Nữ giới chiếm vị trí khiêm tốn trên chính trường

Phụ nữ đang thu hẹp khoảng cách với nửa còn lại trên về sức khỏe và giáo dục, song vẫn khiêm tốn trên chính trường và thương trường.
Phụ nữ đang thu hẹp khoảng cách giới tính với một nửa còn lại của thế giới trên các lĩnh vực sức khỏe và giáo dục, song vẫn chưa có bước tiến mạnh và vững chắc trên chính trường và thương trường.

Đó là kết luận của một công trình nghiên cứu quốc tế do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thực hiện và công bố hàng năm trên tạp chí "Giới tính Toàn cầu" (Global Gender) số ra ngày 1/11.

Kết quả khảo sát tại 135 nước trên thế giới cho thấy phái đẹp chỉ chiếm chưa tới 20% các vị trí then chốt của quốc gia. Nghiên cứu ghi nhận trong 6 năm trở lại đây, có 85% số nước đạt được một số tiến bộ về quyền phụ nữ, nhưng tình hình lại đang có xu hướng giảm sút ở phần còn lại của thế giới, đặc biệt là tại một số nước châu Phi và Nam Mỹ.

Các chỉ số quốc tế về sức khỏe và giáo dục đã được cải thiện, với tỷ lệ bình đẳng nam nữ trong các tiêu chuẩn về sức khỏe lên tới 96% và một tỷ lệ tương tự cũng được ghi nhận trong việc thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa hai giới.

Tuy nhiên, con đường chính trị và kinh doanh dường như không mở rộng cho phái đẹp, bằng chứng là số phụ nữ tham gia chính trường và thương trường vẫn quá khiêm tốn, không thể so sánh với giới mày râu.

Theo báo cáo của WEF, chỉ có chưa tới 20% số ghế bộ trưởng và nghị sĩ quốc hội trên thế giới hiện nằm trong tay phụ nữ. Tương tự, chỉ có khoảng 20% vị trí người đứng đầu nhà nước và chính phủ thuộc về các bóng hồng.

Nghiên cứu cũng cho thấy 1/5 số quốc gia tham gia khảo sát có gương mặt nữ đại diện trong hội đồng quản trị các công ty lớn và 1/3 số nước cho phép phái yếu tham gia chính trường.

Tiến sĩ Klaus Schwab, người sáng lập WEF, và đồng tác giả báo cáo Saadia Zahidi nhấn mạnh một hệ thống mà trong đó phụ nữ không hiện diện ở những vị trí cao nhất là một hệ thống bất bình đẳng và không hiệu quả.

Nghiên cứu cho thấy các nước Bắc Âu vẫn thống trị bảng xếp hạng các quốc gia bình đẳng giới của WEF, với Iceland, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển và Ireland trong Top 5. Đứng cuối danh sách là Yemen cùng với Chad, Pakistan và Arập Xêút.

Mỹ - đất nước của Nữ thần Tự do chỉ xếp thứ 17, trong khi Pháp - một quốc gia văn minh hàng đầu thế giới - xếp tận thứ 48, vị trí quá khiêm tốn so với "tên tuổi" của họ, bởi tuy dẫn dầu về bình đẳng giáo dục và y tế, nhưng Pháp lại mất điểm về chính trị và kinh tế.

Đáng chú ý là trường hợp của Brazil, nước này đã nhảy 3 bậc lên vị trí thứ 82 sau khi bà Dilma Rousseff trở thành nữ tổng thống đầu tiên của quốc gia lớn nhất Mỹ Latinh này.

Toàn bộ công trình nghiên cứu này có thể xem tại địa chỉ http://reports.weforum.org/global-gender-gap-2011./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục