Nước Pháp và "một châu Âu hùng mạnh và đầy đủ chủ quyền"

Chương trình phòng thủ chung, kêu gọi EU tái can dự vào khu vực Balkan, tăng cường hợp tác giữa EU và châu Phi là những ưu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) của Pháp.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tiết lộ những nội dung nghị sự mà ông muốn ưu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) của Pháp, bắt đầu từ ngày 1/1/2022 và kéo dài 6 tháng. Đó là những ưu tiên nào? Báo Le Monde đã nêu nêu cụ thể như sau:

Chương trình phòng thủ chung

"Nếu phải tóm tắt mục tiêu của nhiệm kỳ Chủ tịch EU này trong một câu, tôi sẽ nói rằng chúng ta cần biến một châu Âu thống nhất về đường biên giới thành một châu Âu hùng mạnh trên thế giới, có đầy đủ chủ quyền, tự do với các lựa chọn và làm chủ vận mệnh của mình," Tổng thống Emmanuel Macron khái quát ngay từ đầu buổi họp báo.

Ông nhấn mạnh mong muốn xác định "chủ quyền chiến lược của châu Âu," và tuyên bố: "Khái niệm này, từng được cho là không thể tưởng tượng cách đây 4 năm, cho phép khẳng định rằng chúng ta, các nước châu Âu, cho dù có là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay không, thì đều có những mối đe dọa và mục tiêu chung."

Ông Macron cũng cho rằng nhiệm kỳ Chủ tịch EU nên là cơ hội để đạt được tiến bộ cụ thể về một chính sách phòng thủ chung, xét trên cả phương diện hành động lẫn hoạch định chiến lược.

Kêu gọi EU tái can dự vào khu vực Balkan

Trước những căng thẳng mới ở Balkan, Tổng thống Pháp kêu gọi EU cần có sự can dự và đầu tư trở lại trong khu vực. Ông cho rằng "lịch sử và đôi khi cả bi kịch đang quay trở lại nơi này" và khẳng định giờ đây châu Âu "có trách nhiệm rất đặc biệt đối với các nước Tây Balkan nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế của khu vực và chống lại sự can thiệp của một số cường quốc trong khu vực," trong đó ông ngầm ám chỉ Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.

[Pháp kêu gọi nâng cao hơn nữa vai trò của EU trên thế giới]

Ông Macron cũng cảnh báo sẽ không thể xây dựng một châu Âu hòa bình trong 50 năm tới nếu liên minh này để mặc các nước Tây Balkan trong hoàn cảnh như hiện nay. Do đó, ông cho rằng điều quan trọng hiện nay là phải "làm rõ viễn cảnh châu Âu" của các nước như Albania, Bosnia và Herzegovina, Serbia, Montenegro và Bắc Macedonia - một vấn đề không được EU đả động đến trong suốt nhiều năm.

Cải cách Schengen để bảo vệ biên giới tốt hơn

Tổng thống Pháp cho rằng một ưu tiên khác của nhiệm kỳ Chủ tịch EU là hướng tới một châu Âu "biết cách bảo vệ đường biên giới của mình" khi đối mặt với các cuộc khủng hoảng di cư.

Đề cập đến tình hình biên giới Ba Lan-Belarus và vụ đắm tàu ở eo biển Manche khiến 27 người di cư thiệt mạng, ông Macron cho rằng ưu tiên kể trên là điều kiện thiết yếu để đảm bảo an ninh cho các nước châu Âu và giải quyết thách thách thức di cư.

Bởi vậy, ông mong muốn xây dựng một "định hướng chính trị cho Schengen" thông qua cơ chế họp thường kỳ của các Bộ trưởng phụ trách vấn đề di cư châu Âu, cũng như các cơ chế hỗ trợ đoàn kết trong trường hợp xảy ra khủng hoảng biên giới ở một quốc gia thành viên.

Ngoài ra, theo ông, châu Âu cũng cần có "một tổ chức tốt hơn về quản lý người di cư". Cuối cùng, ông cũng bày tỏ mong muốn "hài hòa các quy tắc, đặc biệt trong vấn đề tị nạn, hỗ trợ người tị nạn hoặc người di cư" đang ở trên đất châu Âu.

Tăng cường hợp tác giữa EU và châu Phi

Tổng thống Macron thông báo rằng một Hội nghị thượng đỉnh giữa Liên minh châu Phi (AU) và EU sẽ được tổ chức vào ngày 17-18/2/2022 tại Brussels, đồng thời cho biết ông sẽ đề xuất một thỏa thuận mới về kinh tế và tài chính nhằm cải cách cơ bản mối quan hệ "hơi mệt mỏi"giữa hai châu lục.

Ông nhắc lại trong khoảng thời gian 2020-2025, các nền kinh tế châu Phi có nhu cầu tài chính khoảng 300 tỷ euro. Vì vậy, để thúc đẩy tình đoàn kết, EU "cần thể hiện một chiến lược chung với châu Phi tại các diễn đàn quốc tế" đồng thời đổi mới "cơ chế đầu tư đoàn kết" đối với châu lục này.

Cuối cùng, ông Macron nhấn mạnh việc EU cần triển khai một chương trình nghị sự về giáo dục, y tế và khí hậu nhằm ứng phó với các thách thức mà châu Phi đang phải đối mặt.

Xem xét lại khung ngân sách Maastricht

Tổng thống Pháp tiết lộ sẽ đề xuất xem xét lại khung ngân sách của châu Âu, vốn cho đến nay được xác định bởi các tiêu chí Maastricht, nhằm đáp ứng "nhu cầu khoản đầu tư mới" thời kỳ hậu COVID-19.

Các tiêu chí của Hiệp định Maastricht, được thiết lập năm 1992, yêu cầu kiểm soát lạm phát, nợ công và thâm hụt ngân sách nhà nước, ổn định tỷ giá hối đoái và điều chỉnh lãi suất.

Ông Macron cho biết do khủng hoảng dịch bệnh, EU đã tạm dừng áp dụng các quy tắc ngân sách hiện hành. "Chúng ta sẽ phải trở lại với các quy tắc mà chỉ có chúng mới cho phép các nền kinh tế hội tụ. Chúng ta không thể làm như thể không có điều gì xảy ra để rồi quay trở lại khung tài chính được thiết lập từ đầu những năm 1990," ông Macron khẳng định.

Chống chủ nghĩa xét lại

Tổng thống Macron cho biết ông muốn phát động "một công trình vĩ đại về lịch sử châu Âu" để chống lại "chủ nghĩa xét lại."

Ông khẳng định: "Chúng ta đang sống trong thời điểm chính trị mà chủ nghĩa xét lại đang bắt rễ ở nhiều nước, được sử dụng bởi các cường quốc muốn đặt câu hỏi về giá trị và lịch sử của chúng ta. Tôi muốn rằng vào tháng Sáu tới, tại Pháp, chúng ta sẽ có thể bắt đầu khởi tạo một lịch sử và sử học về châu Âu. Lịch sử châu Âu không chỉ là sự tổng hợp của 27 lịch sử quốc gia. Lịch sử phải thể hiện sự đồng bộ, sự thống nhất mà mọi người đều có ý thức nhưng chưa thấy hết được."

Ngoài ra, ông cũng bày tỏ hy vọng nhiệm kỳ Chủ tịch EU của Pháp sẽ là cơ hội để thành lập một Viện hàn lâm châu Âu, tập trung trí thức của tất cả các ngành, đến từ 27 quốc gia thành viên, để làm sáng tỏ các cuộc tranh luận về đạo đức, mối quan hệ của EU với các quyền tự do, và đưa ra các đề xuất về hành động và dự án văn hóa.

Đưa châu Âu trở thành "thế lực kỹ thuật số"

Tổng thống Pháp khẳng định ông muốn "Âu hóa" chiến lược quốc gia về hỗ trợ "đổi mới và tăng trưởng" của các doanh nghiệp khởi nghiệp, đưa châu Âu trở thành một "thế lực kỹ thuật số". Theo tầm nhìn này, Pháp sẽ thúc đẩy việc thành lập các quỹ châu Âu để tài trợ cho các công ty khởi nghiệp và các "công ty kỹ thuật số" khác bằng cách huy động "các nhà đầu tư về thể chế."

Ông lưu ý rằng trong số 10 công ty tư bản hàng đầu thế giới hiện nay, có tới 8 công ty thuộc lĩnh vực công nghệ và đặc biệt là không có công ty nào của châu Âu. Bởi vậy, vấn đề đặt ra ở đây là phải xây dựng "một thị trường kỹ thuật số chung thực sự" của châu Âu với các quy định đơn giản hóa thông qua việc bãi bỏ các rào cản giữa các nước thành viên.

Để hỗ trợ "các quán quân châu Âu" phát triển trong lĩnh vực này, EU cần đào sâu "chương trình nghị sự thu hút nhân tài" và thu hút tài trợ của mình.

Tổng thống Macron nhấn mạnh "để không phải tuân theo luật lệ của các cường quốc khác, châu Âu phải tiếp tục việc điều phối vốn dẫn đến một "thỏa thuận quốc tế về thuế đối với các công ty đa quốc gia, đặc biệt là những ‘gã khổng lồ’ kỹ thuật số". Ông là người muốn "hoàn thành công việc" để có một chế độ thuế thực sự đối với các công ty đa quốc gia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục