Nước Pháp tái cài đặt quan hệ với Nga: Liệu có khả thi?

Theo quan điểm của Nga, việc quay trở lại quan hệ bình thường với phương Tây trước hết có nghĩa là chấm dứt các lệnh trừng phạt kinh tế ảnh hưởng đến tài chính-ngân hàng, năng lượng và thương mại.
Nước Pháp tái cài đặt quan hệ với Nga: Liệu có khả thi? ảnh 1(Nguồn: spacewatch.global)

Trang mạng nationalinterest.org đưa tin Pháp một lần nữa đang thúc đẩy việc cải thiện quan hệ với Nga.

Tại cuộc họp của các quan chức Liên minh châu Âu (EU) , Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã thúc đẩy việc mở rộng sự tham gia của châu Âu với Nga, và điều này diễn ra ngay sau Hội nghị An ninh Munich hồi tháng Hai vừa qua, khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi quan hệ lâu dài tốt hơn giữa châu Âu và Nga.

Người Pháp không đơn độc trong nỗ lực thúc đẩy châu Âu tiến tới một số thỏa hiệp với Moskva thời kỳ hậu Crimea - các chính trị gia ở Hungary, Đức, Hy Lạp và có lẽ ở các quốc gia khác muốn thấy quan hệ với Nga trở lại bình thường.

[Nga loại trừ khả năng họp thượng đỉnh với Đức, Pháp về tình hình Idlib]

Tuy nhiên, để điều đó xảy ra, và để châu Âu cũng như Mỹ chấm dứt các lệnh trừng phạt, Moskva sẽ phải đưa ra một số nhượng bộ đáng kể, do sự thay đổi bắt buộc của biên giới châu Âu hồi năm 2014.

Mặc dù có vẻ như không chắc sẽ xảy ra, một thỏa thuận như vậy không phải là quá khó để đạt được, và lợi ích của việc giảm căng thẳng giữa Moskva và phương Tây có lẽ đáng để nỗ lực.

Theo quan điểm của Nga, việc quay trở lại quan hệ bình thường với phương Tây trước hết có nghĩa là chấm dứt các lệnh trừng phạt kinh tế ảnh hưởng đến tài chính-ngân hàng, ngành năng lượng và thương mại công nghiệp quốc phòng.

Macron tuyên bố các biện pháp trừng phạt này không có hiệu quả, và ông vừa đúng vừa sai.

Quả thực, phải thừa nhận rằng các lệnh trừng phạt đã không khiến Moskva từ bỏ việc chiếm đóng Crimea hoặc chấm dứt sự can thiệp vào Donbas. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt - cùng với việc giá dầu giảm - đã ảnh hưởng rõ ràng và tiêu cực đến nền kinh tế Nga.

Một phần do kinh tế trì trệ, uy tín của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bị ảnh hưởng.

Tóm lại, các lệnh trừng phạt đã ảnh hưởng đến sức mạnh của Nga, cả cứng và mềm, và Moskva rất muốn kết thúc chúng.

Nếu phương Tây đồng ý chấm dứt các lệnh trừng phạt, liệu ông Putin có đồng ý trả lại Crimea cho Ukraine? Có lẽ là không. Nhưng ít nhất ông Putin có đồng ý rút khỏi Donbas hay không? Có lẽ vậy. Một sự trao đổi như vậy - chấm dứt các lệnh trừng phạt của phương Tây để đổi lấy việc Nga rút quân khỏi Donbas - sẽ không công bằng với phương Tây. 

Những nỗ lực của Macron nhằm lôi kéo Vladimir Putin và đàm phán với Nga đã mang lại rất ít kết quả.

Cái gọi là Định dạng đàm phán Normandy giữa các nhà lãnh đạo Ukraine, Nga, Đức và Pháp đã được nối lại dưới sự lãnh đạo của Macron, nhưng cho đến nay vẫn có rất ít tiến triển.

Do đó, dự kiến EU sẽ sớm phê chuẩn việc gia hạn các biện pháp trừng phạt thêm 6 tháng đối với Nga.

Để đạt được tiến triển và khiến phương Tây - và khả năng cả Ukraine (dù thấp hơn nhiều) - “ngó lơ” việc Nga sáp nhập Crimea, Moskva sẽ phải làm dịu thỏa thuận đáng kể. Họ có thể bắt đầu bằng cách giảm bớt chiến dịch gây bất ổn trên khắp Đông Âu.

Cụ thể, Moskva có thể đề xuất phi hạt nhân hóa Kaliningrad, khu vực ngoài khơi của Nga trên Biển Baltic kẹt giữa Ba Lan và Litva.

Phi hạt nhân hóa cần bao gồm việc rút tất cả các hệ thống tên lửa SSC-8 của Nga, mà Mỹ và các đồng minh NATO cho là gây bất ổn nghiêm trọng do tính cơ động của nó.

Trong những năm gần đây, Kaliningrad đã chứng kiến sự gia tăng dần dần nhưng ổn định về cơ sở hạ tầng hạt nhân và các hệ thống phân phối liên quan như SSC-8.

Để tiến hành phi hạt nhân hóa, Moskva sẽ phải cho phép một cơ chế thanh tra - may mắn thay, phương Tây và Nga có một lịch sử lâu dài trong việc đàm phán thành công và thực hiện các thỏa thuận kiểm tra kiểm soát vũ khí xâm nhập.

Mặc dù việc “giảm nhiệt” ở Đông Âu cần bắt đầu với Kaliningrad, nhưng nó cũng sẽ phải bao gồm các biện pháp khác để tăng tính ổn định và an ninh.

Chẳng hạn, Moskva cần ngừng vi phạm không phận của các đồng minh NATO và các đối tác trong khu vực.

Nga cần phải chấm dứt các cuộc tập trận quy mô lớn ở các khu vực gần biên giới NATO và họ cần phải trở lại tuân thủ đầy đủ các hiệp ước xây dựng lòng tin mà Moskva đã ký từ lâu. Và họ sẽ phải ngừng và đảo ngược việc phát triển đội tàu chiến ở Biển Đen.

Cuối cùng, ngay cả khi có sự ủng hộ công khai mạnh mẽ ở Ukraine để chấm dứt chiến tranh ở Donbas, khó có khả năng Kiev sẽ đồng ý hợp tác trừ khi Moskva chấp nhận mong muốn của Ukraine thiết lập mối quan hệ chính trị, kinh tế và quân sự chặt chẽ hơn với phương Tây.

Do đó, Nga cũng cần phải chấm dứt một cách có thể kiểm chứng việc ủng hộ phe ly khai ở Donbas và công nhận chủ quyền của Ukraine trong việc lựa chọn các mối quan hệ quốc tế.

Tất cả những điều này nghe có vẻ bất khả thi vào lúc này. Tuy nhiên, có một số lý do tại sao việc đưa ra cho Nga một lộ trình không phải là ý tưởng điên rồ.

Trước hết, cứ mỗi năm trôi qua, Nga càng khó có thể từ bỏ Crimea. Kiev và những bạn bè của họ ở phương Tây cần phải chấp nhận thực tế địa chính trị này, nhưng đồng thời, họ sẽ không bỏ qua mà không nhận lại được điều gì. Phương Tây phải được biết rõ về cái giá của nó.

Thứ hai, như đã đề cập trước đó, tác động của các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế Nga có thể khiến Moskva sẵn sàng đàm phán để thoát khỏi tình trạng bế tắc.

Để làm được điều đó, Moskva cần phải hiểu phương Tây và Ukraine cần (những) thứ gì để “nuốt viên thuốc đắng,” chấp nhận việc Nga sáp nhập Crimea. Đó chắc chắn là một rào cản khó vượt qua, nhưng Moskva cần phải biết ngưỡng đó cao như thế nào.

Thứ ba, sự đoàn kết của phương Tây - trọng tâm của họ đối với Moskva - từ lâu đã phụ thuộc vào việc chìa tay ra với Nga cũng như siết chặt nắm tay.

Đối thoại và phòng thủ cùng nhau tạo ra con đường hai chiều của NATO dẫn đến an ninh và ổn định trong suốt 7 thập kỷ.

Khi phương Tây tăng chi tiêu quốc phòng và củng cố vị thế quân sự, họ phải đồng thời đưa ra cho Nga một con đường phía trước, nếu không, những gì đang xuất hiện như những vết nứt nhỏ trong sự thống nhất của phương Tây có thể dần dần trở thành sự chia rẽ không kiểm soát.

Đừng nhầm lẫn, đây không chỉ là một sự cài đặt lại quan hệ khác giữa phương Tây với Nga, mà trong mọi trường hợp là một điều thiếu khôn ngoan trong năm bầu cử Mỹ này.

Không gì trong số những ý kiến được đề xuất sẽ giải quyết cuộc chiến tranh “vùng xám” đang diễn ra do Nga tiến hành chống phương Tây, bao gồm thao túng truyền thông, can thiệp bầu cử, tấn công mạng và ám sát có động cơ chính trị.

Phương Tây có thể và nên tiếp tục nỗ lực tự vệ, trả đũa khi thích hợp, cạnh tranh với Moskva trên tất cả các lĩnh vực và giảm khả năng của Nga đe dọa các lợi ích sống còn của phương Tây.

Giống như các hiệp ước kiểm soát vũ khí trong các thập kỷ 70 và 80 của thế kỷ trước đã không chấm dứt hoạt động gián điệp giữa Mỹ và Liên Xô hoặc các cuộc chiến tranh ủy nhiệm của họ trên toàn cầu, việc giải câu đố Ukraine đã không biến Putin thành bạn bè, hoặc thậm chí là đối tác.

Tuy nhiên, một thỏa thuận nhằm giảm nguy cơ kịch bản an ninh thảm khốc nhất ở châu Âu là vì lợi ích của cả hai bên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục