Nước Mỹ rối tung từ trước khi Tổng thống Trump xuất hiện?

Đương kim chủ nhân Nhà Trắng là vật tế thần cho một loạt thiếu sót mà Mỹ phải đối mặt bao gồm cả nền kinh tế trong nước, thương mại và trật tự toàn cầu.
Nước Mỹ rối tung từ trước khi Tổng thống Trump xuất hiện? ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trang mạng asiatimes.com vừa có bài viết cho rằng Donald Trump có lẽ là Tổng thống Mỹ đầu tiên kể từ Chiến tranh Thế giới lần hai không có chương trình nghị sự chiến tranh.

Ông đang cố gắng giảm quân số Mỹ đóng tại Afghanistan, đàm phán giải quyết chương trình hạt nhân của Triều Tiên, rút khỏi cuộc nội chiến ở Syria và tăng sức ép phi quân sự đối với Iran.

Việc ông Trump sử dụng các chiến thuật gây sức ép phi chiến tranh vấp phải sự chống đối trong giới truyền thông, giới học thuật và các nhà vận động hành lang cũng như các chính trị gia trong ngành công nghiệp quốc phòng.

Đối với những người nói xấu ông Trump, đương kim chủ nhân Nhà Trắng là vật tế thần cho một loạt thiếu sót mà Mỹ phải đối mặt bao gồm cả nền kinh tế trong nước, thương mại và trật tự toàn cầu, trong khi không điều gì trong số này là lỗi của ông.

Bài viết mới đây của Joseph Nye với tựa đề "Sức mạnh và sự phụ thuộc lẫn nhau trong thời đại Trump" là một ví dụ về cách những người thiển cận bắt mạch các vấn đề mà Mỹ đang phải chật vật giải quyết.

[Hạ viện Mỹ ngăn chặn nỗ lực luận tội Tổng thống Donald Trump]

Nye thẳng thắn đổ lỗi cho Chính quyền Trump vì không thể duy trì "tính hợp pháp" của Mỹ trong việc điều chỉnh các quy tắc toàn cầu, trách nhiệm được trao cho Mỹ vì tính đặc biệt của quốc gia này.

Lập luận chính của tác giả là "tính hợp pháp" của Mỹ cần phải được bảo vệ bằng bất cứ giá nào vì bất cứ sự xói mòn nào của nó đều gây bất lợi cho nhu cầu toàn cầu.

Tuy nhiên, các vấn đề lại nảy sinh từ chính việc khẳng định tính hợp pháp đó.

Lịch sử nước Mỹ ghi lại một cách sinh động việc sử dụng vũ lực không cân xứng đối với các quốc gia khác để duy trì sự tồn tại của tính hợp pháp của Mỹ trong việc đặt ra các quy tắc toàn cầu.

Không có gì ngạc nhiên khi Mỹ có được tính hợp pháp thông qua việc triển khai các công cụ quân sự và phi quân sự từng hoạt động song song kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới lần hai.

Phần còn lại của thế giới chấp nhận vũ khí hóa chính sách đối ngoại và sự kiểm soát đối với các mạng lưới kiểm soát dòng chảy thương mại toàn cầu của Mỹ như một việc đã rồi.

Trong những năm gần đây, một số yếu tố đã kết hợp để tạo ra một tình trạng thay đổi liên tục trong cán cân quyền lực toàn cầu.

Điều quan trọng nhất trong số các yếu tố này là sự nổi lên của trật tự đa cực, theo nhiều cách khác nhau để đánh giá sức mạnh quốc gia. Mỹ không còn đứng đầu thế giới về các lĩnh vực khoa học, công nghệ, tiện nghi đô thị và lối sống.

Lập luận của Nye cho rằng việc lạm dụng thuế quan như thứ vũ khí thương mại làm giảm sự hiệu quả của chúng và buộc các quốc gia và các công ty phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ là một chính sách đúng một nửa.

Chỉ những quốc gia hoặc công ty được hưởng các lợi thế cạnh tranh cốt lõi mới vượt qua tình huống khó khăn, khả năng cạnh tranh của họ không bị ảnh hưởng sau khi bị Mỹ áp thuế cao hơn.

Mặt khác, việc áp thuế là bắt buộc đối với Mỹ để tạo điều kiện cho ngành công nghiệp của họ có thêm thời gian để gia tăng sức cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.

Ví dụ, do Trung Quốc đã nhận thức đầy đủ về những hiểm họa khi dựa vào các mạch tích hợp (IC) có nguồn gốc từ Mỹ ngay từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước, họ đã bắt đầu nỗ lực tự cung tự cấp.

Nhờ vậy, các công ty Trung Quốc, chủ yếu là những công ty liên quan đến sản xuất IC cho thiết bị di động, đã đạt được bước đột phá đáng kể từ rất lâu trước khi bước sang năm 2019, khi Mỹ tuyên bố trừng phạt các công ty cung cấp linh kiện công nghệ cao cho Huawei.

Những tiến bộ nhanh chóng được ghi nhận trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc là do đầu tư vào khu vực công và tư kết hợp và tập trung, không giống như ở Mỹ.

Ngay cả trong lĩnh vực được gọi là đổi mới quy trình, quá thất vọng với các công ty của Mỹ, bộ ba Baidu, Alibaba và Tencent (BAT) đã chứng minh rằng các công ty công nghệ bên ngoài nước Mỹ cũng có khả năng đổi mới mô hình kinh doanh.

Trung Quốc cũng cách mạng hóa tài chính kỹ thuật số nhiều năm trước khi các công ty Mỹ nắm bắt được tầm quan trọng của nó.

Sự tương phản rõ trong chính sách đầu tư vào khoa học và công nghệ ở châu Á so với đầu tư của các chính quyền nối tiếp ở Mỹ đang làm xói mòn uy thế của Mỹ.

Theo một số nhà quan sát, ngay cả Thung lũng Silicon được ca tụng nhiều cũng đã ngừng đổi mới, và hiện nay những đột phá công nghệ lớn hàng đầu có vẻ như đến từ châu Á nhiều hơn.

Hiện tại, công ty công nghệ quan trọng nhất của Mỹ là Apple, không phải là doanh nghiệp khắc phục các vấn đề STEM cơ bản phức tạp (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), mà chủ yếu là nhà cung cấp các sản phẩm về phong cách sống.

Joseph Nye lập luận rằng việc sử dụng thường xuyên mạng lưới phức tạp các hệ thống mà Mỹ đã phát triển buộc các nước phải tìm kiếm một giải pháp thay thế. Lập luận này một lần nữa lại chỉ đúng một nửa.

Các quốc gia tìm kiếm những lựa chọn khác cho các hệ thống toàn cầu hiện tại - chẳng hạn như hệ thống thanh toán SWIFT - nếu họ có đủ khả năng và nhận thấy mối đe dọa hiện hữu do quá phụ thuộc vào các hệ thống đó.

Người Nhật không bao giờ nghĩ rằng họ cần thay thế hệ thống thanh toán liên ngân hàng SWIFT, mặc dù có các nguồn lực kỹ thuật và tài chính cần thiết để làm điều đó. Tuy nhiên, mặc dù thực tế là Triều Tiên muốn có hệ thống thanh toán riêng, họ đã không làm gì.

Điều này là do sự phụ thuộc vào hệ thống SWIFT không phải là mối đe dọa hiện hữu đối với Nhật Bản, nhưng nó bần cùng hóa Triều Tiên, quốc gia vốn thiếu tiền để tạo ra một sự thay thế.

Trái ngược hoàn toàn, việc phụ thuộc quá nhiều vào SWIFT là mối đe dọa đối với Trung Quốc và người Trung Quốc có thể dễ dàng nghĩ ra hệ thống thanh toán xuyên biên giới của riêng họ.

Nếu phong cách của ông Trump không quá gây tổn thương và lập dị, có lẽ việc ông không có chương trình nghị sự chiến tranh sẽ được khen ngợi, nếu không phải là sự ngưỡng mộ từ khắp nơi trên thế giới.

Chiến tranh thương mại gần như không gây thiệt hại như xung đột quân sự, và chúng mang đến cơ hội cho các cuộc đàm phán bí mật, và cả hai phía đều tuyên bố giành "chiến thắng."

Ông Trump - hoặc bất kỳ tổng thống Mỹ nào trong tương lai - phải chấp nhận cán cân quyền lực toàn cầu đang thay đổi và sự suy giảm tương đối của Mỹ. Vấn đề nan giải đặt ra khi phải cố gắng can đảm đối mặt với mọi việc đồng thời phải nhanh chóng giải quyết sự giảm sút quyền lực tối cao của Mỹ là một trở ngại mà tất cả các tổng thống Mỹ trong tương lai sẽ phải đối mặt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục