo ra sự thiếu hụt lớn các tàu có khả năng chở dầu thô của Nga. Claudio Galimberti của Rystad Energy, một công ty dữ liệu, dự đoán sự thiếu hụt là khoảng 70 tàu, với tổng công suất vận chuyển là 750.000 thùng/ngày, kéo dài từ 2-3 tháng.

Tuy nhiên, vấn đề này sẽ có thể tự giải quyết. Những người trong ngành đã chỉ ra một “hạm đội bóng tối” ngày càng phát triển đang thu hút các tàu từ những kẻ không tuân theo lệnh trừng phạt đã được thiết lập ở Iran và Venezuela.

Cuộc khủng hoảng trong phạm vi bảo hiểm là một trở ngại tiềm ẩn lớn hơn. Không phải các nước Trung Đông hay châu Á quan tâm đến dầu của Nga không có các công ty địa phương có tiềm lực tài chính để bảo hiểm cho tàu chở dầu và hàng hóa.

Nhưng những gì họ thiếu là bảo hiểm cho những rủi ro lớn hơn nhiều như sự cố tràn dầu, vì khoản bồi thường có thể dễ dàng lên tới nửa tỷ USD. Rất ít công ty bảo hiểm mới tham gia thị trường mong muốn chịu trách nhiệm pháp lý đối với một con tàu già cỗi của Venezuela đi qua eo biển Đan Mạch chỉ sâu 15m, một nhà kinh doanh dầu mỏ kỳ cựu cho biết.

Vấn đề là loại hình hỗ trợ này - tái bảo hiểm - đòi hỏi nguồn vốn tư nhân dồi dào khó tìm thấy bên ngoài phương Tây. Có lẽ Chính phủ Trung Quốc và Ấn Độ có thể bị thuyết phục để cung cấp tái bảo hiểm, mặc dù quyết tâm thực hiện của hai quốc gia này vẫn còn chưa chắc chắn. Trên thực tế, một số thương nhân cho rằng người mua châu Á có thể mua ít dầu của Nga hơn là nhiều hơn khi lệnh cấm bảo hiểm có hiệu lực.

Nút cổ chai thứ ba có thể là sự thờ ơ đối với những rủi ro khi phá vỡ một kế hoạch do phương Tây đặt ra. Nhiều người không tin những lời hứa rằng Mỹ sẽ không can thiệp nếu các quốc gia lựa chọn trong giới hạn.

Trong các chiến dịch trừng phạt gần đây nhất, chẳng hạn như những chiến dịch nhắm vào Iran, Mỹ đã cố tình giữ cho phạm vi và mức độ thực thi các hình phạt mơ hồ để ngăn chặn bất kỳ đối tượng nào giao dịch với kẻ thù của mình.

Tất cả những điều này có thể khiến một phần xuất khẩu dầu của Nga bị loại khỏi bản đồ thế giới, khiến giá tăng vọt. Nhưng một kịch bản tồi tệ hơn nhiều cũng có thể xảy ra khi Nga tự nguyện cắt giảm xuất khẩu dầu mỏ và giá vượt khỏi tầm kiểm soát.

Điều đó có thể xảy ra nếu Trung Quốc, phải từ bỏ việc mua hàng từ các nước khác để mua thêm dầu của Nga, cố gắng đưa ra một thỏa thuận quá khó. Nhiều khả năng đó sẽ là một quyết định đơn phương của Tổng thống Putin.

Quyết định này có thể phải chịu chi phí rất lớn bởi Nga thu được 40% doanh thu xuất khẩu từ việc bán dầu. Tuy nhiên, đây có thể là cái giá buộc phải trả bởi nếu giá năng lượng toàn cầu được đẩy lên cao, phương Tây sẽ bị tổn hại trong khi Nga có thêm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán với người mua.

Có thể nói, cho đến nay, chính sách năng lượng của nhóm G7 đã được vạch ra rất chi tiết ở Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, thành công của những chính sách này vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục