Nữ sinh bị đánh hội đồng ở Hưng Yên: Báo động về bạo lực học đường

Lãnh đạo cục Trẻ em khẳng định việc tạm thời đình chỉ hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm trong quá trình điều tra được thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng về xử lý trách nhiệm người đứng đầu.
Nữ sinh bị đánh hội đồng ở Hưng Yên: Báo động về bạo lực học đường ảnh 1Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Liên quan đến việc học sinh bị bạn đánh hội đồng phải nhập viện tại lớp học ở Hưng Yên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng yên đã tạm đình chỉ công tác đối với hiệu trưởng nhà trường và cho nghỉ công tác chủ nhiệm với giáo viên chủ nhiệm lớp để điều tra, xác minh.

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu

Trao đổi với phóng viên chiều ngày 30/3, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) khẳng định, việc tạm thời đình chỉ hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm trong quá trình điều tra, xác minh của tỉnh Hưng Yên được thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ trẻ em hồi tháng 8/2018.

[Một nữ sinh lớp 9 ở Hưng Yên nhập viện vì bị đánh hội đồng]

Ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh, sự việc gây sốc cho dư luận vì đây là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, thân thể của bạn học.

“Hành vi này thể hiện sự đáng báo động trong quan hệ giữa học sinh trong trường học. Tuy các em mới lớp 9, là học sinh trung học cơ sở nhưng đây là hành vi không thể chấp nhận được, cần có biện pháp phòng ngừa và giáo dục tích cực hơn nữa,” ông Đặng Hoa Nam nói.

Theo ông Nam, để xảy ra các vụ việc bạo lực học đường là trách nhiệm của ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, thậm chí là trách nhiệm của các đoàn đội trong trường học... phải thường xuyên nắm bắt diễn biến về tâm lý, các mối quan hệ trong trường học để phòng ngừa.

Lãnh đạo Cục Trẻ em cho hay, Tổng đài Quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 đã kết nối với địa phương để triển khai biện pháp để hỗ trợ cho nạn nhân. Hiện nay, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên và Uỷ ban Nhân dân huyện Ân thi đã vào cuộc để làm rõ vụ việc.

Theo ông Đặng Hoa Nam, các quy định về hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại đang được triển khai khá tốt. Em bé đang trong tình trạng hoảng loạn về tinh thần, lãnh đạo địa phương đã xuống và có biện pháp hỗ trợ vì nạn nhân hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ nghèo và đau ốm.

Tháo gỡ bất ổn trong tâm lý học đường

Từ vụ đánh hội đồng bạn học ngay tại nhà trường tại Hưng Yên và hàng hoạt các vụ việc bạo lực học đường xảy ra, ông Đặng Hoa Nam cho rằng hệ thống giáo dục kỹ năng sống trong trường học còn rời rạc và manh mún. Trong khi giáo dục kỹ năng sống cần được xây dựng kỹ lưỡng, phù hợp với từng độ tuổi thì trong thực tế việc này chưa hình thành hệ thống, cập nhật kiến thức.

“Để phòng ngừa, cần phải tăng cường công tác tâm lý học đường để tháo gỡ kịp thời bất ổn trong các mối quan hệ giữa học sinh với nhau, giữa giáo viên với học sinh,” ông Đặng Hoa Nam nói.

Mặc dù trong điều kiện hiện nay, mỗi trường học chưa thể có ngay một nhân viên, chuyên gia tâm lý học đường. Tuy nhiên, ông Nam nhấn mạnh cần căng cường hỗ trợ dịch vụ tâm lý học đường cho các trường học vì đây đang là hoạt động cấp bách.

Tăng cường giáo dục kỹ năng phòng ngừa, kỹ năng lên tiếng cho học sinh có nguy cơ là nạn nhân bạo lực là hoạt động quan trọng trong trường học. Ngoài việc dạy kiến thức cơ bản, các trường học cần cập nhật giáo dục các em kỹ năng xử lý các vấn đề xã hội đang nổi lên.

“Hệ thống ngành giáo dục phải ưu tiên triển khai, có chiến lược, kế hoạch lâu dài để phòng ngừa tích cực các hành vi bắt nạt học đường, bạo lực học đường,” ông Đặng Hoa Nam nói.

Nữ sinh bị đánh hội đồng ở Hưng Yên: Báo động về bạo lực học đường ảnh 2Tổng đài Quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 có dịch vụ tư vấn hỗ trợ cho trẻ em. (Ảnh minh hoạ: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội)

Phòng chống bạo lực học đường không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà còn đòi phụ huynh học sinh cần có sự quan tâm, thường xuyên trao đổi với các em về những vấn đề ở lớp, ở trường để có biện pháp hỗ trợ cho trẻ tháo gỡ. Ngoai ra, Tổng đài Quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 có dịch vụ tư vấn, nhân viên tư vấn sẽ giúp đỡ các em cách tháo gỡ vấn đề vướng mắc.

Ông Đặng Hoa Nam cũng cảnh báo về việc đưa hình ảnh, video trẻ bị xâm hại một các lộ liễu, vi phạm bí mật đời tư. Mặc dù đã làm mờ hình ảnh nhưng tính chất vẫn là hình ảnh gây tổn hại cho nạn nhân và nên hạn chế.

“Rất nhiều vụ việc gần đây, Cục Trẻ em đã lên tiếng và đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phải có biện pháp hướng dẫn, quy định chi tiết chế tài xử lý cơ quan truyền thông, báo chí đăng tải hình ảnh, thông tin không có lợi cho nạn nhân là trẻ em,” ông Đặng Hoa Nam nói./.

Như Báo điện tử VietnamPlus đã đưa tin, ngày 22/3, một nhóm 5 nữ sinh lớp 9 tại huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, đánh hội đồng em Y ngay tại lớp học, làm em này phải nhập viện.

Điều đáng nói là sự việc xảy ra ngay trên lớp học và diễn ra trong thời gian dài mà không có sự can ngăn của các bạn cùng lớp và giáo viên. Theo một học sinh giấu tên trong lớp, do Y nhút nhát nên hay bị các bạn khác bắt nạt. Đây không phải lần đầu Y bị đánh và lần này bị đánh nhiều nhất.

Ngay sau khi phát hiện cháu Y bị bạn đánh, gia đình đã báo nhà trường và Ban giám hiệu hứa sẽ xử lý vào ngày thứ Hai đầu tuần vừa rồi, nhưng đến nay đã qua 4 ngày, vụ việc vẫn không được giải quyết.

Gia cảnh cháu Y khá éo le, cả bố và mẹ cháu đều sức khỏe yếu, tâm lý không bình thường nên chú ruột của Y phải đứng ra giám hộ cho cháu.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục