Nước Anh đối mặt với năm vấn đề nổi cộm trong năm 2017

Giới phân tích dự báo năm vấn đề thời sự của nước Anh trong năm 2017 trong đó có thời điểm kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, tác động tiêu cực của Brexit và thời điểm tiến hành tổng tuyển cử.
Nước Anh đối mặt với năm vấn đề nổi cộm trong năm 2017 ảnh 1Tòa nhà Hạ viện Anh ở thủ đô London. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giới phân tích dự báo năm vấn đề thời sự của nước Anh trong năm 2017 là thời điểm kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon để Anh khởi động tiến trình đàm phán rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, các cuộc bầu cử ở châu Âu, các ngân hàng lớn rút khỏi Anh, người Anh bắt đầu cảm nhận được tác động tiêu cực của Brexit với nền kinh tế và liệu Xứ sở Sương mù có tiến hành tổng tuyển cử trong năm nay hay không.

Liên quan vấn đề đầu tiên, Tòa Thượng thẩm của Anh cuối tháng Một này mới ra phán quyết về việc liệu chính phủ của Thủ tướng Theresa May có cần phải được Quốc hội chấp thuận để có thể kích hoạt Điều 50 hay không. Tuy vậy, theo nhận định ngày 3/1 của báo Financial Times, nhà lãnh đạo Anh sẽ giữ đúng cam kết kích hoạt Điều 50 vào cuối tháng Ba tới vì nhiều khả năng các nghị sĩ Quốc hội sẽ không bỏ phiếu đi ngược lại kết quả của cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng 6/2016.

Năm 2017 là năm diễn ra các cuộc bầu cử tại Hà Lan vào tháng Ba, Pháp tháng Tư và Đức vào mùa Thu. Nhiều cuộc thăm dò cho thấy các đảng cực hữu của Anh dường như đang nhận được nhiều sự ủng hộ của các cử tri tại ba quốc gia này và điều đó gửi đi một thông điệp: chính sách nhập cư tại châu Âu sẽ được siết chặt hơn. Tuy vậy, kết quả của các cuộc bầu cử nói trên sẽ không ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán Brexit giữa Anh và EU trong năm nay.

Một chủ đề nóng đang được chính giới và truyền thông Anh quan tâm là ngay trong năm nay có xảy ra khả năng các ngân hàng lớn sẽ rút một phần hoạt động hoặc trụ sở của họ tại London chuyển sang các nước EU khác hay không.

Theo các nhà phân tích, điều này chắc chắn sẽ xảy ra vì trước Giáng sinh đã có nhiều dấu hiệu cho thấy một số thể chế tài chính tại Anh đang chuẩn bị di rời.

Hồi tháng 12 vừa qua, Hãng Bảo hiểm LLoyd's của Anh trở thành tập đoàn lớn đầu tiên tại Khu tài chính London công bố kế hoạch dịch chuyển một số hoạt động sang EU.

Các hãng tài chính của Nhật Bản tại Anh cũng thông báo bắt đầu chuyển một số hoạt động hiện nay ở Anh sang nước khác trong sáu tháng tới. Trong khi đó, Trưởng bộ phận phụ trách vấn đề Brexit của công ty tư vấn dịch vụ tài chính PwC, Andrew Gray cho biết PwC sẽ ra tuyên bố liên quan vấn đề này vào cuối tháng sau.

Giới phân tích nhận định người dân Anh có thể sẽ bắt đầu cảm nhận được tác động tiêu cực từ Brexit đến nền kinh tế trong năm nay. Trong khi đó, báo Financial Times công bố kết quả thăm dò quan điểm của 122 chuyên gia kinh tế cho biết đa số đều đánh giá tăng trưởng kinh tế Anh năm 2017 sẽ chậm lại đáng kể, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng, lạm phát tăng và các doanh nghiệp tạm ngưng đầu tư do Brexit.

Dù các số liệu mới đây cho thấy đồng bảng Anh giảm giá sẽ thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu, nhưng đa số các nhà kinh tế học nói trên đều dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ giảm từ 2,1% năm 2016 xuống khoảng 1,5% trong năm nay.

Giới phân tích cũng cho rằng hầu như không có khả năng sẽ diễn ra bầu cử bất ngờ trong năm 2017 vì Thủ tướng Theresa May cần cân nhắc kỹ lưỡng và muốn để ngỏ khả năng kêu gọi tiến hành bầu cử sớm vào năm 2018, thời điểm mà sau đó Chính phủ Anh dự kiến sẽ hoàn tất thỏa thuận với EU về vấn đề Brexit./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục