Nữ tướng IBM Phạm Thị Thu Diệp và câu chuyện chuyển đổi số ở Việt Nam

Bà Phạm Thị Thu Diệp - Tổng giám đốc IBM Việt Nam đã chia sẻ những góc nhìn để làm rõ nét hơn thực trạng và những thách thức của công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam trong thời gian tới.
Nữ tướng IBM Phạm Thị Thu Diệp và câu chuyện chuyển đổi số ở Việt Nam ảnh 1Bà Phạm Thị Thu Diệp là 'nữ tướng' đầu tiên của IBM tại Việt Nam. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tầm nhìn của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng. Tuy vậy, để thực hiện mục tiêu đó, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm. 

VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Thu Diệp - Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Công nghê, IBM Việt Nam.

Bà Diệp là một chuyên gia với hơn 20 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực công nghị thông tin tại Việt Nam. Đây cũng là “nữ tướng” đầu tiên tại Việt Nam của IBM - một trong những công ty công nghệ hàng đầu thế giới.

Việt Nam "bắt nhịp" với chuyển đổi số

- IBM đánh giá như thế nào về hiện trạng, tốc độ tăng trưởng của chuyển đổi số cũng như hạ tầng số ở Việt Nam hiện nay? So với các nước trong khu vực và trên thế giới thì "chuyển đổi số" của Việt Nam đang đứng ở đâu?

Bà Phạm Thị Thu Diệp: Việt Nam là một trong những cái tên khá nổi bật trong những nền kinh tế năng động của Đông Nam Á. Đặc biệt, nền kinh tế quý II đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ 10 năm gần đây (7,72%). Lực lượng lao động của Việt Nam hiện tại tương đối có năng lực và tuổi trung bình khá là trẻ. Đây là điều khá quan trọng đặt nền tảng cho sự phát triển về kinh tế.

Chuyển đổi số của Việt Nam bắt đầu từ 5-7 năm về trước, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển đổi số. Thời điểm đó, các nước trong khu vực có sự phát triển đi trước Việt Nam một vài năm, ví dụ như Singapore.

Một số doanh nghiệp tại Việt Nam chưa thành công trong chuyển đổi số là do chưa đảm bảo các yếu tố của chuyển đổi số bao gồm: Con người, quy trình và cơ sở dữ liệu.

Một số doanh nghiệp có đầy đủ cơ sở dữ liệu, nhưng chưa có quy trình vận hành được dữ liệu đó. Một số khác thì cho rằng chuyển đổi số là việc làm của máy móc và công nghệ mà chưa đề cao yếu tố con người. 

Tuy nhiên, Việt Nam có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong 3 năm trở lại đây và hiện đã gần như bắt kịp so với các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Singapore...

Việt Nam cũng đã tiên phong đầu tư các công nghệ mà các nước trong khu vực đang sử dụng đồng thời đã thuê nhân lực từ nước ngoài (châu Âu, hoặc Đông Nam Á) để làm trong tổ chức của mình nhằm tận dụng những thế mạnh, hiểu biết của họ để giúp doanh nghiệp phát triển tốt hơn.

- Theo bà thì khối doanh nghiệp nào có sự chuyển biến về chuyển đổi số mạnh mẽ nhất? Và lý do thành công của sự chuyển biến mạnh mẽ đó là gì?

Bà Phạm Thị Thu Diệp: Thế mạnh của IBM là tập trung vào đối tượng khách hàng truyền thống là khối tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và chính phủ.

Các đối tượng này hiện đều đang trong quá trình xây dựng chiến lược và triển khai để chuyển đổi số thành công. Hầu như các ngân hàng đều đã thành lập Digital Office (Văn phòng chuyển đổi số).

Nữ tướng IBM Phạm Thị Thu Diệp và câu chuyện chuyển đổi số ở Việt Nam ảnh 2Bà Phạm Thị Thu Diệp. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Bất kỳ khi nào có chiến lược của ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính đưa ra thì văn phòng này có trách nhiệm đánh giá xem chiến lược đấy có đồng nhất với định hướng của doanh nghiệp hay không?

Ngoài ra, IBM đang mở rộng sang mảng bán lẻ và sản xuất. Đây là nhóm khách hàng khá tiềm năng vì họ đang có mong muốn tận dụng thế mạnh của chuyển đổi số và công nghệ.

Trước mắt, IBM sẽ hướng tới các khách hàng mảng bán lẻ do sự bùng nổ của thương mại điện tử trong thời gian gần đây. IBM sẽ hợp tác với các đối tác, thực hiện việc kết nối, xây dựng các hệ sinh thái đồng thời cung cấp cho khách hàng các quy trình, giải pháp cũng như những ví dụ thực tế mà IBM đã triển khai thành công ở các nước.

Việt Nam có cơ hội trở thành "hub số" trong khu vực

- Hiện nay, nhiều bộ, ngành đang có mong muốn biến Việt Nam thành một “digital-hub” (nơi trung chuyển, kết nối, lưu trữ và xử lý dữ liệu của khu vực và thế giới) ở trong khu vực để thu hút các nhà đầu tư và đối tác nước ngoài. Theo bà thì mong muốn này liệu có thể thành hiện thực hay không?

Bà Phạm Thị Thu Diệp: Theo IBM thì việc trở thành một Digital-hub không phải là điều gì không thể đối với Việt Nam. Vấn đề nằm ở nhiều khía cạnh, nhưng nổi bật nhất là về chất lượng nguồn lực.

Thứ nhất, trình độ và nền tảng ngoại ngữ là yếu tố quan trọng trong việc kết nối giữa các nước với nhau, nhưng Việt Nam đang thua kém so với các nước ít dân hơn trong khu vực, ví dụ như Philipines và Malaysia.

Thứ hai là các kỹ năng mềm và kỹ năng làm việc nhóm. IBM cũng đặt hy vọng vào các trường đại học có thể tạo ra một chương trình đào tạo có thêm các nội dung về kỹ năng mềm nhằm tạo ra các thế hệ sinh viên hội tụ đủ các yếu tố cần thiết.

[IBM đào tạo, nâng cao kỹ năng cho sinh viên Việt Nam hậu dịch bệnh]

Từ đó, Việt Nam có được đủ lực lượng để nghĩ đến việc hình thành digital-hub. Ngoài ra, có nhiều bạn du học sinh ở nước ngoài sau một thời gian học tập, làm quen với các kỹ năng làm việc mà Việt Nam chúng ta còn thiếu, cũng là yếu tố đóng góp vào sự khả thi của ditital-hub. Tuy nhiên, thời gian nào và bao lâu để có đủ nguồn lực thì IBM cũng chưa có câu trả lời.

- Theo bà, ưu điểm của nhân sự công nghệ thông tin ở Việt Nam hiện nay là gì?

Bà Phạm Thị Thu Diệp: Người Việt Nam có tố chất thông minh, học hỏi rất nhanh đồng thời khả năng nắm bắt, chia sẻ thông tin trên các network cũng rất nhạy bén, khả năng kết nối rất mạnh.

Nhưng điểm cần cải thiện vẫn là kỹ năng mềm, làm sao để nêu bật được thế mạnh của mình và phối hợp được với đối tác, đồng nghiệp. Vẫn có nhiều trường hợp chưa vượt qua được sự tự ti của bản thân khi làm việc nhóm.

Nếu như thay đổi và cải thiện được một số kỹ năng mềm như vậy thì nhân lực của Việt Nam sẽ khá mạnh. Thực tế là có một số bạn đã có kinh nghiệm làm việc, du học ở nước ngoài, được tiếp xúc thêm các kỹ năng mềm thì họ sẽ khá là nổi bật. 

- Bà có chia sẻ là khách hàng chủ yếu hiện nay của IBM là khối doanh nghiệp và đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs). Vậy trong thời gian tới, IBM có kế hoạch nào hướng đến mục tiêu phát triển mạnh hơn vào khối cơ quan chính phủ hay không, thưa bà?

Bà Phạm Thị Thu Diệp: Với các cơ quan chính phủ ở các địa phương, IBM cũng mong muốn được hợp tác. Tuy nhiên, với lực lượng nhân sự như hiện tại thì IBM sẽ không đủ để hỗ trợ khách hàng trực tiếp mà IBM muốn kết hợp với doanh nghiệp và chú trọng vào việc đào tạo nhân sự tại chỗ của doanh nghiệp. Từ đó, IBM chuyển giao kiến thức và phương thức vận hành cho doanh nghiệp và nhân viên.

- Nhiều doanh nghiệp không biết bắt đầu từ đâu để thực hiện chuyển đổi số và không biết lấy kinh phí từ đâu để thực hiện chuyển đổi số. Bà sẽ đưa ra lời khuyên như thế nào khi nhận được những câu hỏi như vậy?

Bà Phạm Thị Thu Diệp: Chuyển đổi số có nhiều mức độ (level). Có những công ty nhỏ hoặc chưa đủ lớn thì đã bắt đầu áp dụng chuyển đổi số từ bên trong. Họ mong muốn có một đội ngũ nội bộ mạnh hơn để có thể phục vụ được khách hàng tốt hơn.

Và việc chuyển đổi từ nội tại cũng sẽ dễ dàng và dễ kiểm soát hơn so với việc tiến hành các chuyển đổi liên quan đến bên ngoài. Có thể kể ra các ví dụ như đẩy mạnh tự động hóa quy trình làm việc, sử dụng máy móc, công nghệ thay vì tay chân, số hóa các quy trình và kết quả làm việc dựa vào phần mềm hoặc các hệ thống tự động hóa.

Sau khi tiến hành chuyển đổi số cho nội bộ doanh nghiệp rồi, thì vấn đề tiếp theo là xử lý với bên ngoài như thế nào. Đối với ngân hàng và tài chính thì có thể tiến hành việc thay đổi giao diện và các tác vụ xử lý trên ứng dụng, website để làm sao khách hàng có thể làm việc dễ dàng hơn.

Nữ tướng IBM Phạm Thị Thu Diệp và câu chuyện chuyển đổi số ở Việt Nam ảnh 3Bà Phạm Thị Thu Diệp đánh giá Việt Nam có tiềm năng trở thành một 'hub số' trong khu vực. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Về mặt kinh phí, các khách hàng này đều có tiềm lực tài chính tốt và cũng đã dành ra ngân sách lớn cho vấn đề chuyển đổi số. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh phí không nhiều thì nên xác định là đi từng bước và xác định rõ mục tiêu chuyển đổi. Để làm được việc đó tốt nhất, họ cần tìm đến một bên tư vấn.

Chuyển đổi số có nhiều mức độ, nên kéo theo kinh phí cũng có nhiều mức độ khác nhau. Điều này tùy thuộc vào mô hình sản xuất và góc nhìn của lãnh đạo. Sự quyết đoán và mạnh mẽ của lãnh đạo có thể mang lại sự tiết kiệm trong đầu tư cho chuyển đổi số.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục