Gặp biến chứng do sinh thiếu tháng khiến thị lực giảm sút nghiêm trọng nhưng Nguyễn Thị Hồng Nhung đã không ngừng nỗ lực vươn lên. Với nghị lực mạnh mẽ và luôn tràn đầy khát vọng, Nhung đã trở thành một trong những sinh viên nhận Học bổng Chắp cánh ước mơ của Đại học RMIT - một trong những trường đại học chuẩn quốc tế và đắt đỏ nhất Việt Nam. Theo học ngành Cử nhân Quản trị du lịch và khách sạn tại RMIT, hoài bão của Nguyễn Thị Hồng Nhung là tạo ra trải nghiệm du lịch đa chiều hơn cho những người gặp vấn đề về thị lực.
Hành trình và nhiệt huyết của Nhung đã truyền cảm hứng cho mọi người thấy rằng không gì là không thể, chỉ cần có mục tiêu rõ ràng và ý chí mạnh mẽ.
Năm 12 tuổi, Nhung đã rời quê ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lên Thành phố Hồ Chí Minh sống tự lập ở một mái ấm dành cho trẻ khiếm thị. Những năm tuổi trẻ đầy sôi động được cô gái trẻ tận hưởng triệt để. Nhung tham gia vào nhiều hoạt động xã hội và tận dụng mọi cơ hội để đi du lịch, Nhung thấy được lỗ hổng trong việc cung cấp trải nghiệp du lịch toàn diện cho những khách có thị lực kém như cô.
Nhung cho hay em từng được tham gia các tour du lịch do Saigontourist tài trợ. Em cũng được đi đây đi đó khi tranh tài tại các cuộc thi thể thao trong nước và quốc tế. Em từng giành được hai huy chương vàng điền kinh cự ly 100 và 200 mét tại đại hội thể thao dành cho người khuyết tật trẻ châu Á Asian Youth Para Games ở Dubai năm 2017. Nhưng Nhung chưa bao giờ cảm thấy hoàn toàn hài lòng với những trải nghiệm đó vì không thể tự “nhìn thấy” được các khung cảnh mà em đến thăm.
“Ngoài thông tin về lịch sử và văn hóa mà khách du lịch thường được giới thiệu khi đến thăm một danh lam thắng cảnh, người khiếm thị cần được mô tả về hình ảnh, màu sắc, không gian, và những điều khác để có thể hình dung ra nơi mình tham quan,” Nhung nói.
Sau khi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, thị lực của Nhung giảm sút nghiêm trọng và cô phải tạm gác việc học để chữa trị, nhưng với Nhung, hai năm tạm ngưng đó lại là một cơ hội tốt để em suy ngẫm về định hướng mà em muốn theo đuổi trong cuộc đời.
Bạn trẻ khiếm thị Lương Tuấn Cường và ước mơ làm cánh diều ngược gió
“Khát vọng tạo ra một mô hình du lịch mà người khiếm thị có thể tiếp cận với mọi trải nghiệm du lịch vẫn không hề lay chuyển trong em và đã trở thành mục tiêu mà em muốn chinh phục,” Nhung chia sẻ.
Sau thời gian điều trị, Nhung quay lại Thành phố Hồ Chí Minh nhộn nhịp để tìm việc làm và tìm kiếm một ngôi trường nơi em có thể hiện thực hóa ước mơ của mình. Và với việc chinh phục Học bổng Chắp cánh ước mơ của Đại học RMIT Việt Nam – học bổng dành cho những sinh viên khuyết tật hoặc có hoàn cảnh khó khăn - đã mở ra cánh cửa cho cô gái trẻ không chỉ tiếp cận được với nền giáo dục đại học quốc tế mà còn giúp cô tiến gần hơn đến ước mơ.
Nhung cho hay nếu không nhờ học bổng này, em sẽ phải tạm hoãn việc học vài năm hoặc lâu hơn để kiếm sống và tiết kiệm đủ tiền đi học đại học. Thêm vào đó, tìm được một trường đại học cung cấp các dịch vụ để sinh viên với nhu cầu đặc biệt như em có cơ hội tiếp cận việc học cũng là một thách thức.
Là người sáng lập và thành viên tích cực của dự án “Người mù sống tự lập” của Trung tâm Vì người mù Sao Mai, Nhung nổi tiếng là ham học và không ngừng nỗ lực phát triển bản thân. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó giám đốc Trung tâm Sao Mai cho biết Nhung là một thành viên quan trọng của dự án, người trực tiếp lên kế hoạch và điều phối các chương trình giúp nâng cao sự tự tin, độc lập và năng lực cho người khiếm thị.
“Với những gì Nhung đã và đang làm, tôi tin Nhung xứng đáng với học bổng RMIT và sẽ có những đóng góp tạo tác động tới cộng đồng và đặc biệt tới những người có vấn đề về thị lực,” ông Hùng nói./.