Núi lửa Ulawun ở Papua New Guinea đã phun trào sáng sớm 1/10, tạo ra cột nham thạch đỏ bốc lên cao, khiến những người dân sống trong vùng vừa trở về sau đợt sơ tán trong lần phun trào gần đây của núi lửa này lại phải rời đi.
Giới chức Đài quan sát núi lửa Rabaul của Papua New Guinea cho biết hoạt động địa chấn đã bắt đầu diễn ra từ trưa 30/9 trước khi núi lửa Ulawun phun trào ngay trước bình minh, người ta có thể nhìn thấy cột sáng đỏ cao gần 100 mét từ chân núi lửa. Những đám mây tro bụi cuồn cuộn bốc lên cao hàng trăm mét, trong khi người dân trong vùng có thể nghe thấy tiếng khí ga phun và dung nham chảy. Trạm quan sát núi lửa Ulamona cho biết tro bụi có thể ảnh hưởng tới thủ phủ Kimbe của tỉnh Tây New Britain.
[Papua New Guinea: Cảnh báo núi lửa Ulawun phun trào]
Núi lửa Ulawun nằm trên chuỗi quần đảo Bismarck, được xem là một trong những núi lửa nguy hiểm nhất thế giới. Ngày 26/6 vừa qua, núi lửa này đã phun trào khiến gần 13.000 người sinh sống xung quanh ngọn núi này phải rời nhà đi lánh nạn và nhà chức trách đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn tỉnh Tây New Britain. Hầu hết những người bị ảnh hưởng trong đợt phun trào này vẫn đang trú lại các trung tâm sơ tán, trong khi một số người đã trở về nhà ở chân núi lại phải sơ tán khi núi lửa phun trào rạng sáng 1/10.
Cũng trong tháng 6 vừa qua, núi lửa trên đảo Manam-một trong những núi lửa hoạt động mạnh nhất tại Papua New Guinea-đã "thức giấc". Nằm ở tỉnh Madang miền Bắc Papua New Guinea, đảo Manam trải dài 10km, là nơi cư trú của gần 9.000 người. Theo Cơ quan Giám sát tro bụi núi lửa Darwin, thuộc Cục Khí tượng Australia, núi lửa đảo Manam đánh dấu hoạt động trở lại với những cột tro bụi bốc cao tới 15.240 mét, sau đó giảm dần còn 4.572 mét./.