Ngày 27/5, Bỉ đã khởi động một tiến trình chính trị khó khăn là thành lập một chính phủ liên minh mới sau cuộc bầu cử ngày 26/5, với kết quả thể hiện sự chia rẽ sâu sắc giữa những người nói tiếng Hà Lan ở miền Bắc và những người nói tiếng Pháp ở miền Nam.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Nhà vua Philippe của Bỉ đã tham vấn ý kiến các nhà lãnh đạo các chính đảng khác nhau về triển vọng hình thành một liên minh lãnh đạo mới và yêu cầu Thủ tướng mãn nhiệm Charles Michel chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề của đất nước trong thời điểm hiện tại.
Trong cuộc gặp với Nhà vua Bỉ, Chủ tịch đảng Liên minh Flander mới (N-VA) Bart De Wever bày tỏ ông không rõ liệu lực lượng cánh tả nói tiếng Pháp và những người cánh hữu nói tiếng Hà Lan có thể tìm ra được cách thức làm việc cùng nhau hay không.
Liên minh cầm quyền ở Bỉ đã sụp đổ vào cuối năm 2018 và để ông Michel phụ trách một chính quyền tạm thời. Với nền kinh tế bùng nổ, người dân vùng Flanders nói tiếng Hà Lan theo truyền thống bỏ phiếu cho cánh hữu, trong khi đảng Xã hội là lực lượng chính trị lớn tại thủ đô Brussels và vùng nói tiếng Pháp hậu công nghiệp Wallonie, nơi đang phải chứng kiến một tỉ lệ thất nghiệp cao.
Chưa bao giờ hai đảng cực tả và cực hữu của Bỉ lại gặt hái được nhiều thành công như lần này, khi đảng cực hữu Vlaams Belang chiếm 18 ghế và đảng Lao động PTB cực tả giành được 12 ghế trên tổng số 150 ghế nghị sỹ liên bang của Bỉ. Trong khi đó, các đảng Xã hội, Dân chủ Thiên chúa giáo và Tự do đều bị mất khá nhiều ghế trong tất cả các cuộc bầu cử ngày 26/5 từ cấp khu vực, liên bang tới Nghị viện châu Âu (EP).
Về lý thuyết, một liên minh gồm các đảng Xã hội (29 nghị sỹ), Tự do (26 nghị sỹ) và Xanh (21 nghị sỹ) có thể tạo thành đa số với 76 ghế tại Nghị viện liên bang Bỉ. Một liên minh như vậy từng tồn tại trong quá khứ, nhưng lần này có nguy cơ vướng mắc trong việc thỏa hiệp về chính sách thuế.
Nước Bỉ đã từng trải qua kỷ lục 541 ngày hồi năm 2010-2011 mới có thể thành lập chính phủ trong bối cảnh sự chia rẽ sâu sắc giữa những người nói tiếng Hà Lan ở Flanders và người nói tiếng Pháp ở Brussels và Wallonie.
Một số nhà chính trị học cho biết họ không hề muốn chứng kiến một sự bế tắc kéo dài tương tự và nhấn mạnh, vấn đề giờ đây phụ thuộc rất nhiều vào khả năng của Nhà vua Philippe trong việc giảm bớt sự chia rẽ Bắc-Nam bằng cách làm trung gian cho các cuộc đàm phán giữa lãnh đạo các đảng./.