Nước về nhiều thủy điện ở mức thấp, đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm điện

A0 tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý vận hành hồ chứa thủy điện để cập nhật, bám sát tình hình thủy văn thực tế, thực hiện chế độ khai thác các nhà máy thủy điện theo đúng quy định.
Bảo dưỡng thiết bị, sẵn sàng việc cung ứng điện. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 19/2, đại diện Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết từ đầu tháng 2 đến nay, tại miền Bắc, nhiều hồ thủy điện có lưu lượng nước về thấp hơn so với trung bình nhiều năm (từ 48-98% trung bình nhiều năm) ngoại trừ Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang.

Trong khi đó, tại khu vực miền Trung các hồ có nước về tốt, hầu hết đều đạt xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm trừ một số hồ có nước về kém như: Bình Điền, Vĩnh Sơn A/B, Sông Ba Hạ, Nam Kong 3, Ialy, ĐakRTih, Đồng Nai 3, Sông Côn 2A (chỉ đạt khoảng 11-80% trung bình nhiều năm), còn tại miền Nam các hồ có nước về cao hơn so với trung bình nhiều năm ngoại trừ Đại Ninh, Thác Mơ (55-66% trung bình nhiều năm). Hiện tại trên hệ thống không có hồ nào xả điều tiết.

Bên cạnh đó, sản lượng theo nước về của các thủy điện đạt trung bình khoảng 103,2 triệu kWh/ngày, sản lượng còn lại trong hồ tính đến 0h ngày 11/2 toàn hệ thống là 13.110 triệu kWh, cao hơn 671,9 triệu kWh so với kế hoạch năm (miền Bắc cao hơn 662,1 triệu kWh, miền Trung cao hơn 67,2 triệu kWh, miền Nam thấp hơn 57,5 triệu kWh).

Đại diện Bộ Công Thương cho hay tình hình cung cấp nhiên liệu than cho các nhà máy điện được đảm bảo, không có nhà máy nào thiếu than. Nguồn khí từ Nam Côn Sơn và Cửu Long cấp cho phát điện khoảng 9,8 triệu m3/ngày; nguồn hệ thống khí PM3 - Cà Mau cấp cho nhà máy điện Cà Mau khoảng 4,5 triệu m3/ngày.

Thống kê cho thấy trong tuần từ 13/2-18/2, các nhà máy thủy điện khai thác theo tình hình thủy văn thực tế và định hướng điều tiết tối ưu trong kế hoạch vận hành tháng 2/2024, đáp ứng ràng buộc lưới điện/nhu cầu hệ thống, mực nước và yêu cầu cấp nước hạ du theo Quy trình liên hồ.

Để đảm bảo cung ứng điện, tại miền Bắc sẽ tiết kiệm triệt để các hồ thủy điện, đặc biệt các hồ có mực nước thấp; thực hiện điều hành linh hoạt, tiết kiệm các hồ thủy điện đồng bộ với các giải pháp thay đổi kết dây lưới truyền tải để huy động các nhà máy thủy điện phù hợp khả năng lấy nước hiệu quả của công trình thủy lợi, đồng thời giữ nước cho phát điện nhằm đảm bảo cung cấp điện trong mùa nắng nóng năm 2024 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ Tướng Chính phủ tại công điện số 1412/CĐ-TTg, thông báo số 457/TB-VPCP, công điện số 04/CĐ-TTg, văn bản số 661/CT-BNN-TL ngày 23/1/2024 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, văn bản số 8050/BCT-ĐTĐL của Bộ Công Thương về các giải pháp đảm bảo cung ứng điện năm 2024.

Tại miền Trung và miền Nam, sẽ huy động tối đa có thể các thủy điện đang xả (nếu có), các nhà máy còn lại khai thác tối ưu theo tình hình thủy văn thực tế để đảm bảo cung ứng điện. Nhà máy Ialy huy động đảm bảo mực nước thi công công trình Ialy mở rộng.

Mực nước giới hạn đã được tính toán cập nhật phù hợp tình hình vận hành hệ thống điện, yêu cầu cấp nước của địa phương, quy trình liên hồ nhằm đảm bảo đủ nước đáp ứng an ninh cung cấp điện và nhu cầu nước hạ du đến hết mùa khô 2024.

Ngoài ra, trong tuần này, hệ thống sẽ huy động các nhà máy nhiệt điện than và tuabin khí theo nhu cầu hệ thống, đồng thời đảm bảo các ràng buộc giới hạn truyền tải của lưới điện và chất lượng điện áp. Huy động cao nhất có thể năng lượng tái tạo theo nguồn nhiên liệu sơ cấp, đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, tin cậy, ổn định và không làm quá tải các phần tử trên hệ thống điện. Bên cạnh đó, sẽ huy động các nguồn chạy dầu khi cần thiết và tạo điều kiện cho các nhà máy điện mới thí nghiệm.

Tại miền Bắc, sẽ tiết kiệm triệt để các hồ thủy điện, đặc biệt các hồ có mực nước thấp. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Bộ Công Thương khuyến nghị các đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền tiết kiệm pđiện, kiên trì thực hiện chương trình điều hòa, điều tiết phụ tải nhằm đáp ứng công suất đỉnh hệ thống điện trên phạm vi ở cả 3 miền Bắc. Trung, Nam.

Về phía Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), thực hiện chỉ đạo của Cục Điều tiết Điện lực và EVN, A0 đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Đơn vị quản lý vận hành hồ chứa thủy điện để cập nhật, bám sát tình hình thủy văn thực tế, yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền về nhu cầu sử dụng nước hạ du, thực hiện chế độ khai thác các nhà máy thủy điện theo đúng quy định, sử dụng tối ưu nguồn nước, đảm bảo khả năng tích nước chuẩn bị cho cấp điện mùa khô 2024.

Cùng với đó, A0 thường xuyên thông báo cho chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than kế hoạch huy động cập nhật hàng tháng để các nhà máy điện than làm việc với các đơn vị cung ứng than để đảm bảo nguồn nhiên liệu than của các nhà máy điện; phối hợp với các Đơn vị phát điện và Đơn vị truyền tải, Đơn vị phân phối thường xuyên cập nhật, cân đối kế hoạch bảo dưỡng sửa của các nhà máy, lưới điện phù hợp, đảm bảo tối ưu.

Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, trong kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn, công suất tiêu thụ điện cao nhất của toàn hệ thống điện bình quân ngày ở mức khoảng 27.026MW, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày ở mức khoảng 490,1 triệu kWh. Mức tiêu thụ điện này giảm 31,7% so với ngày thường của tuần trước tết, nhưng cao hơn cùng kỳ dịp tết Quý Mão 2023 là 11,2%.

Trong tháng 1 vừa qua, EVN cũng đã thực hiện hiệu quả, tiết kiệm nhiệm vụ cấp nước đợt 1 phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân ở các địa phương khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ. Cụ thể, tổng lượng xả của các hồ chứa thủy điện thuộc EVN trong đợt 1 là 1,893 tỷ m3 nước, rút ngắn 2 ngày so với kế hoạch

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục