Nước Anh lần đầu vắng mặt trong top 10 nhà sản xuất lớn nhất thế giới

Make UK kêu gọi chính phủ áp dụng một chiến lược công nghiệp chính thức, theo đó tập trung và hỗ trợ các lĩnh vực thế mạnh của Anh như hàng không vũ trụ, dược phẩm, sản xuất ôtô hạng sang.
Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất thép ở Port Talbot, Wales, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phân tích số liệu chính thức của Make UK, tổ chức đại diện các nhà sản xuất Vương quốc Anh, cho hay với sản lượng 259 tỷ USD/năm, nước này đã tụt xuống vị trí thứ 12 trong bảng xếp hạng các nhà sản xuất lớn nhất thế giới.

Đây là lần đầu tiên Anh không đứng trong top 10 các nhà sản xuất hàng đầu thế giới. Năm 2000, Anh đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng.

Với thứ hạng này, Anh xếp sau Mexico, quốc gia vươn lên vị trí thứ 7 với sản lượng 316 tỷ USD; cũng như Nga (287 tỷ USD), Italy (283 tỷ USD), và Pháp (265 tỷ USD). Đài Loan (Trung Quốc) cũng vượt Anh nhờ sự thống trị toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất chip.

Trung Quốc vẫn đứng đầu bảng xếp hạng với sản lượng trị giá 5.060 tỷ USD, chiếm gần 1/3 sản lượng toàn cầu. Mỹ đứng thứ 2 với 2.700 tỷ USD.

Giám đốc điều hành Make UK, ông Stephen Phipson cảnh báo số liệu mới nhất cho thấy chính phủ cần hành động khẩn cấp nếu Anh muốn giữ vững vị trí trên bảng xếp hạng các quốc gia sản xuất hàng đầu.

Make UK kêu gọi chính phủ áp dụng một chiến lược công nghiệp chính thức, theo đó tập trung và hỗ trợ các lĩnh vực thế mạnh của Anh như hàng không vũ trụ, dược phẩm, sản xuất ôtô hạng sang và các công nghệ tiên tiến như Trí tuệ Nhân tạo, lò phản ứng module hạt nhân nhỏ (SMR), máy tính lượng tử và turbine gió nổi ngoài khơi.

Tỷ trọng sản xuất trong nền kinh tế Anh đã giảm mạnh trong ba thập kỷ qua khi nước này tập trung nhiều hơn vào dịch vụ. Sản xuất chiếm 17% nền kinh tế Anh trong năm 1990, nhưng hiện chỉ chiếm 9,4%, theo số liệu chính thức.

Phân tích của Make UK dựa trên số liệu chính thức của các quốc gia năm 2022 (năm mới nhất có số liệu), cho thấy thách thức mà Thủ tướng Keir Starmer phải đối mặt khi ông tìm cách cải tổ ngành sản xuất và thu hút đầu tư vào các công nghệ tương lai như ôtô điện, pin và turbine gió, cũng như các lĩnh vực truyền thống như thép và quốc phòng.

Tân thủ tướng Anh cam kết sẽ thực hiện cách tiếp cận can thiệp nhiều hơn với một chiến lược công nghiệp và đầu tư vào cơ sở hạ tầng như cảng và các tổ hợp nhà máy sản xuất pin thông qua Quỹ tài sản quốc gia trị giá 7 tỷ bảng (khoảng 9 tỷ USD).

Là một phần trong “sứ mệnh” của chính phủ mới, ông Starmer cam kết đưa Anh trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này, chính phủ sẽ phải cải thiện năng suất cơ bản của nền kinh tế để có thể tăng sản lượng bình quân đầu người.

Tăng trưởng năng suất của Anh giảm mạnh kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, chỉ đứng ở mức 0,4%/năm kể từ năm 2007 so với mức trung bình 2,3%/năm trong ba thập kỷ trước đó.

Theo tổ chức tư vấn Resolution Foundation, nước Anh chưa từng trải qua giai đoạn tăng trưởng chậm như vậy kể từ năm 1826./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục