Nửa thập kỷ, một giấc mơ về tổ ấm đặc biệt của "Thúy da cam"

Nửa thập kỷ qua, chị "Thúy da cam" dành trọn thời gian của mình cho công việc phục hồi chức năng và dậy nghề cho hàng chục trẻ em nhiễm chất độc màu da cam, mang tới cho các em một tổ ấm thật sự.
Chị Khổng Thị Thúy - Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng và Dạy nghề Phú Quý, tỉnh Bắc Giang (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+)

Những điều bất ngờ nối tiếp nhau

Đi qua con đường nhỏ gồ ghề thuộc địa phận phường Mỹ Lộc, thành phố Bắc Giang, chúng tôi tới thăm Trung tâm nuôi dưỡng và dạy nghề cho người khuyết tật và nạn nhân chất độc màu da cam (Vava Phú Quý) trong một ngày đông giá rét.

Toạ lạc trên một khu đất rộng rãi và thoáng đãng, trung tâm hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng, mới chỉ có một gian nhà nằm ngay trung tâm được dựng lên để làm văn phòng, nơi sản xuất, ăn, ngủ tạm thời.

Trong lúc chờ bà Giám đốc trung tâm bận họp đột xuất, chúng tôi có dịp đi tham quan cơ sở hiện có của trung tâm. Ấn tượng ban đầu ở nơi đây là sự ngăn nắp, sạch sẽ, tuy phía bên ngoài vẫn còn đang ngổn ngang gạch đá, nhưng bên trong, từ phòng hội họp đến gian bếp, từ những bàn ghế đến tranh treo, hàng hoá đều được bố trí rất gọn gàng. Không rõ người chủ nơi này còn chỉn chu tới mức nào?

Mất hai tuần trà đặc, tiếng xe máy rì rì phía con đường mòn báo cho chúng tôi bà Giám đốc trung tâm đã về. Nếu khung cảnh của trung tâm làm chúng tôi ấn tượng một, có lẽ, những gì chúng tôi thấy ở con người này phải hơn gấp bội phần.

Người phụ nữ trung niên xuống khỏi chiếc xe máy lọc xọc, cũ kỹ, tháo lớp khẩu trang, khuôn mặt dù đã trang điểm đôi chút vẫn không giấu được những nét bươn trải, sương gió, mái tóc có phần xơ xác, hẳn đã qua cơ số những cuộc hành trình. Có gì đó hơi trái ngược với những gì chúng tôi từng nghĩ, từng hình dung về một giám đốc trung tâm.

Vừa về nhà, chị đã phải cáo lỗi để tất tả với chút vấn đề về vật liệu xây dựng nên sau đó mới có thể ngồi lại với chúng tôi. Tiếp chúng tôi bằng một nụ cười hiền, mộc mạc, những khoảng cách giữa phóng viên và người được phỏng vấn hình như mờ dần.

Người gieo giấc mơ da cam

Chị tên là Khổng Thị Thúy, người dân địa phương thân mật gọi chị là “Thúy da cam.” Từ những trắc ẩn của một người đã trải qua và phải chịu nỗi đau từ sự khốc liệt của chiến tranh (con trai đầu lòng bị bệnh hiểm nghèo do chất độc màu da cam,) chị đã thành lập Trung tâm nuôi dưỡng và dạy nghề Phú Quý, với khắc khoải có thể mang đến một cuộc sống bình thường, một mái nhà thực sự dành cho những nạn nhân của chất độc mầu da cam và người khuyết tật.

Thấm thoắt đã 5 năm kể từ ngày chị “Thúy da cam” bắt tay thực hiện giấc mơ của mình. Nửa thập kỷ qua, người phụ nữ này dành trọn thời gian của mình cho công việc phục hồi chức năng và dậy nghề cho hàng chục trẻ em nhiễm chất độc màu da cam. Từ chỗ chỉ tiếp nhận khoảng 10 em, tới nay, chị đã nhận về nuôi nấng 67 em, dạy các em một số công việc chủ yếu như thêu thùa, may gia công, làm vàng mã v.v...

Chỉ tay về phía “bầy con” đang cần mẫn đóng gói những miếng vàng mã, chị hồ hởi: “Đây, đây là ước mơ cả đời của tôi.”

Chị cho biết, Trung tâm hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng ban đầu, sau khi hoàn thiện (dự kiến Quý 1 năm 2016), trung tâm sẽ đón khoảng từ 300-500 em, bao gồm trẻ bị nhiễm chất độc màu da cam, cũng như trẻ khuyết tật trên địa bàn thành phố Bắc Giang.

Người phụ nữ trung niên rạng rỡ kể cho chúng tôi nghe về sự lý tưởng của trung tâm sau khi hoàn thiện. Ngoài khu vực sản xuất, khu ăn, ngủ, hội họp, trung tâm sẽ có cả nhà thể chất, phòng khám bệnh, phòng phục hồi chức năng.

Bất chợt, giữa dòng câu chuyện đang hào hứng, chị dừng lại, trầm ngâm: “Lạc quan thì vậy, chứ thực ra, hiện việc xây dựng của trung tâm đang gặp khó khăn về kinh phí.”

Chị Thúy thừa nhận, việc xây dựng trung tâm là khá tốn kém, chị vẫn đang hy vọng rất nhiều vào những nguồn đầu tư dành cho trung tâm trong thời gian tới.

“Con yêu mẹ nhất trên đời”

Kinh phí không phải là khó khăn đầu tiên và duy nhất mà chị Thúy gặp phải trong suốt 5 năm qua. Trong suốt buổi trò chuyện, “Thúy da cam” có nói đến khá nhiều cản trở chị gặp phải: về địa điểm, về khối lượng công việc... có điều, mỗi lần nhắc đến những điều này, chị có vẻ rất bình thản, thậm chí lạc quan.

Chị nói một câu, đủ để giải thích những băn khoăn ở trên: “Khó khăn nhất đối với tôi từ phía các con, dạy, yêu thương và làm cho các con yêu thương lại mình, mang lại một tổ ấm, một gia đình cho các con, những việc đấy tôi đều đã làm đươc, thì còn điều gì nữa mà tôi không làm được nữa.”

Nhấp ngụm trà nóng, chị xúc động chia sẻ: “Thi thoảng có những hôm đưa các cháu về phòng ngủ, có đứa còn nhảy cẫng lên: Chúc mẹ ngủ ngon, con yêu mẹ nhất trên đời. Thường thì đối với người mẹ, nhận được một lời âu yếm từ con trẻ, là mọi nỗi cực nhọc, vất vả đều tan biến hết.”

Nhìn khoảng sân nơi các em đang quây quần làm việc, những tiếng cười nói, tiếng ú ớ không thành lời làm không gian yên ả nơi đây trở nên nhộn nhịp, sinh động hơn. Nơi chúng tôi đến hôm nay, không phải là trung tâm dành cho nạn nhân chất độc mầu da cam nữa, và chính xác hơn, là một gia đình thật sự.

Chúng tôi chia tay gia đình Phú Quý, những suy nghĩ cá nhân làm cho con đường trở về bỗng gồ ghề hơn. Ngoái lại nhìn khoảng đất quang đãng sau lưng, chỉ 1,2 năm nữa thôi sẽ trở thành ngôi nhà cho gần 500 trẻ khuyết tật, trẻ nhiễm chất độc màu da cam. Giấc mơ lớn lao ấy, muốn thành sự thật, cần có nhiều hơn nữa những sự giúp đỡ từ xã hội, như chị "Thúy da cam" cứ nhấn mạnh mãi: “ Nạn nhân da cam cần lắm sự quan tâm của cả cộng đồng”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục