Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 4/12, núi lửa Anak Krakatau tại eo biển Sunda nằm giữa 2 đảo Java và Sumatra của Indonesia tiếp tục phun trào, cột tro bụi bốc lên cao khoảng 2.000m.
Trung tâm Giảm nhẹ thiên tai địa chất và núi lửa Indonesia (PVMBG) cho biết đợt phun trào xảy ra lúc 12 giờ 41 và kéo dài gần 2 phút, tro bụi dày đặc màu xám đen bay về phía Đông Nam.
Ông Andi Suardi, người đứng đầu Trạm quan sát núi lửa Anak Krakatau đặt tại huyện Nam Lampung, tỉnh Lampung, cho biết khu định cư nằm gần ngọn núi lửa này nhất ở trên đảo Sebesi, cách đó 16,5km. Ông Andi cũng kêu gọi người dân và ngư dân không đến gần núi lửa này trong bán kính 5km.
Kể từ khi xuất hiện vào tháng 6/1927, hoạt động của núi lửa Anak Krakatau không ngừng gia tăng, khiến thân núi to hơn và tăng độ cao lên tới 157m so với mực nước biển.
Núi lửa phun trào ở Indonesia: 11 người leo núi thiệt mạng
Ít nhất 11 người đã thiệt mạng sau khi núi lửa Marapi trên đảo Sumatra, miền Tây Indonesia, phun trào cột tro bụi cao khoảng 3.000m.
Hoạt động này có xu hướng tăng mạnh kể từ tháng 4/2022, mức độ nguy hiểm tăng lên cấp cao nhất là cấp 3.
Năm 2018, núi lửa Anak Krakatau phun trào và gây ra trận sóng thần làm 400 người thiệt mạng và hàng nghìn người mất nhà cửa.
Cũng trong ngày 4/12, núi lửa Marapi tại tỉnh Tây Sumatra lại tiếp tục phun trào, khiến công tác tìm kiếm 12 người leo núi mất tích trong vụ phun trào trước đó một ngày phải tạm dừng.
Ông Jody Herryawan, người phát ngôn Văn phòng Cơ quan tìm kiếm và cứu nạn thành phố Padang, cho biết một vụ phun trào diễn ra vào lúc 10 giờ. Tiếp đó, vào lúc 12 giờ, vụ phun trào vẫn tiếp diễn, dù với cường độ yếu hơn.
Cũng theo ông Jody, hiện thi thể 11 người leo núi cùng 3 người thoát nạn trong vụ phun trào của núi lửa Marapi ngày 3/12 vẫn chưa được đưa xuống chân núi.
Nhà chức trách Indonesia đã ban hành cảnh báo núi lửa cấp độ 2 trong hệ thống thang cảnh báo gồm 4 cấp. Theo đó, các cộng đồng sinh sống gần núi lửa và du khách không được vào vùng có bán kính 3 km quanh miệng núi lửa này.
Núi lửa Marapi nằm ở độ cao 2.891m so với mực nước biển, là núi lửa hoạt động nhiều nhất trên đảo Sumatra. Indonesia nằm trên “Vành đai lửa” Thái Bình Dương nên thường chứng kiến các hoạt động địa chất và núi lửa phun trào. Hiện quốc gia này có gần 130 núi lửa còn hoạt động./.