Nửa thế giới bất đồng với Mỹ về chính sách thương mại với Trung Quốc

Các nước châu Âu và châu Á ngày càng lo lắng về các chính sách kinh tế quốc tế mới của Tổng thống Joe Biden nói chung và chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc nói riêng.
Nửa thế giới bất đồng với Mỹ về chính sách thương mại với Trung Quốc ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ở Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Washington Post đưa tin các chính trị gia ở các nước châu Âu và châu Á ngày càng lo lắng về chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc và nói chung là về các chính sách kinh tế quốc tế mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden, như Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đã nêu ra gần đây.

Phát biểu với tác giả bài viết, Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown cho hay: "Châu Âu cần một chính sách công nghiệp, nhưng không thể bắt chước chủ nghĩa bảo hộ của chính quyền Biden. Đối với châu Âu, thương mại là rất quan trọng. Sự thịnh vượng của châu lục phụ thuộc vào thương mại với phần còn lại của thế giới, bao gồm cả Trung Quốc, theo cách mà Mỹ không có."

Mặc dù thừa nhận rằng chính quyền Tổng thống Biden đã có những động thái nhằm mở rộng quan hệ thương mại, nhưng ông Brown bày tỏ lo ngại rằng tất cả các động thái đó đều là những nỗ lực song phương hoặc khu vực có thể làm suy yếu thương mại toàn cầu.

[Giới chức Mỹ-Trung đánh giá tích cực các cuộc gặp song phương]

Ông Kishore Mahbubani, nhà cựu ngoại giao Singapore và là tác giả cuốn sách "The Asian 21st Century," chỉ ra rằng các cuộc thảo luận ở phương Tây thường quên rằng tăng trưởng của thế giới chủ yếu đến từ châu Á.

Mối quan hệ thương mại lớn nhất trên thế giới là giữa Trung Quốc và ASEAN, gần 1.000 tỷ USD.

Và các nước ASEAN không thể phát triển nếu không có thương mại cởi mở và sôi động, đặc biệt là với Trung Quốc.

Bài viết lưu ý: "Điều đáng ghi nhớ là sức mạnh đáng gờm của Trung Quốc và mức độ mà Trung Quốc gắn kết với nền kinh tế toàn cầu. 10 năm trước, Trung Quốc xuất khẩu một số lượng ôtô tương đối nhỏ. Ngày nay, nước này là nhà xuất khẩu ôtô hàng đầu thế giới, dễ dàng hất cẳng Nhật Bản khỏi vị trí đó. Nước này đặc biệt mạnh về xe điện (EV). Cứ 3 chiếc EV được sản xuất trên thế giới thì có 2 chiếc là sản xuất tại Trung Quốc."

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung bắt đầu từ năm 2018 khi chính quyền dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump áp thuế với lượng hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc.

Năm 2020, hai nước đã ký thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1," theo đó Mỹ đồng ý giảm bớt thuế quan đối với một số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đổi lại Bắc Kinh cam kết tăng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong hai năm 2020 và 2021 thêm ít nhất 200 tỷ USD so với mức của năm 2017.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã không đáp ứng mục tiêu này do đại dịch COVID-19 bùng phát.

Kể từ khi nhậm chức tháng 1/2021, Tổng thống Joe Biden đã giải quyết một số tranh chấp thương mại với các đồng minh của Mỹ, trong đó có thỏa thuận về dỡ bỏ thuế quan đối với các mặt hàng thép và nhôm của Anh. Tuy nhiên, không có bước đột phá tương tự nào đối với Trung Quốc, mặc dù Đại diện Thương mại Mỹ đã nối lại các cuộc đàm phán với Bắc Kinh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục