Nuôi trồng thủy sản mùa nước lũ cho hiệu quả kinh tế cao

Hiện Hậu Giang đang vào vụ nuôi trồng thủy sản đón mùa nước lũ và mô hình sản xuất này mang lại hiệu quả cao góp phần cải thiện đáng kể kinh tế hộ gia đình.
(Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN)

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Hậu Giang, hiện địa phương đang vào vụ nuôi trồng thủy sản đón mùa nước lũ. Đây là mô hình sản xuất tồn tại nhiều năm qua nhưng gần đây người dân phát triển nhanh, mang lại hiệu quả cao góp phần cải thiện đáng kể kinh tế hộ gia đình.

Nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là mô hình nuôi cá trên sông rạch, đồng ruộng đón lũ được người dân tỉnh Hậu Giang áp dụng sản xuất từ lâu. Tuy nhiên, trước đây chủ yếu nuôi để có nguồn thực phẩm cải thiện bữa ăn gia đình, nhưng gần đây họ chuyển sang hình thức kinh doanh. Nếu như trước đây chủ yếu nuôi trên kênh, rạch thì nay phát triển trên đồng ruộng. Vì thời điểm mùa lũ về, trên đồng không trồng được lúa, tận dụng mặt ruộng là điều kiện thích hợp cho phát triển mô hình này.

Anh Danh Việt Hồng, ấp Trường Bình A, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A là một trong những nuôi trồng thủy sản theo mô hình này ở Hậu Giang cho biết, mùa lũ năm nay gia đình dự tính thả nuôi khoảng 5 lồng cá trên ruộng, mỗi lồng chừng 10m2, với các loại cá lóc, ca trê, cá chép…

Ước tính thu nhập theo những vụ trước, một vụ nuôi cá mùa nước lũ thu lợi hơn 30 triệu đồng, lợi nhuận bằng trồng 2 ha lúa/vụ.

Theo anh Hồng, nuôi cá mùa nước lũ rất dễ, ít bệnh, ít tốn thức ăn nhưng cá lại mau lớn, thịt thơm ngon. Vì đặc điểm này nên mô hình sản xuất trên gần đây được nhiều người dân áp dụng.

Theo Chi cục Thủy sản Hậu Giang, toàn tỉnh có gần 70 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, hiện mỗi cơ sở xuất bán từ 100 đến 200kg cá giống/ngày, với giá bán từ 60.000 đến 80.000 đồng/kg.

Trên thị trường hiện có trên 10 loại cá giống phục vụ nhu cầu tìm mua giống của nông dân, phổ biến là giống cá lóc, cá điêu hồng, cá rô phi, cá trê, cá chép, cá cỏ, cá mè hoa. Phần lớn được sản xuất, nhân giống tại chỗ, vì vậy người nuôi cũng không lo ngại mua nhầm con giống trôi nổi.

Cùng với nhu cầu nuôi tăng, thị trường sản xuất con giống cũng khá nhộn nhịp, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương. Với mức tiêu thụ cá giống như hiện nay, mỗi tháng sau khi trừ chi phí, những hộ kinh doanh cá giống thu lợi khoảng từ 7 đến 10 triệu đồng.

Trước nhu cầu phát triển mạnh mô hình nuôi trồng thủy sản đón mùa lũ năm nay, ngành chức năng tỉnh Hậu Giang khuyến cáo người nuôi không nên phát triển ồ ạt, cung vượt cầu sẽ gặp khó khăn ở đầu ra.

Ngành cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nguồn giống; hướng dẫn, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân… Toàn tỉnh Hậu Giang hiện có trên 5.300ha diện tích thả nuôi thủy sản, trong đó hơn 50% diện tích thả nuôi cá trên ruộng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục