Nước Pháp phải tìm lại sức mạnh kinh tế đã đánh mất

Tại cuộc họp báo ở điện Elysée, Tổng thống Hollande đã trình bày những nét lớn về chính sách kinh tế, chính trị, xã hội năm 2014.
Tổng thống Pháp Hollande tại cuộc họp báo ở điện Elysée ngày 14/1. (Ảnh: Reuters)

Ngày 14/1, tại điện Elysée, Tổng thống Pháp François Hollande đã tổ chức cuộc họp báo quan trọng nhằm trình bày những nét lớn về chính sách kinh tế, chính trị, xã hội năm 2014 với sự tham dự của hơn 600 nhà báo trong nước và quốc tế.

Trong bối cảnh kinh tế Pháp tiếp tục ảm đạm, có nhiều dấu hiệu tụt hậu trong khi nhiều nước trong Liên minh châu Âu (EU) đang từng bước lấy lại đà tăng trưởng và bắt đầu "cất cánh", cuộc họp báo của Tổng thống Pháp mang đậm màu sắc kinh tế.

Các nhà báo đặt ra hàng loạt câu hỏi về các vấn đề nóng của nền kinh tế như chính sách thuế, chính sách việc làm, chi tiêu công, yêu cầu Tổng thống Hollande làm sáng tỏ các kế hoạch hành động, lộ trình thực hiện và phương pháp tiến hành nhằm giữ đúng các lời hứa được đưa ra trước đó.

Trong phần trình bày mở đầu, Tổng thống Pháp nêu rõ: "Nếu nước Pháp muốn giữ được ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế, tạo được dấu ấn của mình trong quá trình phát triển của Liên minh châu Âu và làm chủ được vận mệnh của mình thì nước Pháp phải tìm lại bằng được sức mạnh kinh tế mà mình đã đánh mất trong 10 năm qua."

Ông cũng cho rằng nguyên nhân là do cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài và nặng nề, cùng với sự tích tụ thâm hụt ngân sách và thâm hụt cán cân thương mại trong một thời gian dài của các chính phủ tiền nhiệm.

"Thỏa ước trách nhiệm", cụm từ mà ông Hollande đã nêu trong Thông điệp đầu năm, là nội dung được các nhà báo đặc biệt quan tâm.

Theo Tổng thống Pháp, Nhà nước sẽ tiến hành một "Thỏa ước trách nhiệm" với đối tác là các doanh nghiệp, theo đó sẽ giảm các khoản đóng góp bắt buộc đối với doanh nghiệp để đổi lấy việc doanh nghiệp tuyển dụng thêm người lao động, tăng đối thoại xã hội nhằm làm dịu bớt áp lực xã hội về việc làm.

Gói hỗ trợ này có giá trị 30 tỷ euro sẽ được áp dụng từ nay cho đến năm 2017.

"Thỏa ước trách nhiệm" là cơ hội đối với nước Pháp. Nó liên quan đến tất cả đảng phái chính trị, các vùng miền và các tổ chức nghề nghiệp. "Thỏa ước trách nhiệm" sẽ khuyến khích việc huy động sức mạnh trong toàn xã hội nhằm tạo thêm nhiều việc làm mới.

Về cắt giảm chi tiêu công, Tổng thống Hollande cho rằng đây là công đoạn bắt buộc để có thể giảm thâm hụt ngân sách và việc này sẽ cho phép giảm thuế trong tương lai.

Ông cũng nhắc lại rằng trong năm 2013, chi tiêu công đã được cân đối, Nhà nước đã chi tiêu ít hơn con số được Quốc hội thông qua. Theo ông, Nhà nước sẽ nỗ lực tiết kiệm 15 tỷ euro trong năm 2014 và 50 tỷ euro trong giai đoạn 2015-2017 nhằm đưa mức thâm hụt ngân sách về dưới 3% theo quy định của EU.

Để đạt được điều đó, Tổng thống Hollande đề xuất tiến hành các cải cách cơ cấu trên cơ sở xem xét lại ngân sách cấp cho các địa phương và đấu tranh chống gian lận cũng như sự lạm dụng trong việc sử dụng ngân quỹ của Bảo hiểm Xã hội.

Tổng thống Hollande cũng nhấn mạnh những thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực tạo việc làm cho lớp trẻ với 100.000 việc làm mới trong năm 2013 và thêm 50.000 việc làm trong năm 2014.

Tại cuộc họp báo, Tổng thống Pháp cũng giải thích việc Pháp đưa quân vào Mali và Cộng hòa Trung Phi là nhằm bảo vệ các giá trị của nền Cộng hòa cũng như các giá trị của nước Pháp. Theo ông, nước Pháp luôn đi đầu trong các nghĩa vụ hòa bình và nhân đạo nhằm bảo vệ trẻ em và phụ nữ, bảo vệ quyền con người, thúc đẩy sự đa dạng văn hóa.

Liên quan đến tương lai của EU, ông Hollande khẳng định : "Tương lai của nước Pháp cũng chính là tương lai của châu Âu và ngược lại tương lai của châu Âu cũng chính là tương lai của nước Pháp."

Ông nhấn mạnh những thành tựu đã đạt được trong năm 2013, như đồng euro vẫn đứng vững trong cơn bão tài chính và Liên minh ngân hàng châu Âu đã được triển khai. Ông cũng cho rằng Pháp-Đức cần tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu trong việc xây dựng một EU vững mạnh, đặc biệt trong năm bầu cử Nghị viện châu Âu 2014.

Sau năm 2013 đầy biến động, nước Pháp phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, người dân Pháp vẫn giữ cảm giác thất vọng và hoài nghi về khoảng cách giữa lời nói và việc làm của Tổng thống Hollande. Mặc dù đã đưa ra các cam kết mạnh mẽ, Tổng thống Hollande đang chịu áp lực lớn là phải tiến hành nhanh chóng các thay đổi trong thời gian tới nhằm khôi phục niềm tin trong dân chúng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục