Trong nỗi đau chung của cả dân tộc khi tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nơi an nghỉ cuối cùng, ở bất cứ bản, làng nào của xã Mường Phăng (tỉnh Điện Biên) cũng treo cờ rủ trên nóc nhà sàn, bên cạnh biểu tượng Khau-cút đặc trưng của dân tộc Thái. Người dân ở Mường Phăng dù là dân tộc Khơ-mú, Thái, Kinh, Mông… đều dành trọn niềm tiếc thương, tưởng nhớ, tri ân sâu sắc đến Đại tướng.
Gần 5 giờ sáng 13/10, hàng chục hộ gia đình người dân tộc Thái sống trong những căn nhà sàn vắt vẻo giữa lưng chừng núi đã gọi nhau thức giấc, bật sáng điện... Không chuẩn bị những nông cụ cho lần ngược núi lên nương, xuống ruộng, cũng chẳng phải đồ nếp làm xôi chuẩn bị cho một ngày mùa bận bịu, người dân thức dậy chỉ làm một việc đơn giản: nổi lên những bếp lửa than sưởi ấm và... chờ sáng.
Nhà cách đường liên xã hơn 200m, chị Lò Thị Mển, bản Co Cượm cho biết: “Hôm nay, mình và người dân trong bản dậy sớm để đi về “Hầm Đại tướng” (Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ) viếng Đại tướng. Hôm qua mình đi rồi. Hôm nay mình đi nữa để được thắp hương, nhìn Đại tướng qua di ảnh…”
Trong lúc chờ cái lạnh của núi rừng Mường Phăng dịu đi, con đường dẫn về Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ loãng sương đêm, chị Mển chia sẻ, chị và bà con trong bản biết ơn Đại tướng lắm. Nhờ có sự quan tâm của Đại tướng mà Mường Phăng có những công trình phục vụ đời sống, dân sinh quan trọng, giúp người dân có kinh tế khá hơn. Con gái chị và nhiều con trẻ được đi học ở Trường tiểu học số 3 cũng là công sức mà “Bác Giáp” và gia đình tặng người dân trong xã.
Đường dẫn về các bản, làng, từng dòng người mặc những bộ quần áo truyền thống của dân tộc mình, trên tay cầm những bông cúc vàng, cúc trắng, thầm lặng nối nhau đổ ra trục đường chính để tìm về “hầm Đại tướng.” Trên 2 trục đường chính Noong Bua - Mường Phăng và Nà Nhạn - Mường Phăng dẫn về Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ (nơi tổ chức lễ viếng Đại tướng) là dòng người di chuyển về phía rừng Đại tướng trong lặng lẽ.
Cả những đoàn xe ôtô mang biển số của các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Hà Nội... hướng về Mường Phăng. Tất cả những chiếc ôtô này đều chạy chậm, không vượt nhau, không sử dụng còi vì đều không muốn chạm đến không khí linh thiêng, thành kính bao trùm khu vực lòng chảo Mường Thanh. Như tỏ lòng tiếc thương Đại tướng, lòng hồ Pa Khoang thẳm xanh một màu nhưng vắng thuyền bè xuôi ngược, tịnh tiếng gõ thuyền, gác chèo, khua cá của ngư dân. Núi Pú Huốt - nơi cách đây 59 năm trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đài quan sát của quân đội ta đặt trên đỉnh cũng như muốn vươn cao hơn để vọng ngóng về Sở chỉ huy Chiến dịch, nhìn xuống lán làm việc của Đại tướng.
Lễ Quốc tang Đại tướng tại Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ bước sang ngày thứ hai nhưng nhân dân trên địa bàn xã, khách trong và ngoài tỉnh đổ về vẫn rất đông. Tại nhà Điều hành của Khu di tích, từng dòng người nối nhau vào viếng Đại tướng trong không khí trang nghiêm, thành kính. Cứ thêm một đoàn người vào viếng là đại ngàn rừng già Mường Phăng lại nhuốm thêm tĩnh buồn, khói hương bảng lảng, lẩn quất dưới những tán rừng già trên con đường dẫn sâu vào Lán làm việc năm nào của Đại tướng.
Cụ Lù Thị Đôi năm nay đã 100 tuổi, run run bước chân trần được hai cháu gái dìu vào viếng Đại tướng. Nhìn thấy di ảnh Đại tướng, cụ nghẹn ngào rồi bật khóc. Cụ Đôi đã vinh dự được gặp Đại tướng 3 lần, là người được đích thân Đại tướng giao nhiệm vụ dẫn đơn vị công binh đi khảo sát địa hình để xây dựng Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. A nh Lò Văn Ánh, nhân viên khu Di tích, cũng là người thân của cụ Đôi cho biết, từ ngày 12/10, cụ Đôi đã ba lần viếng Đại tướng. Biết cụ tuổi cao, sức khỏe yếu, con cháu cũng khuyên nhủ nhưng ngày nào cụ cũng nhất quyết đến viếng Đại tướng.
Rời khỏi bàn thờ viếng Đại tướng, anh Đỗ Văn Khôi, Phó Bí thư Huyện đoàn Điện Biên xúc động: "Cán bộ đoàn và toàn thể các bạn đoàn viên thanh niên không chỉ ở Điện Biên mà đoàn viên thanh niên cả nước những ngày này đều tưởng nhớ đến Đại tướng. Tuổi trẻ Điện Biên thành tâm kính cẩn nghiêng mình trước vị Đại tướng vĩ đại của dân tộc và nguyện phấn đấu, noi gương Đại tướng, cố gắng rèn luyện, học tập để không phụ lòng mong mỏi của Đại tướng."
Hàng ngàn dòng chữ trên cuốn Sổ tang trong Lễ viếng Đại tướng mà người dân, khách thập phương để lại cũng đã nói hết tâm tư, ý nguyện, niềm tiếc thương, lòng biết ơn vô hạn trước sự ra đi của Đại tướng: "... Cụ vẫn sống mãi trong trái tim của mọi người dân xã Mường Phăng. Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của Đại tướng;" "Chúng con kính cẩn viếng vị Đại tướng vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Chúng con nguyện suốt đời học tập và noi theo tấm gương suốt đời hiến dâng vì sự nghiệp thống nhất đất nước của Người...;" "... Đại tướng ra đi là một tổn thất vô cùng lớn lao của Đảng, toàn quân và toàn dân tộc. Chúng cháu vô cùng biết ơn và ghi nhớ công lao to lớn của Đại tướng, chúng cháu quyết tâm học tập, phấn đấu theo gương của Đại tướng..."
Chiều khép lại trên thung lũng Mường Phăng những ngày này dường như đến muộn hơn. Ngọn Pú Huốt như cố níu kéo lại những tia nắng cuối ngày để những dòng người vẫn nối tiếp hướng về Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ viếng Đại tướng./.
Gần 5 giờ sáng 13/10, hàng chục hộ gia đình người dân tộc Thái sống trong những căn nhà sàn vắt vẻo giữa lưng chừng núi đã gọi nhau thức giấc, bật sáng điện... Không chuẩn bị những nông cụ cho lần ngược núi lên nương, xuống ruộng, cũng chẳng phải đồ nếp làm xôi chuẩn bị cho một ngày mùa bận bịu, người dân thức dậy chỉ làm một việc đơn giản: nổi lên những bếp lửa than sưởi ấm và... chờ sáng.
Nhà cách đường liên xã hơn 200m, chị Lò Thị Mển, bản Co Cượm cho biết: “Hôm nay, mình và người dân trong bản dậy sớm để đi về “Hầm Đại tướng” (Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ) viếng Đại tướng. Hôm qua mình đi rồi. Hôm nay mình đi nữa để được thắp hương, nhìn Đại tướng qua di ảnh…”
Trong lúc chờ cái lạnh của núi rừng Mường Phăng dịu đi, con đường dẫn về Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ loãng sương đêm, chị Mển chia sẻ, chị và bà con trong bản biết ơn Đại tướng lắm. Nhờ có sự quan tâm của Đại tướng mà Mường Phăng có những công trình phục vụ đời sống, dân sinh quan trọng, giúp người dân có kinh tế khá hơn. Con gái chị và nhiều con trẻ được đi học ở Trường tiểu học số 3 cũng là công sức mà “Bác Giáp” và gia đình tặng người dân trong xã.
Đường dẫn về các bản, làng, từng dòng người mặc những bộ quần áo truyền thống của dân tộc mình, trên tay cầm những bông cúc vàng, cúc trắng, thầm lặng nối nhau đổ ra trục đường chính để tìm về “hầm Đại tướng.” Trên 2 trục đường chính Noong Bua - Mường Phăng và Nà Nhạn - Mường Phăng dẫn về Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ (nơi tổ chức lễ viếng Đại tướng) là dòng người di chuyển về phía rừng Đại tướng trong lặng lẽ.
Cả những đoàn xe ôtô mang biển số của các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Hà Nội... hướng về Mường Phăng. Tất cả những chiếc ôtô này đều chạy chậm, không vượt nhau, không sử dụng còi vì đều không muốn chạm đến không khí linh thiêng, thành kính bao trùm khu vực lòng chảo Mường Thanh. Như tỏ lòng tiếc thương Đại tướng, lòng hồ Pa Khoang thẳm xanh một màu nhưng vắng thuyền bè xuôi ngược, tịnh tiếng gõ thuyền, gác chèo, khua cá của ngư dân. Núi Pú Huốt - nơi cách đây 59 năm trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đài quan sát của quân đội ta đặt trên đỉnh cũng như muốn vươn cao hơn để vọng ngóng về Sở chỉ huy Chiến dịch, nhìn xuống lán làm việc của Đại tướng.
Lễ Quốc tang Đại tướng tại Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ bước sang ngày thứ hai nhưng nhân dân trên địa bàn xã, khách trong và ngoài tỉnh đổ về vẫn rất đông. Tại nhà Điều hành của Khu di tích, từng dòng người nối nhau vào viếng Đại tướng trong không khí trang nghiêm, thành kính. Cứ thêm một đoàn người vào viếng là đại ngàn rừng già Mường Phăng lại nhuốm thêm tĩnh buồn, khói hương bảng lảng, lẩn quất dưới những tán rừng già trên con đường dẫn sâu vào Lán làm việc năm nào của Đại tướng.
Cụ Lù Thị Đôi năm nay đã 100 tuổi, run run bước chân trần được hai cháu gái dìu vào viếng Đại tướng. Nhìn thấy di ảnh Đại tướng, cụ nghẹn ngào rồi bật khóc. Cụ Đôi đã vinh dự được gặp Đại tướng 3 lần, là người được đích thân Đại tướng giao nhiệm vụ dẫn đơn vị công binh đi khảo sát địa hình để xây dựng Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. A nh Lò Văn Ánh, nhân viên khu Di tích, cũng là người thân của cụ Đôi cho biết, từ ngày 12/10, cụ Đôi đã ba lần viếng Đại tướng. Biết cụ tuổi cao, sức khỏe yếu, con cháu cũng khuyên nhủ nhưng ngày nào cụ cũng nhất quyết đến viếng Đại tướng.
Rời khỏi bàn thờ viếng Đại tướng, anh Đỗ Văn Khôi, Phó Bí thư Huyện đoàn Điện Biên xúc động: "Cán bộ đoàn và toàn thể các bạn đoàn viên thanh niên không chỉ ở Điện Biên mà đoàn viên thanh niên cả nước những ngày này đều tưởng nhớ đến Đại tướng. Tuổi trẻ Điện Biên thành tâm kính cẩn nghiêng mình trước vị Đại tướng vĩ đại của dân tộc và nguyện phấn đấu, noi gương Đại tướng, cố gắng rèn luyện, học tập để không phụ lòng mong mỏi của Đại tướng."
Hàng ngàn dòng chữ trên cuốn Sổ tang trong Lễ viếng Đại tướng mà người dân, khách thập phương để lại cũng đã nói hết tâm tư, ý nguyện, niềm tiếc thương, lòng biết ơn vô hạn trước sự ra đi của Đại tướng: "... Cụ vẫn sống mãi trong trái tim của mọi người dân xã Mường Phăng. Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của Đại tướng;" "Chúng con kính cẩn viếng vị Đại tướng vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Chúng con nguyện suốt đời học tập và noi theo tấm gương suốt đời hiến dâng vì sự nghiệp thống nhất đất nước của Người...;" "... Đại tướng ra đi là một tổn thất vô cùng lớn lao của Đảng, toàn quân và toàn dân tộc. Chúng cháu vô cùng biết ơn và ghi nhớ công lao to lớn của Đại tướng, chúng cháu quyết tâm học tập, phấn đấu theo gương của Đại tướng..."
Chiều khép lại trên thung lũng Mường Phăng những ngày này dường như đến muộn hơn. Ngọn Pú Huốt như cố níu kéo lại những tia nắng cuối ngày để những dòng người vẫn nối tiếp hướng về Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ viếng Đại tướng./.
Xuân Tiến-Xuân Tư (Vietnam+)