Nữ y tá Pháp duy nhất ở Điện Biên Phủ và bức tranh in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bà Geneviève là nữ y tá Pháp duy nhất có mặt ở chiến trường Điện Biên Phủ 70 năm về trước. Bà là một pho sử sống, giúp công chúng "hiểu rõ hơn về một trang bi thảm trong lịch sử nước Pháp."

Trang đầu tạp chí Paris Match đăng tải hình ảnh nữ y tá hàng không Geneviève de Galard được trả tự do, trở về từ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trang đầu tạp chí Paris Match đăng tải hình ảnh nữ y tá hàng không Geneviève de Galard được trả tự do, trở về từ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1945, bà Geneviève de Galard là nữ y tá vận tải hàng không duy nhất của Quân đội viễn chinh Pháp có mặt tại trận chiến 56 ngày đêm lịch sử đó.

70 năm sau, phóng viên TTXVN đã có dịp gặp mặt người phụ nữ ở phía bên kia, một người từng được Mỹ dựng lên và ca tụng như "Thiên thần Điện Biên Phủ," nhưng đã trở thành biểu tượng phản chiến và nhân đạo.

Căn phòng nhỏ ở Trung tâm dưỡng lão của thành phố Toulouse, miền Nam nước Pháp, nơi bà Geneviève de Galard và chồng là ông Jean de Heaulme đang sống, giản dị như bao căn phòng khác. Trên nóc tủ, những tấm ảnh gia đình chụp từ cách đây gần một thế kỷ, được đặt trang trọng cùng bức tượng nhỏ Phật bà Quan Âm giúp ông bà sống với những kỷ niệm xa xưa. Bước sang tuổi bách niên, họ là những người cuối cùng thuộc thế hệ từng có mặt ở Đông Dương và Điện Biên Phủ còn sống đến ngày nay.

Điều đặc biệt, một trong những kỷ vật được vợ chồng bà mang về từ Việt Nam và vẫn được gia đình lưu giữ mãi là bức tranh gỗ in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh, biểu tượng của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Ông Francois de Heaulme, con trai cả của ông bà Jean và Geneviève de Heaulme cho biết: "Tình cờ tôi đã tìm được tấm ảnh khắc gỗ này trong tủ đồ lưu trữ của cha thời kỳ còn ở quân đội. Bức ảnh ông ghi rõ là được tìm thấy trong một xưởng in lậu ở Hà Nội, trong quá trình lục soát vào ngày 19/12/1946 (tức ngày thực dân Pháp quay lại xâm lược Việt Nam - NV)."

tranh_go_bac_ho_0505-2.jpg
Ông Francois de Heaulme, con trai cả của ông bà Jean và Geneviève de Heaulme kể về bức tranh in gỗ hình Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ông tìm thấy trong số những kỷ vật liên quan đến Việt Nam mà cha mẹ mình còn lưu giữ. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)
tranh_go_bac_ho_0505.jpg
Bức tranh in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trên chiếc ghế sôpha nơi góc phòng, cụ bà Geneviève de Galard, 99 tuổi đang nằm nghỉ, mắt nhắm nghiền tĩnh lặng, mặc cho khách khứa nói chuyện rầm rì, mái tóc mỏng bạc trắng, gương mặt mang nhiều nếp gấp thời gian, nhưng vẫn toát lên vẻ phúc hậu, an yên.

Cụ ông Jean de Heaulme, tuy phải ngồi trên chiếc xe lăn và giọng nói không còn mạch lạc, nhưng trí tuệ vẫn còn rất minh mẫn, vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi. Khi chúng tôi chỉ cho ông xem những bức ảnh về Hà Nội, nơi ông được sinh ra cách đây đúng 100 năm, ông Jean vẫn nhớ đến cầu Long Biên trên sông Hồng, và Hồ Gươm nơi có Tháp Rùa.

Lật từng trang cuốn hồi ký của vợ mình về chiến trường Điện Biên Phủ, ông Jean de Heaulme kể cho chúng tôi về những khoảnh khắc đáng nhớ của bà khi bà chăm sóc thương binh vùng chiến tuyến, ngày bà được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh trả tự do, giây phút lần đầu họ gặp nhau tại Hà Nội, lúc bà trở lại Pháp trong sự hân hoan của bạn bè và gia đình, phút giây hạnh phúc của cặp uyên ương trong ngày cưới, niềm vui chào đón sự ra đời của đứa con trai đầu lòng... và cả ngày hai vợ chồng thăm lại Việt Nam.

Với tất cả tình yêu và niềm tự hào, ông say sưa kể về người phụ nữ mà ông gắn bó trong suốt gần 70 năm qua. Chỉ vào tấm ảnh thời trẻ và cụ bà Geneviève de Galard đang nằm trên ghế sôpha, ông so sánh một cách hài hước nhưng đầy trìu mến: "Bà nhà tôi ngày đó đẹp hơn bây giờ nhiều!!!"

Là hậu duệ của một trong những gia đình danh giá nhất nước Pháp, bà Geneviève de Galard từ nhỏ đã mơ đến những cuộc phiêu lưu và chỉ thích chăm sóc mọi người. Trong cuốn hồi ký của mình, bà đã bày tỏ "mong muốn giúp đỡ người khác và nguyện sẽ làm điều đó trong suốt cuộc đời mình."

Ước mơ thuở bé đã trở thành hiện thực khi bà được tuyển dụng làm y tá cứu thương trong ngành Không quân. Được điều động sang chiến trường Đông Dương ở tuổi 29, bà Geneviève đã tham gia nhiều phi vụ vận chuyển và chăm sóc thương bệnh binh bằng máy bay quân sự.

Galard_0505_2.jpg
Một số hình ảnh tư liệu của bà Geneviève de Galard thời điểm trở về từ Điện Biên Phủ.

Đặc biệt, trong 56 ngày đêm của chiến dịch Điện Biên Phủ, nơi diễn ra cuộc đối đầu khốc liệt giữa đội quân viễn chinh Pháp và lực lượng Việt Minh, bà Geneviève đã tham gia một số chuyến bay cấp cứu đưa những người lính bị thương ra khỏi trận địa.

Vào ngày 28/3, chiếc máy bay Dakota chở bà đến Điện Biên Phủ để đón các thương bệnh binh, đã bị hỏng, không thể cất cánh được, khiến bà bị kẹt lại ở Điện Biên Phủ. Khi đó bà Geneviève de Galard là người phụ nữ Pháp duy nhất trong lòng chảo Điện Biên, vì các nữ y tá khác đã được sơ tán ngay khi cuộc chiến bắt đầu.

Ngày 24/5/1954, bà Geneviève de Galard được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh trao trả tự do. Là người phụ nữ duy nhất trong số tù binh Pháp, trở về từ chiến trường Điện Biên Phủ, bà được hàng chục nhiếp ảnh gia và nhà báo quốc tế săn đón ngay sau khi hạ cánh ở sân bay Bạch Mai-Hà Nội.

Trở lại Pháp vào đầu tháng 6, bà được đông đảo công chúng chào đón tại sân bay Orly và lên trang nhất tờ Paris Match. Các cuộc phỏng vấn và trang bìa của Paris Match đã khiến Geneviève de Galard miễn cưỡng trở thành một biểu tượng của tuổi trẻ anh hùng, mặc dù đó không phải là điều bà mong muốn, ngay cả khi chính quyền Mỹ và Pháp trao tặng cho bà những huân chương hạng danh giá nhất của họ.

Tiếp tục với công việc của y tá cấp cứu hàng không một vài năm, sau đó bà làm việc tại Trung tâm phục hồi chức năng Invalides dành cho những người bị thương nặng. Bà kết hôn với Đại úy Jean de Heaulme, người mà bà đã gặp ở Đông Dương và họ có ba người con.

Ở tuổi 80, bà Geneviève de Galard đã cho ra cuốn tự truyện "Une femme à Diên Biên Phu" (tạm dịch là “Một người phụ nữ ở Điện Biên Phủ”), do nhà xuất bản Les Arènes phát hành, kể lại cuộc đời và số phận của bà ở chiến dịch rúng động địa cầu ngày đó. Cuốn Hồi ký này được báo chí Pháp đánh giá là giúp các thế hệ công chúng "hiểu rõ hơn về một trang bi thảm trong lịch sử nước Pháp."

Sau 70 năm, những nhân chứng của chiến dịch Điện Biên Phủ ở Pháp nay không còn nhiều, và họ sẽ được nhớ đến như những người lưu giữ các bài học lịch sử đắt giá của nước Pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục