Chiều 7/8, tại buổi họp giao ban báo chí thường kỳ Thành ủy Hà Nội, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội Đỗ Đức Thịnh cho biết, mực nước trên sông Tích, sông Bùi đang ở mức cao.
Để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân khi tình huống xấu nhất có thể xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện trong khu vực sông nói trên cần chủ động thực hiện phương án di dời người dân ra khỏi các khu vực vùng trũng, thấp, các vị trí nguy hiểm.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước trên các sông, kịp thời xử lý, khắc phục các hư hỏng, sự cố công trình đê điều, tổng hợp báo cáo thường xuyên về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội. Huyện Chương Mỹ cần huy động lực lượng, vật tư, phương tiện, giữ vững các tuyến đê Tả Tích, Tả Bùi trên địa bàn huyện.
[Việc xả lũ không ảnh hưởng đến tình trạng ngập lụt tại huyện Chương Mỹ]
Báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội cho thấy, tình hình ngập úng tại một số khu vực ngoài bãi sông ở các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức đã cơ bản được giải quyết. Tuy nhiên, tại huyện Chương Mỹ, tình hình ngập úng vẫn còn khá nghiêm trọng ở một số địa bàn như Thủy Xuân Tiên, Mỹ Lương, Hữu Văn, Hoàng Văn Thụ... Do vậy, công tác đảm bảo đời sống nhân dân tại huyện Chương Mỹ đã và đang được Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội quan tâm, chỉ đạo.
Các ngành liên quan như y tế, lao động-thương binh và xã hội, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn... đang cùng Ủy ban Nhân dân huyện Chương Mỹ tập trung đảm bảo an toàn đê điều, công trình thủy lợi, cũng như về y tế, vệ sinh môi trường, ổn định đời sống nhân dân trong vùng úng ngập.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cũng cho biết, Trạm y tế của các xã bị ảnh hưởng đã thành lập các khu khám chữa bệnh lưu động tới các thôn ngập lụt để khám và cấp thuốc cho người dân. Trung tâm Y tế các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức phối hợp với các Bệnh viện Mắt, Da liễu tổ chức các đoàn khám, cấp thuốc miễn phí cho người dân vùng ngập lụt.
Theo ghi nhận, người dân vùng bị ngập lụt tại các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức chủ yếu mắc bệnh ngoài da như nước ăn chân và viêm kết mạc. Trong đó, số ca mắc ở huyện Chương Mỹ nhiều nhất với 59 trường hợp bị viêm kết mạc, 150 trường hợp bị bệnh ngoài ra, chủ yếu là bị nước ăn chân.
Với phương châm nước rút đến đâu vệ sinh môi trường, khử khuẩn phòng chống dịch bệnh đến đó, ngành Y tế đã huy động lực lượng của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Trung tâm Y tế các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức phối hợp với lực lượng của địa phương tổ chức vệ sinh môi trường, khử khuẩn triệt để. Các Trung tâm Y tế, Phòng khám đa khoa, Trạm Y tế đều bố trí cán bộ trực 24/24 giờ, đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Do vậy, đến thời điểm hiện tại chưa xuất hiện dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng và ngộ độc thực phẩm tại các vùng chịu ảnh hưởng bởi ngập lụt.
Trước đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã kiểm tra, thăm hỏi động viên chính quyền, nhân dân huyện Chương Mỹ; đánh giá cao công tác chủ động ứng phó với lụt bão của chính quyền, nhân dân các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai... và các đơn vị liên quan. Nửa đầu tháng 8, khả năng địa bàn Hà Nội tiếp tục có mưa và mưa to, trong khi mức nước sông Bùi đang rút rất chậm, tình hình ngập lụt còn kéo dài.
Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu huyện Chương Mỹ cần rà soát lại những việc đã triển khai, những việc đã làm tốt rồi thì cần làm tốt hơn nữa trong thời gian tới; đặc biệt quan tâm đến đời sống của nhân dân, đảm bảo đến mức tối đa về người và tài sản cho người dân./.