Nữ bác sỹ người dân tộc Thái tâm huyết với y học cổ truyền

Bác sỹ Cầm Thị Hương là một trong hai đại diện của ngành y tế tỉnh Sơn La được tôn vinh tại Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sỹ, trí thức và doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số toàn quốc.
Bác sỹ Cầm Thị Hương (bên phải) bên cạnh nhiều loại thuốc quý của các dân tộc vùng Tây Bắc được Bệnh viên Y học cổ truyền tỉnh Sơn La sử dụng điều trị cho bệnh nhân. (Ảnh: Diệp Anh/TTXVN)

Bác sỹ Cầm Thị Hương là một trong hai đại diện của ngành y tế tỉnh Sơn La được tôn vinh tại Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sỹ, trí thức và doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ nhất năm 2017. Suốt 25 năm trong ngành y tế, bác sỹ Hương đã dành nhiều tâm huyết, đam mê của mình với y học cổ truyền dân tộc.

Bác sỹ Cầm Thị Hương sinh năm 1967 trong gia đình người dân tộc Thái có truyền thống làm nghề thầy thuốc. Từ nhỏ, chị đã được ông ngoại đưa vào rừng kiếm những cây thuốc quý bản địa. Chứng kiến ông ngoại sử dụng cây thuốc, bài thuốc dân gian để chữa bệnh cứu người, chị đã ấp ủ ước mơ trở thành bác sỹ. Năm 1985, chị thi đỗ trường Đại học Y Bắc Thái (nay là trường Đại học Thái Nguyên). Năm 1993, chị trở về quê hương và nhận công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Sơn La. Hiện nay, chị là Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Sơn La.

Đam mê với y học cổ truyền, từ ngày còn là sinh viên cho đến khi trở thành bác sỹ, chị đã tìm tòi, ghi chép và sưu tầm nhiều phương pháp y học cổ truyền của các dân tộc vùng Tây Bắc. Năm 2008, bác sỹ Hương đã đúc kết những kiến thức và kinh nghiệm có được để xuất bản hai cuốn sách: Thuốc cổ truyền của dân tộc Thái và thuốc cổ truyền của dân tộc Mông ở Sơn La.

Bác sỹ Cầm Thị Hương còn tích cực nghiên cứu và tham gia nghiên cứu khoa học. Nhiều công trình nghiên cứu đã được áp dụng vào thực tế với quy mô trong, ngoài tỉnh và trên toàn quốc như viên thuốc đại tràng an, phát triển thuốc y học cổ truyền ở huyện Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An) và bài thuốc tán sỏi C...

Bác sỹ Hương cũng là người tận tụy với công việc, sâu sát trong chuyên môn. Chị trực tiếp hướng dẫn các đồng nghiệp các thủ thuật, kĩ thuật chuyên khoa sâu và phương thức hội chẩn những ca bệnh khó. Nhờ đó, công tác chẩn đoán và điều trị của bệnh viện được nâng lên về mọi mặt. Tỉ lệ bệnh nhân điều trị khỏi, đỡ bệnh đạt trên 90%.

Theo chị Lò Thị Lụa (xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), chị bị viêm cơ xương khớp nhiều năm, dù đã uống thuốc và điều trị bằng phương pháp tây y nhưng không đỡ. Khi đến Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Sơn La, được điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền, chị thấy sức khỏe được cải thiện rõ rệt. Chị cho biết, nhờ sự động viên, giúp đỡ tận tình cũng như tay nghề của các y, bác sỹ, chưa đầy một tuần điều trị, tay chân chị đã cử động linh hoạt.

Không chỉ chú trọng tới công tác chuyên môn với cương vị là Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Sơn La, bác sỹ Hương còn quan tâm chăm lo, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh đến điều trị tại bệnh viện. Chị đã cùng lãnh đạo bệnh viện cho phép lập gian hàng từ thiện ngay trong khuôn viên bệnh viện. Ở đây, người bệnh đươc cấp phát miễn phí quần áo, giày dép và nhiều đồ dùng thiết yếu.

Lấy lời dạy “Thầy thuốc như mẹ hiền” của Bác Hồ làm kim chỉ nam, bác sỹ Hương luôn tâm niệm sống và làm việc hết lòng vì bệnh nhân. Chị hi vọng, trong thời gian tới, bệnh viện sẽ triển khai được nhiều kĩ thuật điều trị chuyên khoa; đồng thời, ứng dụng và kết hợp nhiều kĩ thuật y học hiện đại để ngày càng nâng cao hiệu quả công tác khám chữa bệnh cho người dân.

Năm 2018, bác sỹ Hương dự định tái bản có bổ sung hai cuốn sách về thuốc cổ truyền của dân tộc Thái và dân tộc Mông ở Sơn La. Bởi theo chị, vốn quý y học cổ truyền của các dân tộc vùng Tây Bắc là rất đáng quý, cần được bảo tồn và phát huy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục