Nước rút đưa cụm dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 cán đích

Tổng giám đốc EVNNPT Phạm Lê Phú cho biết đến thời điểm này, dự án đã đạt được khối lượng giải phóng mặt bằng, thi công rất lớn, tiến độ của dự án rất khả quan và đang trên đường về đích.
Nước rút đưa cụm dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 cán đích ảnh 1Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 có 2 tổ máy với tổng công suất 1.320MW khi đi vào vận hành sẽ cung cấp cho hệ thống lưới điện quốc gia khoảng 9 tỷ kWh. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Sau 1 năm khởi công trạm biến áp 500kV Vân Phong (cuối tháng 9/2021) thuộc cụm công trình giải tỏa công suất Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (gồm trạm biến áp 500 kV Vân Phong và đấu nối, đường dây 500 kV Vân Phong-Vĩnh Tân, đường dây 500 kV đấu nối trạm biến áp 500kV Thuận Nam vào đường dây 500kV Vân Phong-Vĩnh Tân), dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng dự án đang dần về đích.

Có được kết quả trên là nhờ sự nỗ lực của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) và Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB).

Muôn vàn thách thức

Theo tiến độ cam kết với chủ đầu tư Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1, cụm dự án này phải hoàn thành trước ngày 26/12/2022, thời gian thi công dự án này rất ngắn so với các dự án có quy mô và tính chất tương tự.

Sau gần 4 năm khởi động, dự án được cơ quan chức năng phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 7/2019. Ngay sau khi chủ trương đầu tư của dự án được phê duyệt, EVN và EVNNPT đã nhanh chóng tổ chức lập, thẩm tra, trình cấp có thẩm quyền thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án (FS) theo thủ tục, trình tự quy định.

Tháng 11/2019, thiết kế cơ sở của dự án đã được Bộ Công Thương thẩm định và kết luận “phù hợp với quy hoạch được duyệt, có giải pháp thiết kế hợp lý, đáp ứng cơ bản các yêu cầu kỹ thuật hiện hành.”

Tháng 2/2020, FS đã được EVN trình lên Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tháng 7/2020, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có văn bản gửi EVN để thực hiện quyền, trách nhiệm của người phê duyệt, quyết định đầu tư. Tháng 8/2020, Hội đồng thành viên EVN đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình.

Tháng 12/2020, EVNNPT đã phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán công trình.

Những tưởng sau khi tháo gỡ những khó khăn trong thủ tục đầu tư, thì dự án có thể nhanh chóng triển khai thi công. Tuy nhiên dịch COVID-19 bùng phát rộng khắp cả nước trong năm 2021, hầu hết các địa phương đều phong tỏa và chưa biết khi nào kết thúc khiến chủ đầu tư gặp nhiều thách thức.

Đặc biệt, giá nhiên vật liệu sắt thép, xăng dầu, nhân công tăng mạnh gây rất nhiều áp lực cho chủ đầu tư và nhà thầu. Có gói thầu đến tận cuối tháng 12/2021 mới được ký kết để triển khai thi công.

Cùng với đó, tính đến, tháng 9/2021, mặt bằng dự án còn rất nhiều vướng mắc khi tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận mới bàn giao được 56/304 vị trí móng (đạt 18%) và chưa bàn giao được bất kỳ khoảng cột hành lang tuyến nào.

Trong thế “chân tường,” EVN/EVNNPT đã hành động quyết liệt và không dừng bước, bởi nếu chậm tiến độ một ngày Việt Nam sẽ phải bồi thường số tiền rất lớn.

Nước rút đưa cụm dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 cán đích ảnh 2Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 do Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) làm chủ đầu tư với tổng vốn lên tới 2,58 tỷ USD. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Dịch COVID-19 diễn biến vẫn phức tạp nhưng được sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương, tháng 7/2021 dự án đường dây 500 kV Vân Phong-Vĩnh Tân được động thổ, tháng 9 cụm công trình được khởi công.

Để phòng chống dịch, toàn công trường thực hiện theo tinh thần “vừa đảm bảo tiến độ dự án, vừa đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.”

Trước tính cấp bách của dự án, tháng 9/2021, trong thời điểm giãn cách xã hội, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Trần Đình Nhân đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận để đề nghị các địa phương vào cuộc quyết liệt trong giải phóng mặt bằng.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của dự án, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận đều khẳng định sẽ huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để chung tay cùng EVN/EVNNPT hoàn thành dự án. Đồng thời yêu cầu lãnh đạo EVNNPT phải vào trực tiếp công trường để chỉ huy, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương.

Ngay lập tức, giữa cao điểm của dịch COVID-19 (tháng 9/2021), Tổng giám đốc EVNNPT Phạm Lê Phú, Giám đốc CPMB Nguyễn Đức Tuyển và các ban chuyên môn của EVNNPT đã “1 tháng nằm ở công trường” điều hành trực tiếp, bất cứ khó khăn vướng mắc gì giải quyết ngay để toàn công trường đi vào nền nếp.

Ngay sau đó, đầu tháng 11/2021, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân cũng đã làm việc với các nhà thầu thi công dự án để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, bàn giải pháp tháo gỡ.

Tại cuộc họp, lãnh đạo EVN đề nghị lãnh đạo cao nhất của các nhà thầu tham gia dự án quan tâm, cộng tác, hỗ trợ và thường xuyên có mặt trên công trường, cùng với chủ đầu tư để hoàn thành dự án này đúng tiến độ. EVN cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất để các nhà thầu thực hiện dự án này.

Với vai trò chủ đầu tư, EVNNPT đã thành lập Ban Chỉ đạo các dự án đồng bộ với Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong do Tổng giám đốc trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo, một thành viên Hội đồng thành viên và Phó Tổng giám đốc làm Phó trưởng Ban Chỉ đạo, các thành viên là trưởng các ban và giám đốc đơn vị có liên quan.

Ban Chỉ đạo sẽ giúp lãnh đạo EVNNPT chỉ đạo sát sao, quyết liệt, đề ra và áp dụng các giải pháp đồng bộ để đảm bảo chất lượng, tiến độ các dự án có liên quan đến Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong.

Giám đốc CPMB trực tiếp điều hành thường xuyên tại công trường, để huy động tối đa và điều phối nguồn lực các đơn vị tham gia công trường do lãnh đạo cao nhất chỉ huy thực hiện. CPMB thành lập 4 Ban Tiền phương tại tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận để điều hành dự án.

Lãnh đạo CPMB, Ban Tiền phương chịu trách nhiệm điều hành chi tiết công tác thi công, thường trực trên công trình để kịp thời phối hợp với các đơn vị và địa phương có liên quan giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thi công của các nhà thầu, chủ động theo dõi chỉ đạo, hỗ trợ cho các nhà thầu trong bồi thường phục vụ thi công và đề xuất biện pháp xử lý phù hợp với tình hình thực tế phát sinh trên công trường.

Nước rút đưa cụm dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 cán đích ảnh 3Thi công tại Trạm biến áp 500kV Vân Phong. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Cũng vì tiến độ cấp bách của dự án, ngay trong ngày mùng 2 Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh cùng Tổng giám đốc EVNNPT Phạm Lê Phú đã trực tiếp đến công trường để động viên lực lượng thi công, đồng thời làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận để địa phương vào cuộc quyết liệt hơn trong công tác giải phóng mặt bằng, giúp các đơn vị thi công có thể tăng tốc cho dự án.

Để đốc thúc tiến độ dự án, ngày 18/3/2022, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Dương Quang Thành và Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPT Nguyễn Tuấn Tùng đã thực hiện nghi thức khai trương đồng hồ đếm ngược thời gian cụm dự án giải tỏa công suất Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 tại trạm biến áp 500kV Vân Phong.

Mục đích của đồng hồ đếm ngược là để mỗi cán bộ công nhân viên tham gia xây dựng dự án thấy được tính cấp bách của công trình, nỗ lực thi công hoàn thành đóng điện dự án theo đúng tiến độ được giao.

Nỗ lực về đích

Có thể nói, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và sự nỗ lực của EVN/EVNNPT và CPMB, tính đến hết tháng 9/2022, công tác giải phóng mặt bằng trạm biến áp 500 kV Vân Phong và đường dây 220 kV đấu nối đã được địa phương cơ bản hoàn thành bàn giao.

Trong công tác thi công, đã hoàn thành rất nhiều hạng mục quan trọng và dự kiến đến cuối tháng 10/2022 sẽ cơ bản hoàn thành các hạng mục.

Đối với dự án đường dây 500kV Vân Phong-Vĩnh Tân, tính đến nay đã bàn giao mặt bằng 304/304 vị trí móng. Phần hành lang tuyến, tỉnh Khánh Hòa đã bàn giao 172/172 khoảng cột; tỉnh Ninh Thuận bàn giao 126/132 khoảng cột (đạt 95,5%).

Hiện, CPMB đang tích cực làm việc với Ủy ban Nhân dân các địa phương của tỉnh Khánh Hòa để giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công kéo dây. Tích cực làm việc với các địa phương tỉnh Ninh Thuận đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng những khoảng néo còn lại theo kế hoạch.

[Thi công xuyên Tết dự án giải tỏa công suất nhà máy BOT Vân Phong 1]

Về khối lượng thi công, đã đào móng xong toàn bộ 304/304 vị trí móng, đúc xong 301/304 vị trí và đang đúc 3 vị trí còn lại. Lắp dựng cột xong 270/304 vị trí, đang dựng cột 19 vị trí. Dự án cũng kéo dây 23/79 khoảng néo, đang kéo dây 16 khoảng néo.

Về tiến độ đường dây 500kV đấu nối trạm biến áp 500kV Thuận Nam vào đường dây 500kV Vân Phong-Vĩnh Tân đã hoàn thành đào, đúc 3/3 vị trí móng, lắp dựng cột 2/3 vị trí, kéo dây 0,841/1,27km.

Ông Lâm Sơn Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Anphanam E&C một trong những đơn vị thi công dự án cho biết, công ty tham gia 3 gói thầu của cụm dự án.

Cho đến thời điểm này, tiến độ dự án đã đạt khoảng 95% tổng tiến độ, vượt so với kế hoạch chủ đầu tư đề ra và đến cuối tháng 10, các gói thầu của công ty sẽ cơ bản hoàn thành. Công ty hoàn toàn tin tưởng dự án sẽ về đích sớm hơn so với kế hoạch.

Đánh giá về tiến độ dự án, Tổng giám đốc EVNNPT Phạm Lê Phú cho rằng, đến thời điểm này, các đơn vị tham gia dự án tại công trường đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức, dự án đã đạt được khối lượng giải phóng mặt bằng, thi công rất lớn, tiến độ của dự án rất khả quan và đang trên đường về đích.

Trong thời gian hơn 2 tháng còn lại, Tổng giám đốc EVNNPT yêu cầu CPMB cần đôn đốc nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị đúng tiến độ, đôn đốc nhà thầu thi công kéo dây đảm bảo tiến độ đề ra.

CPMB phối hợp với các cấp điều độ để bố trí lịch cắt điện hợp lý, phối hợp với Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 để đấu nối thí nghiệm đồng bộ nhằm đảm bảo truyền tải điện cho nhà máy.

Lãnh đạo EVNNPT yêu cầu các nhà thầu xây lắp trong quá trình thi công cần đảm bảo tuyệt đối an toàn con người, trang thiết bị. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền và nhân dân địa phương, cử cán bộ trông coi vật tư thiết bị để đảm bảo an ninh công trường.

Cùng với đó huy động tối đa nhân lực đảm bảo để đáp ứng yêu cầu. Trong quá trình thi công không vì tiến độ mà làm ảnh hưởng chất lượng dự án.

Đối với tư vấn giám sát và tư vấn thiết kế, cần bố trí đầy đủ nhân lực, đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn trên công trường và kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh nếu có.

Lãnh đạo EVNNPT cũng yêu cầu PTC3 phối hợp chặt chẽ với nhà thầu để giám sát chất lượng dự án phù hợp thiết kế, đồng thời sẵn sàng nguồn nhân lực để tiếp nhận vận hành sau khi dự án hoàn thành và bàn giao cho PTC3.

Có thể khẳng định, đến thời điểm này, dự án đang trong tầm kiểm soát, đáp ứng được tiến độ đặt ra.

Tuy nhiên, theo ông Trương Hữu Thành, Phó Tổng Giám đốc EVNNPT, phụ trách điều hành dự án cho rằng dự án vẫn còn tiềm ẩn những rủi ro khi đường găng lớn nhất đối với trạm biến áp 500kV Vân Phong là máy biến áp hiện nay đang trên đường về Việt Nam.

Mặt bằng hành lang tuyến chưa bàn giao hoàn toàn, cùng với đó thời tiết trong khu vực có những diễn biến khó lường, hiện khu vực đã bắt đầu vào mùa mưa có thể ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án.

“Chỉ khi nào máy biến áp được lắp đặt, thí nghiệm hiệu chỉnh xong thì mới có thể yên tâm được. Chính vì vậy toàn công trường không được phép chủ quan, các nhà thầu tranh thủ những ngày thời tiết thuận lợi cần tăng tốc thi công phấn đấu hoàn thành dự án sớm nhất có thể,” Phó Tổng Giám đốc EVNNPT Trương Hữu Thành cho biết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục