Ngày 27/3, núi Merapi, núi lửa còn hoạt động mạnh nhất tại Indonesia, đã "thức giấc" và phun trào cột tro bụi cao khoảng 5km lên bầu trời, buộc giới chức địa phương phải ban hành cảnh báo cấm bay qua khu vực.
Theo Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ ứng phó thảm họa địa chất thuộc Cơ quan Theo dõi núi lửa ở tỉnh Yogyakarta, núi lửa Merapi, nằm ở đảo chính Java, bắt đầu phun trào vào khoảng 10 giờ 56 sáng 27/3, tạo ra một lớp tro bụi bao phủ khu vực kéo dài vài km từ miệng núi lửa.
Cơ quan này đã nâng cấp độ cảnh báo hàng không tại khu vực (VONA) từ mức bình thường lên mức cao nhất - mức báo động đỏ.
[Núi lửa Merapi tại Indonesia phun tro bụi cao 6.000 mét]
Mức báo động này được hiểu là các máy bay bị cấm bay qua không phận bên trên khu vực xung quanh núi lửa.
Các cư dân địa phương không được hoạt động trong phạm vi bán kính 3km từ miệng núi lửa.
Núi lửa Merapi cao khoảng 2.930m, là một trong 129 núi lửa còn hoạt động tại Indonesia và bắt đầu hoạt động thường xuyên từ năm 1548.
Lần gần đây nhất núi lửa này hoạt động trở lại là hôm 3/3, phun trào một cột tro bụi cao khoảng 6km lên bầu trời.
Trong lần Merapi phun trào từ tháng 10-11/2010, tổng cộng 353 người đã thiệt mạng và khoảng 350.000 người khác phải đi sơ tán. Đây là vụ phun trào lớn nhất kể từ năm 1930 khi núi lửa này hoạt động lại khiến khoảng 1.300 người thiệt mạng.
Nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, khu vực ẩn chứa nhiều bất ổn về địa lý, Indonesia thường xuyên hứng chịu các trận động đất hoặc núi lửa./.