Xu hướng nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học đang được nhiều hộ dân ở tỉnh Ninh Thuận áp dụng nhằm giúp tôm tăng sức đề kháng, hạn chế được dịch bệnh, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích ao nuôi; đồng thời cung cấp sản phẩm tôm sạch và an toàn cho thị trường.
Trước tình hình nuôi tôm gặp nhiều rủi ro và thiệt hại, cách đây 2 năm, anh Tôn Gia Bảo (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) bắt đầu tìm hiểu và sử dụng các sản phẩm vi sinh, chế phẩm sinh học để nuôi tôm thẻ chân trắng.
Theo anh Bảo, việc sử dụng chế phẩm sinh học hay các vi khuẩn có lợi là giải pháp tốt hơn nhiều so với sử dụng thuốc kháng sinh, giúp tôm không bị sốc do các tác động từ môi trường, đồng thời ức chế các vi sinh vật gây bệnh phát triển, nhờ vậy môi trường ao nuôi luôn ổn định giúp tôm sinh trưởng, phát triển khá nhanh.
Hiện tại, trang trại tôm trên 2,5ha của anh Bảo đang sử dụng một số sản phẩm vi sinh, chế phẩm sinh học của Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại Chiến Thắng như: sản phẩm MAKU- FA-TRA có nguồn gốc hữu cơ, giúp phòng trị bệnh phân trắng và đường ruột, tăng cường hệ miễn dịch cho tôm nuôi; sản phẩm MAKU EM cung cấp vi sinh và enzyme có lợi cho ao nuôi, giúp phân hủy và ngăn ngừa sự tích tụ mùn bã hữu cơ, thức ăn dư thừa, phân tôm và xác tảo ở nền đáy ao, giảm các hàm lượng khí độc NH3, H2S, cải thiện môi trường nước; sản phẩm MAKU – GAN chiết xuất từ nấm men giúp ngăn chặn các loại độc tố gây hại cho gan tụy của tôm.
[Việt Nam đang đứng thứ tư thế giới về xuất khẩu thủy sản]
Anh Bảo chia sẻ, áp dụng quy trình nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học, trung bình 1ha làm được 6 ao nuôi, mỗi ao nuôi khoảng 1.600 m2, thả khoảng 40.000 con tôm giống/ao, người nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học, sản phẩm vi sinh xử lý môi trường nước để ổn định một số vi khuẩn có lợi nhằm duy trì chất lượng nước trong suốt vụ nuôi và phòng trừ dịch bệnh.
Việc sử dụng chế phẩm vi sinh trộn vào thức ăn để ổn định hệ vi sinh vật trong đường ruột của tôm, giúp tôm tăng khả năng tiêu hóa và hấp thu thức ăn cũng như nâng cao hiệu suất sử dụng thức ăn và phòng trị các bệnh về đường ruột ở tôm.
“Sử dụng chế phẩm sinh học giúp tôm tăng sức đề kháng, nhanh lớn, cho năng suất cao. Sau 75-90 ngày nuôi, tôm đạt trọng lượng từ 55-60 con/kg bắt đầu thu hoạch, sản lượng bình quân đạt trên 5 tấn/ha. Với giá bán hiện tại 120.000 đồng/kg, mỗi héc ta cho doanh thu khoảng 600 triệu đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư còn lãi trên 200 triệu đồng/ha/vụ (3 tháng), có thể sản xuất từ 2-3 vụ/năm. Nếu như trước đây, để có chừng đó sản lượng tôm thì phải đầu tư thức ăn, thuốc, chất bổ dưỡng gấp 1,5 lần kinh phí so với dùng sản phẩm vi sinh, chế phẩm sinh học, chưa kể khi tôm mắc bệnh chi phí còn cao hơn nhiều,” anh Bảo thông tin.
Theo ông Huỳnh Minh Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Thuận, hiện nay việc ứng dụng các sản phẩm vi sinh, chế phẩm sinh học trong nuôi tôm đang được coi là một giải pháp hỗ trợ mang tính tất yếu để ngành nuôi tôm ổn định và phát triển bền vững. Bà con lưu ý khi sử dụng các loại chế phẩm sinh học cần chú ý đến xuất xứ và sản phẩm phải có tên trong danh mục được phép lưu hành, hướng dẫn của nhà sản xuất.
Thực tế cho thấy, nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học đạt hiệu quả tốt, giúp người nuôi tôm giảm chi phí đầu tư, giải quyết những vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm tôm sạch, không kháng sinh để nâng cao sức cạnh tranh cho tôm thương phẩm trên thị trường.
Ninh Thuận hiện có trên 950ha ao nuôi tôm; trong đó trên 90% diện tích là ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Để chuẩn bị cho vụ nuôi chính trong năm (giai đoạn tháng 4 đến tháng 6) Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo các hộ nuôi tôm xử lý, cải tạo ao nuôi thật kỹ, tiêu diệt mầm bệnh trước khi thả nuôi, chọn giống kỹ, khỏe mạnh và không mang mầm bệnh, đặc biệt đối với bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp.
Người nuôi tôm sử dụng các biện pháp sinh học thay cho hóa chất, kháng sinh, chỉ dùng kháng sinh điều trị các bệnh nhiễm khuẩn và khi thật cần thiết. Khi dùng kháng sinh cần lưu ý đúng liều dùng, đủ thời gian sử dụng để đảm bảo yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm./.