“Tôi đã chứng kiến không ít người quen, thậm chí cả người bạn thân của mình mắc ung thư, vì thế tôi cảm nhận ung thư không chỉ là nỗi đau của người bệnh mà còn là gánh nặng tâm lý, tài chính cho gia đình và cả xã hội.
Việc tìm ra một phương pháp mới giúp giảm nhẹ tác dụng phụ trong quá trình điều trị ung bướu không chỉ là trăn trở mà còn là sứ mệnh tôi tự đặt ra cho con đường nghiên cứu của mình”.
Có lẽ bởi phương châm và những suy nghĩ đau đáu như vậy, mà trong suốt nhiều năm qua, tiến sỹ Hà Phương Thư - Trưởng phòng Vật liệu nano y sinh, Viện Khoa học Vật liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã dày công mày mò nghiên cứu nhiều công trình khoa học trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe để tìm ra phương pháp mới giúp giảm nhẹ tác dụng phụ trong quá trình điều trị ung bướu.
30 công bố quốc tế về lĩnh vực Nano y sinh
Tiến sỹ Hà Phương Thư sinh năm 1974. Chị là Nghiên cứu viên chính thuộc lĩnh vực nano y sinh, ứng dụng trong y-dược học, sinh học, nông nghiệp.
Trở về nước làm việc sau nhiều năm công tác tại Trung tâm năng lượng nguyên tử CEA của Pháp và Viện công nghệ Tokyo Nhật Bản, chị liên tục gặt hái được thành công trong lĩnh vực nghiên cứu của mình.
Chị được mệnh danh là Nữ Tiến sỹ “nano” bởi những công trình nghiên cứu về nano của chị cùng các cộng sự đã có ý nghĩa rất lớn với cộng đồng nói chung và bệnh nhân ung thư nói riêng.
Vừa qua, Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam đã trao tặng Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2017 cho tiến sỹ Hà Phương Thư - Trưởng phòng Vật liệu nano y sinh, Viện Khoa học Vật liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) vì đã có những đóng góp trong công cuộc chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Giải thưởng lần này tiếp tục là động lực lớn động viên chị có thêm những nghiên cứu mới cho lĩnh vực nano y sinh mà chị đang theo đuổi.
Ở tuổi 43, tiến sỹ Hà Phương Thư, một trong số ít những nhà khoa học trẻ tiêu biểu của Việt Nam sở hữu một “gia tài khoa học” đáng nể với 30 công bố quốc tế về lĩnh vực Nano y sinh và làm chủ nhiệm nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Viện Hàn lâm và Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia…
Trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, chị là tác giả-đồng tác giả của 71 bài báo trong các tạp chí quốc tế và trong các tạp chí trong nước, các tuyển tập báo cáo toàn văn của hội nghị quốc tế và quốc gia. Trong nghiên cứu ứng dụng, chị làm chủ nhiệm 10 đề tài gồm các cấp Quốc gia, cấp Bộ, quỹ Innofund, cấp cơ sở, đề tài do doanh nghiệp đặt hàng…
Nắm tay cùng người bệnh
Nói về những trăn trở của mình trong gần 20 năm nghiên cứu khoa học, chị Thư chia sẻ, niềm hạnh phúc cao quý nhất trong cuộc đời chị đơn giản là cái nắm tay cùng giọt nước mắt cảm ơn của người bệnh.
Tháng 10/2016, chị tiếp tục ghi tên mình vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học khi công bố chế tạo thành công phức hệ nano FGC đã được chuyển giao công nghệ sản xuất, giúp nâng cao thể trạng, ngăn ngừa suy kiệt cho bệnh nhân ung bướu sau hóa xạ trị. Trong suốt 10 năm tâm huyết, công trình nghiên cứu chế tạo thành công phức hệ nano FGC là thành quả xứng đáng của chị.
Chia sẻ thêm về công trình nghiên cứu này, chị cho hay, phức hệ nano FGC gồm 3 hoạt chất: curcumin tách chiết từ nghệ vàng, fucoidan của rong biển, notoginseng trong tam thất. Đây đều là những thành phần giúp nâng cao thể trạng, tăng cường miễn dịch, giảm tác dụng phụ của hóa, xạ trị.
“Lâu nay người bệnh vẫn dùng trực tiếp củ nghệ và tam thất. Tuy nhiên, hiệu quả không cao vì curcumin khó tan, hấp thu kém, trong khi hàm lượng notoginseng trong tam thất lại thấp. Do đó, việc sử dụng phức hệ nano FGC sẽ mang lại tác dụng cao hơn dùng riêng lẻ từng thành phần,” nữ tiến sỹ “nano” chia sẻ.
Không đơn thuần chỉ làm công tác nghiên cứu khoa học, chị còn tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội, từ năm 2016, chị đã hỗ trợ cho bệnh nhân bị ung thư và bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo sử dụng phức hệ nano FGC hàng tháng, trị giá sản phẩm lên tới hàng trăm triệu đồng.
Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2017 được trao cho tiến sỹ Hà Phương Thư là ghi nhận xứng đáng công lao và sự cống hiến, đóng góp của chị cho lĩnh vực y-dược học.
Trước đó, tiến sỹ Thư đã được nhận Giải thưởng L’Oreal - UNESCO “Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học” năm 2012, được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen cho sản phẩm tiêu biểu tham gia Ngày Phụ nữ Sáng tạo năm 2013.
Năm 2016, Tạp chí Forbes bình chọn là 1 trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam.
Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2017 được trao cho 8 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực của đời sống, đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã hội. Đây là Giải thưởng thường niên và là giải thưởng cao quý nhất của Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam, được tổ chức thường niên nhằm ghi nhận sự cống hiến tài năng, sức sáng tạo của phụ nữ Việt Nam trong công cuộc phát triển đất nước./.