Nữ nhân viên "khóc" khi rời 1 trong 10 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam

Sự tự tin này được tôi luyện sau nhiều ngày tháng làm việc dưới áp lực, có cả thành công lẫn cảm giác mệt mỏi, lo sợ khi nhiệm vụ khó hoàn thành.

Ngày đầu vào công ty, Đỗ Phương Trang tham gia một cuộc họp có tên “45 ngày đêm làm việc với tinh thần thời chiến.”

Khi đó, Trang nghĩ: “Bây giờ là thời bình mà. Đúng là cái kiểu công ty nhà nước, mọi người thường họp hành hô hào khẩu hiệu như phim.”

Thế nhưng, mọi người trong phòng họp thì không có vẻ gì là thiếu nghiêm túc cả.

Ngay sau đó, Trang nhận ngay nhiệm vụ phỏng vấn một số nhân viên công ty ở Burundi về tình hình nội chiến và công việc của họ.

Cô này chưa từng nghe tới Burundi trước đó và khi nghe Fabric (tên nhân viên bản địa) kể chuyện, Trang không thể tin nổi những điều mà họ đang làm ở châu Phi. Fabric nói: “Tôi sẽ chỉ nghỉ việc khi công ty đóng cửa.”

Khi có đủ thông tin viết bài báo, cô vừa viết vừa khóc. Trước đó, Trang chưa từng nghĩ mình lại vào làm việc tại một công ty luôn sống với tinh thần của những chiến binh ngay từ ngày đầu tư vậy. Đây cũng là điều rất ít công ty có được.

Cuốn nhật ký mà Trang thường viết dạng tản văn khi cảm xúc chợt đến, từ lúc vào đây đã thay đổi.

Nhật ký biến thành những dòng tự động viên bản thân mà khi đọc lại cô sinh viên báo chí cảm thấy hơi xót xa, thấy mình vất vả quá, luôn phải nỗ lực để không chùn bước trước áp lực công việc.

Vào công ty này sau hơn 1 năm tốt nghiệp đại học, Trang phải trải qua 5 vòng thi và được nhận vào làm việc tại Phòng truyền thông Tập đoàn Viettel.

​Lúc đó cô rất tự hào nhưng cũng hiểu rằng, áp lực cho công việc là điều không tránh khỏi.

Thế nhưng, cả lúc vào lẫn khi quyết định rời đi, sự tự tin vào bản thân là điều luôn đồng hành với Trang.

Sự tự tin này được tôi luyện sau nhiều ngày tháng làm việc dưới áp lực, có cả thành công lẫn cảm giác mệt mỏi, lo sợ khi nhiệm vụ khó hoàn thành.

Tại đây, cô sinh viên Học viện ​Báo chí học được nhiều điều mà ở trường không dạy.

Đó là bài học về trưởng thành qua thách thức và thất bại, là tinh thần làm việc như thời chiến đã ngấm vào Trang lúc nào không hay.

Đỗ Phương Trang chia sẻ, mình vừa tốt nghiệp một trường đại học mới.

Trang được giao công việc đúng với sở trường của mình, mọi ý tưởng hay đều được cổ vũ biến thành hiện thực.

Chính trong quá trình ấy, Trang thấy giấc mơ làm freelance producer hiển hiện ngay trước mắt.

Cô bạn quyết định: Phải thực hiện ngay lập tức! “Em đã biết điều mình muốn. Kỳ lạ là, kể cả sếp ở công ty cũng khích lệ em thực hiện ước mơ,” cô chia sẻ.

Kể cả khi rời khỏi Viettel rồi Trang vẫn nói “Mỗi khi nhìn thấy biển, băngrôn từ Viettel, em luôn cảm thấy liên quan ở đấy, là một phần ở đấy, mình lo lắng cho nó, mình quan sát xem có vấn đề gì không. Bây giờ mỗi khi nạp một cái thẻ điện thoại em vẫn nhớ cảm giác mình từng là một phần của Viettel.”

Làm clip để kể lại câu chuyện của mình tại đây, Trang khá xúc động khi nói về chuyện rời đi.

Cô vẫn thấy mình là một phần của công ty đặc biệt này – một trong 10 nơi làm việc được khao khát nhất ở Việt Nam theo khảo sát của Anphabe (mạng cộng đồng nghề nghiệp cấp quản lý) phối hợp với Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục