Nuôi thành công loài chim trĩ đỏ trên đất Tây Nguyên

Anh Văn Minh Thể, Đắk Lắk đã nuôi thành công loài chim trĩ đỏ trên vùng đất Tây Nguyên, đem về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Nuôi chim trĩ đỏ ở Lạc Dương, Lâm Đồng (Nguồn: TTXVN)

Bằng quyết tâm và ham học hỏi, anh Văn Minh Thể, sinh năm 1980 ở thôn 6, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đã nuôi thành công loài chim trĩ đỏ trên vùng đất Tây Nguyên.

Chim trĩ đỏ mang về cho gia đình anh lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm. 

Người dân thôn 6, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) xưa nay sống bằng nghề đốn củi đốt than, vừa độc hại, vừa tàn phá môi trường nhưng thu nhập chẳng được là bao. Sau một thời gian cẩn trọng tìm hiểu các mô hình chăn nuôi, anh Thể đã quyết định đầu tư nuôi chim trĩ đỏ vì ở Tây Nguyên người dân nuôi loại chim này chưa nhiều.

Dồn hết số tiền tiết kiệm được và vay mượn thêm được gần 30 triệu đồng, giữa năm 2012, anh Thể cùng vợ ra huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam để học nghề và mua giống.

Đường xa, không vận chuyển được con giống về, anh mạo hiểm mua 150 quả trứng (giá 50 nghìn đồng/quả) về Đắk Lắk ấp thử. Sau gần một tháng gửi ấp tại lò ấp trứng, số trứng trên chỉ nở được 34 con.

Dốc vốn đánh liều, anh gửi tiền mua thêm 100 trứng và ấp được 34 con nữa. Kỹ thuật chăm sóc chim trĩ đỏ một phần anh tìm hiểu qua sách, báo, internet nhưng chủ yếu vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm.

Sau 6 tháng nuôi, anh lựa được 7 bộ làm giống (mỗi bộ 3 chim mái, 1 chim trống) số còn lại đem bán được gần 40 triệu để thu hồi vốn. Đến nay, gia đình anh đã xuất bán thêm hai lứa chim trĩ giống, thu lãi hơn 100 triệu đồng. Hiện gia đình anh còn hơn 100 con, trong đó có 28 con trong thời kỳ sinh sản.

Anh Thể cho biết, chim trĩ đỏ là vật nuôi mới lại là động vật quý hiếm nên giá thành khá cao. Chim non nở ra 20 ngày tuổi bán giá 150 nghìn/con, chim 1 tháng tuổi bán 200 nghìn/con, chim 3-4 tháng tuổi giá 700-800 nghìn/con, chim mái chuẩn bị đẻ trứng giá hàng triệu đồng mỗi con.

Có những con chim trống đẹp có thể bán vài triệu đồng cho người chơi chim cảnh. Ngoài khách từ các địa phương trong tỉnh, người chăn nuôi ở Gia Lai, Bình Định, Phú Yên cũng nghe tiếng tìm đến gia đình anh đặt hàng.

Theo kinh nghiệm của anh Thể, đầu tư nuôi chim trĩ và gà không khác nhiều về chuồng trại, thức ăn. Tuy nhiên nuôi chim trĩ tỷ lệ thành công cao hơn vì đây là động vật hoang dã nên sức đề kháng tốt hơn. Thức ăn cho chim cũng đơn giản, dễ kiếm chủ yếu là cám gạo, ngô, cám tổng hợp cho gà, rau xanh, cỏ…

Chim trĩ đỏ chỉ ăn lượng thức ăn bằng 1/3 của gà nên tiết kiệm được khá lớn chi phí chăn nuôi. Mỗi ngày chỉ cần cho chim ăn một lần, bên cạnh máng thức ăn luôn phải có máng cát sỏi cho chim đào bới. Nước cho chim uống phải sạch

Chim trĩ nhân đàn rất nhanh, một con chim mái có thể đẻ một đợt kéo dài 3 tháng với khoảng 90 quả trứng. Trứng sau 25 đến 27 ngày ấp là nở thành chim non. Chăm sóc chim mới nở như chăm sóc gà con.

Khí hậu vùng Tây Nguyên rất phù hợp với loài chim này. Ngoài Bắc phải 7-8 tháng tuổi chim mới sinh sản lứa đầu, trọng lượng chim trưởng thành chỉ được 1,2-1,4kg/con nhưng chim do gia đình anh Thể nuôi chỉ 6 tháng đã đẻ trứng, trọng lượng trên 1,5kg/con…

Nhờ nuôi chim trĩ đỏ, gia đình anh Thể đã thoát được nghèo và có nhiều dự định mới cho tương lai. “Tôi đang tu sửa lại chuồng trại để nuôi thêm khoảng 60 chim bố mẹ. Sản phẩm bán ra thị trường không chỉ là chim giống, chim cảnh mà còn cả chim trĩ thương phẩm. Nếu bạn trẻ nào có nhu cầu nuôi trĩ đỏ, tôi sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ con giống” - anh Thể chia sẻ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục