Nữ họa sỹ khắc họa Mẹ Việt Nam Anh hùng trở thành bất tử

Họa sỹ Đặng Ái Việt, quê ở Tiền Giang, hiện đang sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, là người đã vẽ chân dung gần 2.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước sau 8 năm ròng rã.
Nữ họa sỹ Đặng Ái Việt. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Rong ruổi trên khắp mọi miền đất nước, nơi nào có Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng thì nữ họa sỹ Đặng Ái Việt, cán bộ hưu trí Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đều thu xếp đến vẽ tặng Mẹ bức chân dung.

Từ tâm nguyện và bằng cả tấm lòng nhiệt huyết của mình, nữ họa sỹ tài hoa đã dùng nét cọ tinh tế của mình để khắc họa các Mẹ trở thành “bất tử.”

Họa sỹ Đặng Ái Việt, quê ở Tiền Giang, hiện đang sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, là người đã vẽ chân dung gần 2.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước sau 8 năm ròng rã.

Đến nay, tuổi dù đã ngoài 70 nhưng nữ họa sỹ vẫn ngược xuôi vào Nam, ra Bắc, cố gắng hoàn thành “sứ mệnh” ký họa ảnh chân dung tất cả các Mẹ Việt Nam Anh hùng trên đất nước.

Năm tháng đội nắng, mưa, dãi dầm sương gió, nữ họa sỹ không còn nhớ đã vượt qua bao sông suối, hay bao chặng đường gian nan cách trở để đến vẽ chân dung các Mẹ, dù Mẹ ở vùng sâu, vùng xa.

Họa sỹ Đặng Ái Việt chia sẻ, lớn lên trong chiến tranh nên biết cách tự chăm sóc, thích nghi với cuộc sống, giúp vượt qua những chặng đường dài để được vẽ.

Khi thì ở trọ, lúc ở nhờ gia đình người quen; khoản tiền lương hưu ít ỏi được dành dụm mua bút mực, cọ, giấy vẽ và chăm sóc chiếc xe máy để được đi đến nơi, về đến chốn.

Đã không ít lần họa sỹ ốm nặng, phải nhập viện sau những chuyến hành trình gian nan, vất vả nhưng khi khỏi bệnh, bà lại tiếp tục khăn gói một mình lên đường tìm đến các Mẹ.

Nhiều lần gia đình, người thân e ngại tuổi đã cao nên đi theo hay chuẩn bị hành trang, tiền bạc nhưng bà đều từ chối với tâm niệm “tự bỏ công, bỏ sức mới tìm được giá trị đích thực của cuộc sống.”

Nữ họa sỹ Đặng Ái Việt cùng các vị nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan Triển lãm tranh hội họa “Mẹ và Anh hùng của dân tộc”. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Họa sỹ Đặng Ái Việt chia sẻ chiến tranh đã đi qua nhưng hình ảnh của những đồng đội, người chiến sỹ hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc vẫn còn mãi trong tâm trí, thôi thúc người còn sống phải có trách nhiệm với quê hương, đất nước.

Việc làm này là tâm nguyện và cũng phù hợp với các chính sách của Đảng và Nhà nước, thể hiện tình cảm trân trọng, tưởng nhớ người đã ngã xuống, bù đắp phần nào nỗi đau thương mất mát của các Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Mỗi Mẹ là một câu chuyện bi hùng. Có nhiều Mẹ, họa sỹ vừa vẽ, vừa khóc. Khóc vì thương mẹ, vì câu chuyện quá đau thương. Có Mẹ yếu quá, ngồi dậy không nổi mà đôi mắt luôn ngóng trông vô vọng bóng dáng thân yêu của người con đi xa vẫn chưa về...

“Điều khiến tôi trăn trở đó là quỹ thời gian của các Mẹ khi tuổi già sức yếu. Điều khiến tôi xót xa, ân hận nhất là khi đến nơi thì Mẹ vừa mất. Gia đình mất đi người thân, đất nước mất đi người Mẹ còn tôi nợ Mẹ một ân tình.”

[Đề xuất bổ sung quy định về chế độ dành cho vợ liệt sỹ tái giá]

Họa sỹ bùi ngùi nhớ lại câu chuyện cách đây vài năm lặn lội vượt đèo núi của tỉnh Lào Cai đến gặp Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng cuối cùng được phong tặng danh hiệu (theo Pháp lệnh 1994) thì mới biết Mẹ đã mất.

Theo các đồng nghiệp của họa sỹ, Đặng Ái Việt tuy lớn tuổi nhưng vẫn luôn đi tìm cái mới chính trên chất liệu, hình tượng cũ đó là Mẹ Việt Nam Anh hùng. Hay nói rõ hơn, cái mới trong mỗi bức họa chính là hình ảnh sinh động, gần gũi, chân thật, có độ sâu, tâm trạng lắng đọng của từng Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Gần 2.000 tác phẩm chân dung các Mẹ do họa sỹ vẽ nhưng không có tác phẩm nào giống nhau. Mỗi Mẹ đều có một cuộc đời khác nhau, mỗi Mẹ là một câu chuyện bí ẩn của người có chồng, con là liệt sỹ, là nỗi khắc khoải nhớ thương và là niềm tự hào của người Mẹ, người vợ liệt sỹ.

Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 7 trao Bằng khen cho nữ họa sỹ Đặng Ái Việt tại Triển lãm tranh hội họa “Mẹ và Anh hùng của dân tộc”. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Hiểu được điều đó, trân trọng giá trị thiêng liêng của các Mẹ Việt Nam Anh hùng, sự cống hiến và tài năng của họa sỹ Đặng Ái Việt, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã xin giữ lại gần 300 ảnh chân dung Mẹ cùng chiếc xe máy Chaly trang trọng đưa vào phòng truyền thống của bảo tàng.

Trong những ngày cuối tháng 8/2019, họa sỹ Đặng Ái Việt tiếp tục hành trình đến các tỉnh, thành phố phía Bắc để tiếp tục vẽ chân dung cho các Mẹ vừa mới được phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng (theo Nghị định 56).

“Hiện cả nước còn khoảng 3.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống, tôi sẽ tiếp tục đi suốt chiều dài đất nước để vẽ chân dung cho các Mẹ đến khi còn sức. Điều lo lắng nhất của tôi là các Mẹ không chờ đợi được, vì thế tôi cần phải chạy đua với thời gian để vẽ cho kịp…,” họa sỹ Đặng Việt Ái tâm sự.

Theo những người con của họa sỹ Đặng Ái Việt, kế hoạch chuyến hành trình lần này của bà kéo dài 3 tháng.

Bà bắt đầu vẽ các Mẹ ở phía Bắc rồi tiến dần vào Nam. Gia đình luôn tôn trọng, ủng hộ những gì bà đã chọn và quyết tâm làm thật sự có ý nghĩa về mặt xã hội, chỉ mong bà luôn đảm bảo sức khỏe, lái xe an toàn để bảo vệ bản thân và cũng là để hoàn thành “sứ mệnh” họa ảnh chân dung tất cả các Mẹ Việt Nam Anh hùng trên đất nước.

Có thể nói, người nữ cán bộ hưu trí ở tuổi ngoài 70 vượt hàng ngàn km và hàng ngày tiếp tục rong ruổi trên các con đường từ tỉnh này sang tỉnh nọ, từ huyện xuống xã để vẽ chân dung từng Mẹ thì thật là đáng e ngại, có biết bao nhiêu hiểm nguy cận kề, có thể tính từng phút, từng giây…

Qua đó, thể hiện được nghị lực phi thường của một người phụ nữ, với tinh thần quyết tâm dám nghĩ dám làm, một trái tim nhân hậu tràn đầy tình thương như đã học tập được từ tấm gương, đạo đức, phong cách của Bác Hồ.

Họa sỹ Đặng Ái Việt khẳng khái nói: “Dẫu tuổi có cao, sức có yếu nhưng đã quyết tâm thì phải nỗ lực phấn đấu làm bằng được để không thẹn với các Mẹ và những người đã ngã xuống vì độc lập-tự do của Tổ quốc."

Họa sỹ Đặng Ái Việt sinh ngày 16/11/1948 và bắt đầu tham gia cách mạng năm 15 tuổi ở lớp vẽ “Tô Lịch.”

Trong chiến tranh, bà công tác tại tờ Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương cục miền Nam. Sau 1975, bà làm giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho đến ngày nghỉ hưu vào năm 2003.

Trở về hậu phương, đến tháng 2/2010 bà bắt đầu hành trình vẽ chân dung cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng và hoàn tất ở khắp cả nước vào năm 2012.

Gần đây, theo quy định tại Nghị định 56 của Chính phủ đã có thêm nhiều Mẹ được phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng và bà lại tiếp tục lên đường để thực hiện sứ mệnh họa ảnh chân dung.

Hơn 8 năm qua, các tác phẩm chân dung các Mẹ của họa sỹ Đặng Ái Việt đã được giới thiệu và triển lãm gần 10 lần. Trong đó, có ít nhất 2 lần ở Hà Nội, 3 lần ở Thành phố Hồ Chí Minh, 1 ở tỉnh Thừa Thiên-Huế...

Ngoài ra còn có rất nhiều bài viết trên báo, phát thanh, truyền hình, trang điện tử về nữ họa sỹ Đặng Ái Việt đã góp phần lan tỏa về tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục