Nước Pháp đã sẵn sàng cho ngày hội bóng đá EURO 2016?

Mọi công tác chuẩn bị cho ngày hội bóng đá sôi động EURO 2016 diễn ra từ ngày 10/6 đến 10/7 đã được hoàn tất đúng tiến độ. Nhưng liệu nước Pháp đã thực sự sẵn sàng?
Nước Pháp đã sẵn sàng cho ngày hội bóng đá EURO 2016? ảnh 1 Lực lượng cảnh sát và phòng cháy chữa cháy tham gia buổi diễn tập tăng cường an ninh trước thềm chung kết Euro 2016. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Vòng chung kết Giải bóng đá vô địch châu Âu (EURO) 2016 sẽ diễn ra từ ngày 10/6 đến 10/7 tới tại 10 sân vận động trên khắp nước Pháp.

Mọi công tác chuẩn bị cho ngày hội bóng đá sôi động này đã được hoàn tất đúng tiến độ. Song, nước Pháp đã thực sự sẵn sàng?

“Chào mừng tới nước Pháp”

Ước tính khoảng 2,5 triệu cổ động viên sẽ trực tiếp theo dõi 51 trận đấu tại các sân vận động và hơn 7 triệu người xem bóng đá tại các địa điểm ngoài trời.

Một chiến dịch chào mừng quy mô lớn đã được Chính phủ Pháp phát động nhằm bày tỏ sự hiếu khách của người dân nước này với bạn bè muôn phương.

Các poster chào mừng đã được căng lên tại hơn 31.000 địa điểm khắp nước Pháp, cũng như tại đại bản doanh của 24 đội tuyển tham dự EURO 2016.

Ở "kinh đô ánh sáng", Công viên thể thao Paris đã được khánh thành trên diện tích 2.500m2. Đây là một quần thể gồm các khu vui chơi giải trí và thể thao, phục vụ công chúng miễn phí từ nay cho đến khi EURO kết thúc.

Quần thể này được dựng phía trước Tòa thị chính thành phố, sau đó sẽ được tháo dỡ để dựng tại bảy địa điểm khác ở Paris. Nhiều điểm giới thiệu văn hóa của 24 nước có đội tuyển tham dự EURO cũng đã được dựng lên.

Cú hích kinh tế

Kể từ đầu năm 2015, Pháp đã bị Anh “tiếm ngôi” nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Đà tăng trưởng thấp (chỉ khoảng 0,5%), thất nghiệp tăng cao (5,8 triệu người) và nguy cơ khủng bố là những vấn đề trầm trọng của Pháp. Do đó, EURO 2016 được xem là cú hích thiết yếu, mang lại nhiều lợi ích kinh tế-xã hội cho nước chủ nhà.

Theo Trung tâm luật và kinh tế thể thao Limoges (CDES), EURO 2016 sẽ tạo ra dòng chảy ngoại tệ lên tới 1,3 tỷ euro vào Pháp. Đó là chưa kể gần 200 triệu euro tiền thuế trực tiếp từ các hoạt động kinh tế liên quan đến giải đấu này.

Dự kiến, EURO 2016 có thể giúp Pháp tăng thêm 0,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2016, qua đó hy vọng đạt mục tiêu tăng trưởng 1% trong năm nay. Ngoài ra, sẽ có hơn 26.000 việc làm được tạo mới trong dịp này - một tín hiệu mừng cho quốc gia đang chịu gánh nặng thất nghiệp khổng lồ.

Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của Pháp, nhưng đang bị ảnh hưởng nặng nề sau vụ khủng bố Paris tháng 11/2015. EURO 2016 chính là đòn bẩy giúp du lịch Pháp vượt qua giai đoạn khó khăn, giúp các khách sạn, nhà hàng và những dịch vụ đồng hành có được công suất cao nhất.

Giá khách sạn tại các thành phố đăng cai EURO 2016 tăng trung bình 80%, trong khi giá thuê nhà nghỉ tăng 54%. Mức tăng giá mạnh nhất là 660% thuộc về một khách sạn nằm cạnh sân Stade de France cho đêm khai mạc 10/6.

Vẫn còn đó nỗi bất an

Đây là lần thứ 3 Pháp đăng cai EURO, sau các năm 1960 và 1984, song chưa lần nào vấn đề an ninh lại khiến các nhà chức trách lo lắng đến vậy, kể từ sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở thủ đô Paris tháng 11/2015, làm hơn 130 người thiệt mạng.

Đáng lo ngại hơn khi nghi phạm Salah Abdeslama - một trong những đối tượng chủ chốt tham gia vụ đánh bom khai rằng EURO 2016 mới là mục tiêu chính của các nhóm khủng bố. Hiện tại, Pháp vẫn duy trì lệnh giới nghiêm cho tới hết tháng 7/2015.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 31/5 đã cảnh báo các công dân của mình về nguy cơ xảy ra tấn công khủng bố tại châu Âu mùa Hè này, khuyến cáo rằng mục tiêu tấn công sẽ bao gồm cả những nơi tổ chức EURO 2016.

Trong khi đó, cảnh sát Anh cho biết các dữ liệu từ máy tính xách tay của nghi phạm Salah Abdeslama chỉ ra rằng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã lên kế hoạch tấn công nhằm vào ngày hội bóng đá lớn nhất châu Âu, trong đó cổ động viên của Nga và Anh là mục tiêu chính do hai nước này trực tiếp tham gia chiến dịch không kích IS ở Syria và Iraq.

Trước những nguy cơ khủng bố tiềm ẩn, Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) và chủ nhà Pháp đều tăng cường các biện pháp an ninh ở mức độ lớn chưa từng có. Cụ thể, UEFA dự chi 34 triệu euro cho công tác an ninh ở 10 sân vận động diễn ra các trận đấu và những địa điểm liên quan.

Khoảng 15.000 nhân viên an ninh của UEFA cùng nhiều thiết bị công nghệ cao cũng sẽ được triển khai tới 10 sân vận động này và hơn 100 địa điểm khác trên khắp nước Pháp.

Trong khi đó, Pháp sẽ huy động lực lượng an ninh hơn 100.000 người để đảm bảo trật tự và sẵn sàng can thiệp khi cần thiết, đồng thời tăng ngân sách từ 10 triệu lên 24 triệu euro cho các hoạt động đảm bảo an toàn cho cổ động viên tại các fanzone.

Chưa hết, nước Pháp còn phải đối mặt với nguy cơ bất ổn xã hội do các cuộc đình công tại nước này. Làn sóng đình công bắt đầu từ tháng Ba vừa qua nhằm phản đối dự luật cải cách lao động Chính phủ đưa ra với nội dung tạo điều kiện cho giới chủ sử dụng lao động trong tuyển dụng và sa thải nhân viên.

Các cuộc biểu tình khiến giao thông hàng không, giao thông đường sắt đình trệ, gây bất ổn trong xã hội và kéo theo nhiều thiệt hại về kinh tế, đe dọa cản trở EURO 2016.

Chỉ còn một tuần nữa trái bóng Beau Jeu sẽ chính thức lăn trên sân cỏ, hy vọng Chính phủ Pháp sẽ mau chóng giải quyết ổn thỏa những mối bất an trên, để EURO 2016 trở thành một ngày hội thực sự ở Đất nước Lục lăng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục