Trong thời gian gần đây, vấn đề giá nhiên liệu sơ cấp (than, khí, dầu) tăng và biến động đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngành điện.
Để đảm bảo vừa cung cấp đủ điện cho nền kinh tế quốc dân, vừa vận hành hệ thống điện quốc gia an toàn, kinh tế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có những chỉ đạo, điều hành với Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0).
EVN cho biết hiện đang là thời kỳ mùa lũ ở khu vực miền Trung, lượng nước về các hồ thủy điện khá nhiều.
Nhằm tránh lãng phí tài nguyên, A0 cần phải ưu tiên huy động các nhà máy thủy điện đang xả, các nguồn năng lượng tái tạo và giảm huy động các nguồn nhiệt điện than (tập trung khá nhiều ở miền Bắc).
[EVN đề xuất phát triển điện gió ngoài khơi khu vực vịnh Bắc Bộ]
Tuy nhiên, điều này cũng làm công suất điện chuyển tải từ miền Trung ra miền Bắc tăng cao, thường xuyên đạt tới giới hạn kỹ thuật và có nguy cơ gây mất ổn định hệ thống điện quốc gia.
Vì vậy, để đạt được mục tiêu kép là đảm bảo an toàn cung cấp điện và tối ưu kinh tế, tránh lãng phí tài nguyên, các kỹ sư Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia đang phải giải quyết nhiều bài toán khó trong vận hành.
Bên cạnh đó, các nguồn điện mặt trời hiện chiếm xấp xỉ 21% công suất đặt toàn hệ thống, với đặc tính của năng lượng sơ cấp thường xuyên phát công suất cao từ 11-13 giờ hàng ngày (nhiều thời điểm chiếm xấp xỉ 60% nhu cầu phụ tải hệ thống), trùng vào khoảng thời gian nhu cầu sử dụng điện của toàn quốc không cao.
Tuy nhiên, từ sau 17 giờ đến sáng hôm sau, các nguồn điện này lại không còn khả năng phát công suất.
Vì vậy, ngoài việc dự báo chính xác khả năng phát của các nguồn điện Mặt Trời, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia đã phải tính toán duy trì một số các nguồn nhiệt điện than (vốn không có khả năng ngừng - khởi động hàng ngày) để đảm bảo cung cấp điện, đặc biệt đối với các chu kỳ từ 17-20 giờ hàng ngày là khoảng thời gian có nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao.
Một số nguồn có khả năng vận hành linh hoạt hơn như tua bin khí, thủy điện có thể phải ngừng - khởi động hàng ngày để đảm bảo ràng buộc vận hành hệ thống điện, điều này cũng sẽ gây ảnh hưởng đến tuổi thọ của thiết bị, đặc biệt là các nguồn tua bin khí.
Với nguồn điện gió, mặc dù tổng công suất lắp đặt trên toàn hệ thống hiện đạt xấp xỉ 4.000MW, nhưng thời gian vận hành được ở mức 1.000MW trở lên cũng chỉ đạt khoảng 3.700 giờ, chiếm khoảng 42% số giờ trong năm.
Bên cạnh đó, công suất phát của loại hình này cũng không ổn định, không chỉ biến động lớn theo mùa mà còn dao động lớn giữa các giờ trong ngày.
Để đảm bảo vận hành an toàn lưới điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia đã sử dụng các công cụ dự báo, tính toán, điều khiển tự động để tính toán lập phương thức và chỉ huy vận hành một cách tối ưu, công bằng và minh bạch với các bên liên quan.
Tuy nhiên với những đặc điểm của hệ thống điện có tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo xâm nhập cao, có một vài thời điểm chỉ huy động được tối đa theo khả năng hấp thụ của hệ thống (đặc biệt vào thời gian buổi trưa khi phụ tải giảm thấp).
Theo quy luật hàng năm, mùa lũ tại miền Trung còn kéo dài đến hết tháng 12, do vậy hệ thống điện vẫn có thể tiếp tục đối mặt với tình trạng vận hành đạt ngưỡng giới hạn truyền tải.
Để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện cũng như hài hòa lợi ích của các bên liên quan, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia đã đề nghị các đơn vị phát điện cùng phối hợp và chia sẻ trong vận hành hệ thống điện./.