Nước sạch Hà Nội có mùi lạ: Chất styren gây hại tới sức khỏe thế nào?

1 tuần sau khi phát hiện nguồn nước sạch trên địa bàn Hà Nội có mùi lạ, cơ quan chức năng đã có kết luận chỉ ra nguyên nhân ban đầu, tuy nhiên vẫn còn đó nỗi lo và trách nhiệm cần làm rõ.
Cận cảnh dòng suối 'ngậm dầu' dẫn vào nhà máy nước Sông Đà. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sau 1 tuần phát hiện nguồn nước sạch trên địa bàn Hà Nội bốc mùi khó chịu, cơ quan chức năng đã xác định nguyên nhân ban đầu là do đầu nguồn nước bị đổ dầu phế thải vào suối, sau đó chảy ra hồ và Nhà máy nước sông Đà không kiểm soát tốt, dẫn đến chảy vào hệ thống lọc nước.

Mùi này qua kết quả xét nghiệm xác định liên quan đến chất styren có tỷ lệ cao hơn từ 1,3 - 3,6 lần so với mức bình thường.

Điều đáng nói, từ ngày 8/10, doanh nghiệp cấp nước đã phát hiện việc đổ trộm dầu nhưng lại “lẳng lặng” xử lý. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải làm rõ trách nhiệm của đơn vị cấp nước để xảy ra sự cố này...

Nhận diện mức độ nguy hại của styren

Phân tích từ góc độ chuyên gia hóa học, ông Đỗ Thanh Bái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Hóa học Việt Nam cho biết styren là một loại chất độc hại, có thể có trong xăng dầu và gây hại sức khỏe con người.

Theo nghiên cứu, styren là chất lỏng có khả năng tạo thành hỗn hợp khí gây nổ lớn nếu cất giữ trong các thùng rỗng và có chứa nhiều tạp chất, gây ô nhiễm môi trường. Hơi styren rất nguy hiểm, gây kích ứng mạnh với da và mắt. Hít phải hơi styren sẽ gây nên những tổn thương nghiêm trọng cho gan, thận và hệ thần kinh trung ương...

Tuy nhiên, theo ông Bái, việc phát hiện styren trong sự cố dầu thải tràn vào nước sạch vẫn chưa hẳn là thông tin cuối cùng, vì có thể còn tồn lưu chất khác và cần phân tích.

Ông Bái cho biết hiện đã có Công ty SOS Môi trường chuyên về ứng phó các sự cố tràn dầu lên xử lý. Tuy nhiên, thông thường chỉ xử lý được phần dầu nổi, còn dầu đã qua sử dụng - tức đã có biến đổi hóa học thì việc xử lý sẽ khó khăn hơn.

[Khắc phục sự cố dầu bẩn ảnh hưởng nguồn nước sạch: Lo ngọn, bỏ gốc?]

“Ngoài ra, khi ở trong nước, độ độc của dầu sẽ tăng lên. Mùi có thể gây khó chịu, nhưng cái lo ngại là mức độ độc. Tuy nhiên, mức độ nhiễm và ảnh hưởng thế nào thì vẫn phải đợi các cơ quan chuyên môn kiểm tra, xử lý, đưa ra kết luận cuối cùng,” ông Bái lưu ý.

Theo vị chuyên gia của Hội Hóa học Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước cần phải vào cuộc. Đặc biệt, phía Nhà máy nước sông Đà cần phải thận trọng trong việc cấp nước cho người dân.

“Tôi nghĩ, trong việc này Bộ Y tế cũng cần kiểm tra chất lượng nguồn nước,” ông Bái nói thêm. 

Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà thừa nhận có váng dầu tại đầu nhà máy xử lý nước. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Làm rõ trách nhiệm của đơn vị cấp nước

Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Trưởng Ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng ô nhiễm nguồn nước là vấn đề rất nghiêm trọng. Vì thế, vụ việc đổ trộm dầu thải ở đầu nguồn nói trên có thể sẽ ảnh hưởng đến cả triệu người dân ở hạ lưu.

[Chủ tịch Hà Nội lên tiếng về vụ ô nhiễm nước đầu nguồn của Viwasupco]

Vị chuyên gia này cho rằng, trong những sự cố lớn về nguồn xảy ra trong thời gian vừa qua, đặc biệt là vụ việc nêu trên, có thể thấy nhiều bất cập và lúng túng trong khâu giám sát. Điều này không chỉ khiến cho vấn đề an ninh nguồn nước không được đảm bảo, mà còn gây ra nhiều tác động xấu, ảnh hưởng tới nhu cầu sinh hoạt và sức khỏe con người.

Theo ông, lẽ ra một nhà máy nước lớn như sông Đà phải có hệ thống giám sát tự động từ xa, để khi xảy ra sự cố sẽ kịp thời xử lý.

Bên cạnh đó, khi phát hiện dầu thải ở đầu nguồn nước, phía nhà máy phải đưa ra những cảnh báo kịp thời và cơ quan chức năng cần ra phát ngôn, cung cấp thông tin. Người dân phải được quyền thông tin đầy đủ về sự việc, mức độ ô nhiễm có thể gây ảnh hưởng đến cuộc sống của chính mình.

“Qua sự việc trên, cơ quan chức năng cần phải vào cuộc điều tra và làm rõ trách nhiệm đối với phía nhà máy nước để xảy ra sự cố này,” ông Tứ nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục