Nước Nga ghi nhận nhiều kỷ lục về nhiệt độ trong năm 2020

Nhiệt độ trung bình của Nga trong năm 2020 cao hơn 3,22 độ C so với mức nhiệt trung bình trong giai đoạn 1961-1990 và cao hơn 1 độ C so với kỷ lục từng được ghi nhận vào năm 2007.
Năm 2020 là năm đặc biệt nóng không chỉ tại Nga mà cả hành tinh. (Nguồn: themoscowtimes.com)

Năm 2020, nhiệt độ trung bình tại Nga đã liên tục tăng lên đến những kỷ lục mới trong khi độ bao phủ của băng trên các tuyến vận tải biển của nước này tại Bắc Cực cũng giảm xuống mức thấp chưa từng thấy.

Theo báo cáo của cơ quan giám sát thời tiết của Nga, Rosgidromet, nhiệt độ trung bình của nước này trong năm 2020 cao hơn 3,22 độ C so với mức nhiệt trung bình trong giai đoạn 1961-1990 và cao hơn 1 độ C so với kỷ lục từng được ghi nhận vào năm 2007.

Theo Rosgidromet, năm 2020 là năm đặc biệt nóng không chỉ tại Nga mà cả hành tinh, tuy nhiên lưu ý rằng tốc độ ấm lên tại Nga "nhanh hơn nhiều" so với trung bình toàn cầu.

[Nghiên cứu mới: Các đại dương ấm dần lên trong 12.000 năm qua]

Rosgidromet cũng cho biết thêm các tuyến đường vận tải biển của Nga tại Bắc Cực, còn gọi là tuyến đường biển phía Bắc, trong một số năm hầu như không có băng vào thời điểm cuối mùa Hè.

Độ dày lớp băng bao phủ hiện giảm từ 5-7 lần so với những năm 1980.

Năm 2020, diện tích băng bao phủ bề mặt (tính đến tháng 9) đã giảm xuống mức thấp nhất, khoảng 26.000km2.

Báo cáo của Rosgidromet cũng chỉ ra lớp đất đóng băng vĩnh cửu ở vùng cực bị tan chảy mỗi năm cũng gia tăng.

Trong những năm qua, nhiệt độ tại Nga nhiều lần tăng lên các mức cao mới, trong đó đầu năm 2020 ghi nhận những mức nhiệt tăng cao nhất kể từ khi các dữ liệu quan sát thời tiết được lưu lại.

Đầu tuần này, Giám đốc khoa học của Rosgidromet Roman Vilfand cho biết số lượng các thảm họa thời tiết xảy ra tại Nga tăng gấp đôi trong 25 năm qua.

Rosgidromet cũng dự báo trong mùa Xuân này, nền nhiệt của Nga sẽ cao hơn mức trung bình, trong khi hình thái thời tiết hanh khô tại Siberia sẽ làm gia tăng số vụ cháy rừng tại Siberia trong năm 2021.

Các vụ cháy rừng xảy ra trên toàn bộ khu vực Siberia với tần suất ngày càng tăng trong vài năm trở lại đây.

Giới chức Nga cho rằng hiện tượng này có liên quan tới tình trạng biến đổi khí hậu.

Bên cạnh Bắc Cực, các nhà khoa học cũng tin rằng Siberia là một trong những khu vực chịu tác động mạnh nhất từ tình trạng biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục