Nước Đức đang dần khẳng định đường lối tự chủ chiến lược

Là một trong những đồng minh châu Âu chủ chốt của Mỹ, Đức đang khám phá phiên bản tự chủ chiến lược của riêng mình, một phiên bản khiêm tốn và thực dụng, không chỉ cho chính họ mà cho cả châu Âu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) trong cuộc gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Bắc Kinh, ngày 4/11 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng chinausfocus.com, chuyến công du mới đây của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đến Trung Quốc đã làm dấy lên mối lo ngại trong cộng đồng quốc tế.

Ông là nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên thăm Trung Quốc kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát và vào thời điểm Washington đang gia tăng áp lực lên Bắc Kinh.

Riêng trong tháng 10 vừa qua, Mỹ đã 3 lần liên tiếp gửi tín hiệu thắt chặt các hạn chế đối với Trung Quốc. Hôm 7/10, Mỹ đã đưa ra các hạn chế mới ngăn Trung Quốc tiếp cận công nghệ bán dẫn tiên tiến và các thiết bị được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn, đồng thời yêu cầu các đồng minh của Mỹ cũng phải tuân thủ luật chơi.

Tiếp đó, trong báo cáo Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2022 công bố ngày 12/10, Trung Quốc được định nghĩa là một cường quốc “độc tài,” “theo chủ nghĩa xét lại” và là “đối thủ cạnh tranh duy nhất có ý định định hình lại trật tự quốc tế và đang gia tăng sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để thúc đẩy mục tiêu đó.”

Báo cáo nêu rõ Trung Quốc đặt ra “thách thức địa chính trị lớn nhất đối với Mỹ.” Đến ngày 27/10, Bộ Quốc phòng Mỹ lại công bố báo cáo “Đánh giá tình hình hạt nhân năm 2022,” thẳng thừng cáo buộc Trung Quốc đặt ra các mối đe dọa hạt nhân.

Nhìn lại những năm gần đây, không thể tránh khỏi việc quan hệ Trung Quốc-Mỹ xấu đi sẽ tác động tiêu cực đến quan hệ của Trung Quốc với Đức nói riêng và với Liên minh châu Âu (EU) nói chung.

[Chủ tịch Trung Quốc tiến hành hội đàm với Thủ tướng Đức]

Trước chuyến thăm của ông Scholz đến Trung Quốc, những tranh cãi đã nổ ra ngay tại Đức. Theo đó, đáng lẽ Thủ tướng Đức có thể sắp xếp để gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, thay vì phải bay 2 lần sang châu Á trong vòng hai tuần.

Do đó, công bằng mà nói, chuyến thăm của Scholz thể hiện quyết tâm chính trị của Thủ tướng Đức nhằm thể hiện quyền tự chủ chiến lược của Berlin và tạo cơ hội cho Trung Quốc và châu Âu tìm kiếm cách thức giải quyết các mối quan hệ giữa Trung Quốc, Mỹ và châu Âu.

Trước hết, việc Đức thể hiện quyền tự chủ không phải do một học thuyết ngoại giao bị chủ nghĩa trọng thương chi phối thúc đẩy, mà nó được quyết định bởi việc nước này nhận thấy những thay đổi chính trị và kinh tế toàn cầu.

Quan hệ kinh tế và thương mại chắc chắn là nền tảng của mối quan hệ Trung Quốc-Đức. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong 6 năm liên tiếp. Có khoảng 7.000 công ty Đức đang hoạt động tại Trung Quốc và khoảng 2.000 công ty Trung Quốc có trụ sở tại Đức. Mỗi lần các nhà lãnh đạo Đức đến thăm Trung Quốc, họ đều mang theo một phái đoàn các doanh nghiệp lớn.

Tuy nhiên, nếu chỉ coi chủ nghĩa trọng thương là động lực chính trong chính sách của Đức đối với Trung Quốc sẽ sức nông cạn. Điều quan trọng hơn là nhận thức của Đức về bối cảnh toàn cầu nói chung và lợi ích lâu dài của chính họ.

Trong một bài viết về chuyến thăm Trung Quốc được đăng trên tờ The Frankfurter Allgemeine Zeitung, ông Scholz viết: “Các trung tâm quyền lực mới đang nổi lên trong một thế giới đa cực và chúng tôi hướng tới thiết lập và mở rộng quan hệ đối tác với tất cả các trung tâm đó.”

Trong cuộc gặp với Tập Cận Bình, Thủ tướng Đức nhắc lại rằng một thế giới đa cực là cần thiết, trong đó các quốc gia mới nổi đáng được chú ý về vai trò và ảnh hưởng của họ. Đó không chỉ là cách nói ngoại giao đơn thuần mà còn là một phản ứng đối với một thế giới đang thay đổi.

Đức - một câu chuyện thành công về một quốc gia nổi lên từ cuộc cách mạng công nghiệp - sẽ đánh mất khả năng cạnh tranh về kinh tế và công nghệ nếu ngủ quên trên vòng nguyệt quế. Các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Trung Quốc, đang hoạt động hiệu quả hơn so với các nước phát triển về nhiều mặt trong quá trình công nghiệp hóa hiện nay, bao gồm công nghệ kỹ thuật số và xe điện.

Công nhân lắp ráp ôtô tại một nhà máy của hãng Volkswagen ở Chattanooga, Đức. (Ảnh: AP/TTXVN)

Nếu Đức chọn cách tách rời, nước này sẽ không chỉ mất thị trường mà còn mất cả cơ hội cạnh tranh và đổi mới. Đối với Đức, trở thành một kênh liên lạc giữa các nước phát triển và các nước mới nổi sẽ là phù hợp nhất với lợi ích của nước này.

Thứ hai, logic về quyền tự chủ chiến lược của Đức là một phần của quyền tự chủ chiến lược châu Âu - nhưng khá khiêm tốn và thực dụng. Không giống như Pháp kêu gọi quyền tự chủ chiến lược của châu Âu một cách rầm rộ, thuật ngữ này hiếm khi được thấy trong các tài liệu chính thức của Đức hoặc được Scholz sử dụng.

Scholz viết: “Chính sách Trung Quốc của Đức chỉ có thể thành công khi nó được tích hợp vào chính sách của châu Âu đối với Trung Quốc,” đồng thời cho biết thêm rằng ông đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác châu Âu, bao gồm cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Việc ông trở thành lãnh đạo phương Tây đầu tiên gặp trực tiếp Chủ tịch Trung Quốc sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc tự nó đã thu hút các quốc gia thành viên EU khác.

Đối với EU, việc tách rời chính trị khỏi Trung Quốc không thể giải quyết những khác biệt của khối mà có thể dẫn đến việc mất đi các kênh liên lạc. Từ quan điểm này, việc duy trì liên lạc với các quan chức hàng đầu của Trung Quốc cho thấy ý định của Đức là đóng vai trò cầu nối giữa EU và Trung Quốc. Trong khi đó, sự hiểu biết và ủng hộ từ các quốc gia thành viên EU khác ở một mức độ nào đó có thể làm giảm áp lực chiến lược từ Mỹ.

Thứ ba, cần lưu ý rằng Đức đang củng cố quyền tự chủ chiến lược của họ mà không để ý đến cảm xúc của Washington. Vài ngày trước chuyến thăm Trung Quốc của Scholz, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã thăm Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tại Nhật Bản, ông nhấn mạnh sự hợp tác với các quốc gia chia sẻ các giá trị dân chủ, cũng như việc Đức tăng cường hợp tác quốc phòng với quốc gia châu Á này.

Ngoài ra, ngày 10/11, Đức và Nhật Bản đã tổ chức Cuộc gặp 2+2 (giữa các bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao) lần thứ hai. Những hành động này phù hợp với khuynh hướng tư tưởng “dân chủ chống chuyên quyền” của chính quyền Biden. Tăng cường hợp tác quốc phòng với đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở châu Á cũng phù hợp với khái niệm “răn đe tổng hợp” của Washington.

Là một trong những đồng minh châu Âu chủ chốt của Mỹ, Đức đang khám phá phiên bản tự chủ chiến lược của riêng mình, một phiên bản khiêm tốn và thực dụng, không chỉ cho chính họ mà cho cả châu Âu. Chính sách Trung Quốc của Đức sẽ là một hòn đá tảng quan trọng trong chuyến “thám hiểm” này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục