Nuôi ong mùa hoa nhãn - Lợi nhuận kép cho nông dân Hưng Yên

Với trên 4.800ha nhãn, nuôi ong vào mùa hoa nhãn nở không chỉ là nguồn lợi lớn để phát triển nghề nuôi ong lấy mật mà còn giúp cây nhãn có tỷ lệ đậu quả cao hơn.
Người dân thu hoạch mật ong hoa nhãn. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)

Cứ vào tháng 3 Âm lịch hàng năm, khi hoa nhãn nở rộ cũng là thời điểm các vùng trồng nhãn ở Hưng Yên thu hút hàng nghìn đàn ong đến khai thác mật.

Với trên 4.800ha nhãn, đây không chỉ là nguồn lợi lớn để phát triển nghề nuôi ong lấy mật mà còn giúp cây nhãn có tỷ lệ đậu quả cao hơn.

Khi hoa nhãn bung nở, cũng là lúc vườn nhãn rộng 1ha của gia đình ông Bùi Xuân Sử, thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên, có rất đông người đến hỏi để đặt thùng nuôi ong.

Ông Sử cho biết việc nuôi ong vào mùa hoa nhãn nở không chỉ tăng thu nhập mà còn giúp cây nhãn đậu quả cao hơn, tránh được những tác hại do sâu bệnh gây ra. Năm nay, vườn nhãn của gia đình ông được chủ nuôi ong ở tỉnh Hòa Bình liên hệ đặt nuôi, với trên 200 thùng ong.

Theo bà Trần Thị Bắc, Giám đốc Hợp tác xã nhãn lồng Nễ Châu, xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên, mật ong hoa nhãn là sản phẩm thiên nhiên ban tặng cho vùng đất trù phú Hưng Yên, với đặc điểm nổi trội có mùi hương hoa nhãn đặc trưng, màu sắc đẹp, mang lại nhiều công dụng hữu ích cho sức khỏe con người. Do vậy, vào mùa hoa nhãn nở rộ, tại các vùng nhãn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên thu hút hàng chục nghìn đàn ong của hàng trăm chủ trại nuôi từ khắp nơi về khai thác mật hoa nhãn.

Năm nay, Hợp tác xã có khoảng 1.700 thùng nuôi ong được đặt tại hầu hết các vườn nhãn của các thành viên trong hợp tác xã.

Tranh thủ những ngày cuối tuần, ông Trịnh Văn Trang, đến từ tỉnh Hòa Bình lại huy động người để xuống Hưng Yên quay mật. Ông Trang cho biết năm nào cũng vậy, khi hoa nhãn bắt đầu nở anh lại liên hệ các chủ vườn ở Hưng Yên để đặt các đàn ong. Năm nay, anh đã liên hệ và được các chủ vườn ong ở thành phố Hưng Yên và huyện Khoái Châu cho đặt các đàn ong, với số lượng khoảng 700 thùng.

Ông Trang cho rằng ong lấy mật hoa không chỉ đem lại kinh tế cho người nuôi mà còn giúp cây thụ phấn tốt, tỷ lệ đậu quả cao. Do đó, chính quyền và người dân địa phương luôn tạo điều kiện cho các chủ ong đặt địa điểm, dựng lán khai thác mật.

Để việc nuôi ong lấy mật thuận lợi, năm nay, anh Trang đã huy động 8 nhân công theo dõi, chăm sóc đàn ong và trực tiếp quay lấy mật ngay tại vườn nhãn. Mật ong hoa nhãn có màu vàng óng, sánh quyện và có mùi thơm hương hoa nhãn đặc trưng, điều này giúp mật ong hoa nhãn dễ dàng tiêu thụ hơn các loại mật khác.

"Hiện nay, đa phần người dân chọn nuôi giống ong Ý và ong ta. Mật ong ta và mật ong Ý mỗi loại có một ưu điểm riêng, giá cả cũng khác nhau. Tuy nhiên, người dân vẫn chuộng mật ong ta hơn, còn mật ong Ý chủ yếu được xuất khẩu," ông Trang nói.

Chia sẻ về nghề nuôi ong lấy mật, bà Trần Thị Phượng, người nuôi ong ở tỉnh Sơn La chia sẻ, nghề nuôi ong khá bấp bênh, chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết. Nếu nắng ấm, ong sẽ tích cực lấy mật, khoảng 5-6 ngày sẽ cho thu một lần mật và trung bình năng suất mỗi một thùng nuôi ong khi quay lấy mật sẽ thu được 2-3kg.

"Để việc khai thác mật đạt hiệu quả, người nuôi ong phải chùm mũ lưới, dùng bình phun khói hoặc đốt các chậu củi tạo khói cho ong bay ra xa. Khi lấy được các khung cầu nuôi ong được đặt trong các thùng, sau đó những khay sáp ong lần lượt được chuyển ra khu vực quay lọc mật. Mỗi mẻ quay mật có hơn 20 khay sáp được xếp ngay ngắn trong chiếc phuy tự chế, bên dưới có chiếc van lớn để mật chảy ra ngoài," bà Phượng cho hay.

Mật ong hoa nhãn có độ sánh đặc trưng. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)

Phó Chủ tịch Hội Làm vườn và nuôi ong tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Cảnh cho biết, mật ong hoa nhãn mang hương vị đặc trưng riêng, từ lâu đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến và ưa chuộng. Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 10.000 đàn ong, tập trung ở thành phố Hưng Yên và huyện Khoái Châu.

Nhằm phát huy giá trị đặc sản mật ong hoa nhãn, thời gian qua, hội đã tổ chức tập huấn, giao lưu giữa các hộ nuôi ong trên địa bàn tỉnh, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, đặc tính của từng loài ong, nhu cầu mật ong của thị trường, các mùa hoa trong năm để các chủ vườn nuôi ong chủ động di chuyển đàn ong lấy mật đạt năng suất, hiệu quả cao hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục